Những trò “tung hỏa mù” bán điện thoại rởm giá cao

(Dân trí) - Thủ đoạn cũ, kịch bản mòn nhưng số nạn nhân của trò bán điện thoại rởm giá cao và nạn nhân bị lừa đảo qua điện thoại vẫn cứ kéo dài ra. Điểm lại vài kiểu lừa đảo để thấy lòng tham và sự sợ hãi luôn là cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.

Những trò “tung hỏa mù” bán điện thoại rởm giá cao
Một trong những đối tượng dùng iPhone giả dùng để đánh tráo tại các cửa hàng. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Anh N.H.G, Q.2-TPHCM kể, một lần ngồi café vỉa hè ở Q.3-TPHCM, một cô gái khá trẻ ăn mặc tuềnh toàng đạp xe chở bao nhặt phế liệu lại gần thỏ thẻ nhờ anh mở màn hình chính của chiếc iPhone 4S còn khá mới. Anh nhiệt tình chỉ cách sử dụng, nhưng cô loay hoay có vẻ rất khổ sở với chiếc điện thoại.

Ngập ngừng hồi lâu, cô nói mình vừa nhặt được chiếc điện thoại này ở gần một thùng rác lúc mờ sáng. Cô không cần dùng điện thoại, anh mua lại cô sẽ bán cho anh. Anh G. đề nghị được dẫn cô đến một cửa hàng điện thoại để bán, nhưng cô cứ nằng nặc vì “anh là người tốt” nên cô sẵn sàng bán cho anh giá chỉ 1,5 triệu đồng.

“Một thoáng lòng tham dấy lên, nhưng rồi tôi kiềm lại, đề nghị cô ấy nên bán ở tiệm sẽ được giá hơn. Cô quày quả bỏ đi, sau hỏi lại mới biết đó là chiêu lừa bán điện thoại giả giá cao”, anh G. kể.

Chiêu thức này đã lừa được khá nhiều người kể từ khi các smart phone ra đời theo các chia sẻ trên các mạng xã hội trước nay. Giá trị cao của sản phẩm, giá bán cực thấp và người bán thuộc người lao động nghèo như nhặt phế liệu, bán vé số… với dáng vẻ ít hiểu biết khiến người mua rất khó nghi ngờ.

Giữa tháng 1/2015, một người có vẻ ngoài là khách Tây bước vào quán cơm T.H, trên đường Hồng Hà (Q.Tân Bình). Tay khách nói một hồi dài bằng tiếng Anh, vẻ rất chán nản, rằng mình là du khách, trong lúc đến TPHCM du lịch đã bị bị lấy cắp hết tiền bạc, giấy tờ. 

Chị T.L chủ quán bày cách đến công an trình báo sự việc nhưng khách từ chối với lý do sợ phiền hà. "Anh khách" chỉ muốn bán chiếc iPhone 5S của mình để giải quyết tiền ăn và tiền khách sạn còn thiếu.

Tay khách cho biết máy giá 6,5 triệu đồng và khuyên chị chủ mua dùng vì máy còn rất mới và là hàng chính hãng. Chị T.L mang máy qua tiệm điện thoại gần đó kiểm tra, tiệm cho biết máy tốt và họ sẽ thu lại giá 7 triệu đồng. Chị T.L quay về và đề nghị mua giá 300 USD, khách cầm lại điện thoại bỏ vào túi quần, rồi lại rút ra đồng ý bán.

Giao tiền xong, khách đi. Quay ra tiệm, chị T.L được cho biết chị mua trúng máy Trung Quốc, giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Chiếc máy thật đã bị tráo lúc kẻ lừa đảo cho vào túi quần.

Câu chuyện được chia sẻ rất nhiều trên Facebook gần đây chính là "mô hình chuẩn" của việc lừa đánh vào lòng tham khi các thiết bị di động mới luôn được nhiều người dùng ưa chuộng.

Một cách lừa khác cũng "cao tay" không kém, kẻ lừa đảo không trực tiếp gặp nạn nhân. Khoảng tháng 10/2014, Chị Hoàng, nhân viên trực điện thoại của một công ty địa ốc nằm tại Q.2 bỗng nhận được cuộc gọi thông báo rằng công ty đang nợ cước viễn thông lên đến 30 triệu đồng, sự việc đang nhờ cơ quan công an vào cuộc, để biết chi tiết thì bấm phím 0 và làm theo tư vấn.

Những trò “tung hỏa mù” bán điện thoại rởm giá cao

Không kịp suy nghĩ và báo cáo, chị Hoàng làm theo các hướng dẫn nhấn phím, tháng ấy tiền cước điện thoại của công ty chị lên đến hơn 25 triệu đồng, một lượng lớn lưu lượng đi quốc tế đã được truy xuất từ số máy của công ty chị.

Một buối sáng, anh Thiện, một tài xế xe tải ngụ Q.12 đã bàng hoàng tỉnh cả ngủ, khi vợ anh báo có người gọi vào di động chị, gọi đúng tên họ và nói họ ở Bộ Công an và đang điều tra một vụ án rửa tiền lớn có liên quan đến chị.

Khi chị thanh minh rằng mình chỉ là một người nội trợ, không hề biết gì thì người tự xưng là cán bộ an ninh bảo “có thể là thế, nhưng nhân thân chị đã bị sử dụng trong vụ án này, điều đó sẽ gây rắc rồi, có thể mời chị ra Hà Nội để giải quyết”.

Chị vợ sợ líu lưỡi, thì kẻ lừa đảo tung chiêu cuối: “Bây giờ, chị ra ngay ngân hàng chuyển vào tài khoản này 30 triệu đồng thế chân, một tuần sau, sau khi vụ án được giải quyết xong, chứng minh chị chỉ là nạn nhân bị ăn cắp danh tính và hoàn toàn vô tội, chúng tôi sẽ hoàn trả số tiền”. 

Với giọng nói trịnh trọng, dùng nhiều từ chuyên môn, kẻ lừa đảo gần như đã thuyết phục được "con mồi".

Anh Thiện đã gọi nhờ người quen là một luật sư tư vấn khi kẻ lừa đảo liên tục hối thúc gửi tiền và dọa dẫm. Khi đã biết đây là trò lừa đảo, anh đề nghị được gặp người của “an ninh” công tác phía Nam để đưa tiền trực tiếp và trao đổi. 

Kẻ lừa đảo thoái thác và khi biết có dấu hiệu bị phát hiện chúng cúp máy. Các số máy chúng gọi đã được đưa qua phần mềm nhằm giả lập để chuyển thành các số máy của cơ quan bộ.

“Sau khi hoàn hồn, tôi tra lại trên mạng mới biết hàng chục người đã chuyển vài chục triệu cho bọn lừa đảo này. Cách chúng nói và điều khiển người khác quả thật rất chuyên nghiệp, tôi đã rất sợ, suýt nữa thì đi cùng vợ ra gửi tiền cho chúng”, anh Thiện nói.

Cả 4 câu chuyện trên chỉ xoay quanh việc đánh vào lòng tham và nỗi sợ của nạn nhân. Tâm lý ta đã trúng món hời, với một thiết bị thời thượng có thể làm nhiều người bỏ qua sự cảnh giác hay các nguyên tắc đạo đức cơ bản. 

Việc hả hê với chuyện mua được chiếc smart phone với giá như cho từ một người nghèo khó, dân trí thấp có thể đem đến một kết quả bẽ bàng rằng mình mới chính là người bị lừa. Nếu được trang bị chút hiểu biết pháp luật, dịch vụ, các nạn nhân của kiểu lừa “an ninh” sẽ dễ dàng biết rằng không thể có kiểu điều tra ứng trước tiền vào tải khoản của người điều tra hay giải thích tiền cước tự động. 

Để tránh bị lừa đảo, có lẽ người dùng không chỉ gắng làm người tiêu dùng thông minh mà còn phải là người tiêu dùng trong sạch.

Ngân Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm