Những thiết bị điện dễ trục trặc khi gặp thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao

(Dân trí) - Độ ẩm không khí tăng cao khiến nhiều thiết bị điện tử trong gia đình chập chờn, hoạt động kém hiệu quả, ẩm mốc hay thậm chí hỏng hẳn. Dưới đây là những món đồ cần đặc biệt lưu ý.

Mặc dù đang là cuối mùa hè, nhưng miền Bắc vừa bắt đầu bước vào đợt mưa giông kéo dài trong khoảng từ 3-4 ngày tới với độ ẩm từ 80 - 95%. Đây là điều kiện không tốt cho các thiết bị điện tử, khiến chúng chập chờn, hoạt động kém hiệu quả, ẩm mốc hay thậm chí hỏng hẳn.

Dưới đây là một số thiết bị gia dụng nhạy cảm với khí hậu ẩm thấp và cần được người dùng lưu tâm.

TV

Những thiết bị điện dễ trục trặc khi gặp thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao - 1

TV nằm trong nhóm thiết bị điện dễ hỏng và chập điện nhất trong những ngày nồm ẩm, bởi diện tích tiếp xúc với không khí của TV thường lớn hơn các thiết bị khác.

Hơn nữa, TV thường được kê trên sát tường, trong hộc tủ, hoặc đặt trực tiếp lên sàn nhà, gây ra tình trạng tích tụ hơi ẩm, thậm chí tiếp xúc với các giọt nước hình thành nên từ hơi ẩm, đọng lại trên tường, trên thành tủ.

Các “bệnh” của TV khi gặp trời nồm ẩm có thể kể đến như nhoè hình, chất lượng hình ảnh giảm sút, nhiễu, bật lâu lên, hay thậm chí chập điện.

Loa, âm ly, đầu đọc đĩa

Những thiết bị điện dễ trục trặc khi gặp thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao - 2

Bên cạnh TV, thì các thiết bị loa, âm ly cũng nằm trong nhóm dễ bị hỏng hóc, giảm sút chất lượng đáng kể trong những ngày nồm ẩm.

Với dàn âm thanh khi gặp môi trường có độ ẩm cao, đặc biệt là khi đặt ở trên sàn hoặc trong hộc tủ, các giọt nước li ti bắt đầu xuất hiện trên vi mạch, trên thành loa. Các chi tiết bằng kim loại dễ bị gỉ sét ăn mòn, còn loa với chất liệu gỗ cũng gây ảnh hưởng tới chất âm.

Laptop, máy vi tính, máy photocopy

Những thiết bị điện dễ trục trặc khi gặp thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao - 3

Cũng giống như TV, máy vi tính, máy in, máy photocopy được liệt vào hàng đồ điện tử dễ hỏng hóc trong những ngày trời nồm, ẩm. 

Tuy nhiên do máy vi tính thường được đặt ở vị trí cao và thoáng (trên mặt bàn) nên tình trạng tiếp xúc với không khí ẩm cũng giảm bớt. Bên cạnh đó, máy vi tính cũng có cơ chế tự ngắt nguồn khi gặp sự cố trên bảng mạch, giúp người dùng tránh gặp phải sự cố dẫn đến cháy/chập linh kiện.

Ổ điện, bảng mạch điện

Những thiết bị điện dễ trục trặc khi gặp thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao - 4

Chúng ta đôi khi quá để tâm đến những thiết bị điện, mà vô tình quên đi những ổ cắm điện, hay bảng mạch tổng nhỏ bé. Kỳ thực, đây lại là những chi tiết dễ dẫn đến cháy/chập nhất nếu như có sự cố xảy ra.

Lý do là vì ổ điện và bảng mạch đa số đều được đặt sát tường, hoặc trong góc nhà. Khi trời nồm ẩm, tường nhà bắt đầu xuất hiện tình trạng “chảy nước”, thì ổ điện và bảng mạch điện là những nơi đầu tiên gặp nguy hại.

Nếu ổ điện bị nước chảy mà người dùng không biết, vẫn tiếp tục “dòng” điện từ thiết bị khác, thì hiện tưởng chập điện là rất cao.

Điện thoại, máy ảnh

Những thiết bị điện dễ trục trặc khi gặp thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao - 5

Nằm trong nhóm “ít nguy cơ ảnh hưởng”, song điện thoại và máy ảnh vẫn là những thiết bị cần được lưu ý trong những ngày nồm ẩm.

Đối với điện thoại, nguy cơ dẫn đến chập điện cao nhất là khi cắm vào ổ điện, vốn đã bị tác động bởi độ ẩm do thời tiết. Bên cạnh đó, hiện nay có không ít người dùng sử dụng các cục sạc giá rẻ, mua cũ, với nguồn gốc và chất lượng không đảm bảo. Việc sử dụng các cục sạc này trong những ngày nồm, ẩm có thể để lại hậu quả khôn lường.

Đối với máy ảnh, cũng như lens máy ảnh, người dùng cần bảo quản kỹ lưỡng vì bao gồm rất nhiều chi tiết tinh vi, có độ chính xác cao bên trong. Máy ảnh bị ẩm ít dẫn đến cháy, chập, nhưng lại dễ dàng bị nấm mốc, giảm độ sáng,...

Cách bảo quản, xử lý thiết bị điện ra sao?

Đối với mỗi thiết bị điện, lại có những cách bảo quản và xử lý tình huống khác nhau trong điều kiện thời tiết nồm, ẩm.

Về cơ bản, người dùng cần tránh đặt các thiết bị điện tử ở dưới nền nhà hoặc kê sát tường. Bên cạnh đó, cũng cần giữ khoảng cách giữa các thiết bị với nhau, tạo một khoảng trống để lưu thông không khí.

Đối với những thiết bị nhỏ như điện thoại, máy ảnh, lens máy ảnh, loa mini,.. người dùng có thể bảo quản tốt nhất bằng cách đặt chúng vào các hộp chống ẩm, hoặc tủ chống ẩm với độ ẩm trung bình từ 35 - 50%.

Đối với những thiết bị như TV, âm ly, loa thùng,... cần duy trì sử dụng đều đặn mỗi ngày ít nhất từ 5-10 phút. Lý lo là vì khi hoạt động, các thiết bị này sinh nhiệt, và sẽ giải phóng lượng không khí ẩm tích tụ bên trong.

Nếu như nhận thấy căn phòng quá ẩm, có thể cân nhắc chuyển thiết bị điện sang một phòng khác khô, thoáng hơn, hoặc sử dụng các máy điều hoà, máy hút ẩm,... nhằm giảm bớt độ ẩm trong không khí.

Nguyễn Nguyễn