Những sản phẩm “tiên phong” trên thị trường smartphone
(Dân trí) - Thị trường smartphone là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành công nghệ, với sự phát triển không ngừng về phần cứng lẫn phần mềm. Dưới đây là những sản phẩm tiên phong đã tạo nên những đột phá cho sự phát triển của thị trường smartphone ngày nay.
Những điện thoại tiên phong về màn hình
IBM Simon được ra mắt vào năm 1992 không chỉ là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới, mà đây còn là chiếc smartphone đầu tiên đươc trang bị màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, công nghệ cảm ứng trên IBM Simon vẫn là cảm ứng điện trở và phải sử dụng viết stylus để sử dụng.
Năm 2007, Apple ra mắt iPhone, chiếc smartphone được trang bị màn hình cảm ứng điện dung đa điểm đầu tiên trên thế giới. Giao diện trên iPhone cũng được thiết kế với chức năng tối ưu cảm ứng, bao gồm cả bàn phím ảo.
Mặc dù Apple là chiếc smartphone đầu tiên được trang bị cảm ứng đa điểm với giao diện thuần cảm ứng, tuy nhiên đây không phải là chiếc điện thoại di động đầu tiên thuần cảm ứng và không có bàn phím vật lý. LG Prada, được ra mắt tháng 12/2006, là chiếc điện thoại di động sở hữu màn hình cảm ứng hoàn toàn đầu tiên trên thế giới.
LG Optimus LTE, được ra mắt ngày 10/10/2011 tại Hàn Quốc là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới được sở hữu màn hình với độ phân giải HD (1280x720).
Ra mắt vào tháng 11/2012, HTC Butterfly là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu màn hình Full HD (1920x1080). Đây cũng được xem là sản phẩm mở đầu trào lưu độ phân giải Full HD trên smartphone.
Không phải Samsung, LG, Apple hay bất kỳ hãng smartphone nổi tiếng nào khác mà thay vào đó, hãng công nghệ BBK mới là chủ sở hữu của chiếc smartphone màn hình 2K (2560x1440) đầu tiên trên thế giới. Sản phẩm với tên gọi Vivo Xplay 3S được ra mắt vào tháng 12/2013.
Những smartphone tiên phong về bộ vi xử lý
Ra mắt vào tháng 12/2010 và được trang bị bộ vi xử lý lõi kép Tegra 2 của Nvidia, LG Optimus 2X là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu bộ vi xử lý lõi kép. Bộ vi xử lý này gồm 2 nhân xử lý ARM Cortex-A9 với tốc độ 1GHz, giúp Optimus 2X trở thành chiếc smartphone mạnh mẽ nhất vào thời điểm ra mắt.
LG một lần nữa cho thấy sự tiên phong và đột phá của mình trên thị trường smartphone, khi sản phẩm đầu tiên sở hữu bộ vi xử lý lõi tứ một lần nữa thuộc về LG. Đó là chiếc smartphone LG Optimus 4X HD, phiên bản nâng cấp của sản phẩm kể trên, được trang bị bộ vi xử lý Tegra 3 T30, tốc độ 1.5GHz, được ra mắt vào tháng 2/2012.
Smartphone đầu tiên được trang bị bộ vi xử lý lõi 4 chỉ vừa được ra mắt vào tháng 2 năm ngoái, đó là Galaxy Note 3 Neo của Samsung. Đây được xem là phiên bản giá rẻ của Galaxy Note 3 ra mắt vào năm 2013. Bên trong sản phẩm là bộ vi xử lý Exynos 5 lõi 6 do Samsung phát triển, với 2 lõi tốc độ cao 1.7GHz và 2 lõi tốc độ thấp 1.3GHz. Cũng như các sản phẩm khác thuộc dòng Note, Galaxy Note 3 Neo cũng được trang bị cây viết cảm ứng S-Pen đặc trưng.
Samsung nổi tiếng trong việc đi đầu trong các “cuộc đua” cấu hình, do vậy không quá ngạc nhiên khi chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu vi xử lý lõi 8 thuộc về Samsung, đó là chiếc smartphone Galaxy S4, sử dụng bộ vi xử lý Exynos 5410 của Samsung, với 4 lõi tốc độ cao 1.6GHz và 4 lõi tốc độ thấp 1.2GHz. Đây cũng là chiếc smartphone bán chạy nhất trong lịch sử của Samsung, khi bán được 20 triệu máy trên toàn cầu chỉ sau 2 tháng và 40 triệu máy trong 6 tháng đầu tiên.
Mặc dù Galaxy S4 là chiếc smartphone đầu tiên sở hữu vi xử lý lõi 8, tuy nhiên trên thực tế bộ vi xử lý Exynos 5410 trên sản phẩm chỉ sử dụng tối đa 4 lõi xử lý để thực hiện các tác vụ phù hợp. Trong khi đó, chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu vi xử lý lõi 8 với khả năng hoạt động đồng thời cả 8 lõi là Umi X2S của hãng smartphone Umi (Trung Quốc). Sản phẩm được trang bị bộ vi xử lý MT6592 của MediaTek, bộ vi xử lý đầu tiên cho phép hoạt động đồng thời cả 8 lõi vi xử lý.
Cấu trúc vi xử lý
Chiếc iPhone 5S được ra mắt vào năm 2013 của Apple là smartphone đầu tiên sở hữu bộ vi xử lý với cấu trúc 64-bit, khi sản phẩm này được trang bị bộ vi xử lý A7 lõi kép. Ban đầu, giới công nghệ cho rằng vi xử lý cấu trúc 64-bit là không cần thiết, tuy nhiên chính iPhone 5S đã mở ra trào lưu về cấu trúc 64-bit trên thị trường smartphone.
Phải đến tận đầu tháng 9/2014, chiếc smartphone chạy Android đầu tiên sở hữu vi xử lý cấu trúc 64-bit mới được ra mắt để bắt kịp iPhone 5S, chiếc smartphone được Apple tung ra từ năm 2013. Đó là HTC Desire 510, sở hữu bộ vi xử lý Snapdragon 410 và đây là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị bộ vi xử lý lõi tứ cấu trúc 64-bit.
Không lâu sau khi giới thiệu Desire 510, smartphone được trang bị vi xử lý lõi tứ cấu trúc 64-bit đầu tiên, HTC một lần nữa là người tiên phong khi trình làng smartphone lõi 8 cấu trúc 64-bit đầu tiên trên thế giới, đó là chiếc smartphone Desire 820, được ra mắt vào tháng 11/2014, sở hữu bộ vi xử lý Snapdragon 615 lõi 8 cấu trúc 64-bit của Qualcomm.
Phạm Thế Quang Huy