Những người Việt làm nên “kỳ tích” viễn thông ở châu Phi (kỳ 2)
(Dân trí) - Chuyến du hành “ngược thời gian” đưa chúng tôi qua những vùng đất mà cuộc sống của người dân không khác mấy so với hàng nghìn năm trước. Ở những nơi như thế, mạng di động như một “phép thuật” bước ra từ chuyện cổ tích.
“Căn bếp” ở ngay trên xe
Nếu như Tete là tỉnh nóng nhất Mozambique, thì Niassa lại là tỉnh lạnh nhất. Do bao phủ những bình nguyên có độ cao trên dưới 1.000 mét, Niassa có mùa đông từ tháng 5 - tháng 9 với nhiệt độ nhiều lúc xuống dưới 10 độ C.
Tuy mát mẻ hơn hẳn Tete, nhưng Niassa lại là thị trường khó khăn hơn rất nhiều do có ít tài nguyên, kinh tế chậm phát triển, địa bàn vừa rộng lớn vừa hiểm trở, dân cư thưa thớt.
Thế nhưng, chính ở những nơi xa xôi và khó khăn như thế này, “tinh thần thép” của người lính Viettel lại càng phát huy tác dụng. Cũng giống như cách Viettel “sinh sau đẻ muộn” ở Việt Nam và vươn lên bằng cách “đánh chiếm” những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi đối thủ dù ra đời trước nhưng chưa kịp vươn tới, tại Mozambique, Movitel tuy mới có mặt 4 năm, “chậm” tới 11 năm so với 2 nhà mạng còn lại là Vodacom và Mcel, nhưng đã chiếm ưu thế tuyệt đối ở những vùng xa xôi khó khăn như Niassa.
Anh Nguyễn Hải Hòa, Giám đốc chi nhánh Niassa, đón chúng tôi bằng chiếc xe bán tải dã chiến, với thùng xe lỉnh kỉnh nào nồi niêu, bếp, gạo… Anh giải thích, ở đây từ giám đốc đến các cán bộ, nhân viên, đi công tác đều phải mang theo “đồ nghề” để tới đâu là “hạ trại” tự nấu cơm ngay tại chỗ. Ở thành phố Lichinga, thủ phủ tỉnh Niassa này, cũng chỉ có lèo tèo vài quán ăn mà họ làm rất chậm, “dù có gọi điện đặt trước thì khi đến vẫn phải chờ 1 tiếng mới được ăn”, anh nói. Còn những vùng khác trong tỉnh thì hầu như không ở đâu có quán xá, nên anh em phải tự lo cơm nước.
Chuyến du hành ngược thời gian
Những chiếc xe bán tải chở cả đoàn chúng tôi vượt hàng trăm cây số đến Biển Hồ Niassa, một hồ nước ngọt rộng tới gần 30.000 km2 nằm ở nơi giáp ranh giữa Mozambique với Malawi và Tanzania. Chặng đường như một cuộc du hành ngược thời gian, cho chúng tôi cơ hội chứng kiến cảnh người dân bản địa sinh sống có lẽ không khác mấy so với cách đây vài trăm hay thậm chí vài nghìn năm. Họ ở trong những túp lều tranh vách đất tự dựng tuềnh toàng, bên trong hầu như không có đồ đạc gì. Họ trồng trọt đơn giản, săn bắt, hái lượm và nấu nướng bằng củi; ăn mặc sơ sài, và sống hồn nhiên giữa thiên nhiên hoang dã, chỗ ngập cỏ dại, chỗ đầy bụi đất.
Những đường nét hiếm hoi giúp chúng tôi nhận ra bức tranh sống động hai bên đường không phải thuộc thời kỳ “đồ đá”, là những đường dây điện và dây cáp viễn thông, được chống bằng những cây cột gỗ nhỏ, thẳng tắp. Anh em Movitel bảo, nhiều nơi trong tỉnh không có điện, một số nơi có thì người dân dùng rất hạn chế và dùng theo… thẻ cào. Có tiền thì ra mua thẻ nạp tiền vào, xài điện hết số tiền đó thì… thôi, cúp điện!
Với một thị trường đầy trở ngại như vậy thì đương nhiên việc phát triển dịch vụ viễn thông cũng vô vàn chông gai. Anh Hòa bảo, ở đây cứ 6 tháng mưa 6 tháng nắng, mùa mưa rất nhiều người dân vào rừng làm rẫy, nên lượng thuê bao sụt. Mùa nắng họ mang đồ nông sản ra bán và có tiền tiêu xài, thì Movitel lại bán được sản phẩm. Mỗi lần như vậy lại phát triển được thêm một ít thuê bao, nhưng “phải làm cật lực, bán từng thuê bao một, giám đốc cũng phải luôn trữ sẵn 1.000 đến 2.000 bộ kit trong xe để gặp đối tượng tiềm năng thì tặng làm quà, hoặc bán trực tiếp cho người dân”, anh Hòa tâm sự.
Chợ phiên ở đây tiêu điều, lam lũ hơn nhiều so với ở Tete.
Xe dừng ở một chợ phiên. Cảnh tượng tiêu điều hơn rất nhiều so với chợ phiên ở Tete. Hàng hóa thưa thớt, mỗi quầy lèo tèo một ít đồ lương thực, thực phẩm, rau củ mà người dân trồng hoặc hái lượm được, bày ra đất bán cho nhau. Thêm ít hàng quần áo cũ nát, đồ gia dụng linh tinh, là thành cái chợ. Nếu chụp ảnh đen trắng thì có lẽ trông còn tồi tàn hơn cảnh chợ quê ở Việt Nam hồi những năm 50, 60 thế kỷ trước.
Nhóm Movitel ở Niassa cũng phải “lăn” vào các chợ như thế để bán hàng, miệt mài giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới từng người dân. Trên tấm bảng ở phòng giám đốc chi nhánh, ngoài lịch công tác, sơ đồ mạng lưới, thì lịch chợ phiên trên khắp tỉnh chiếm một vị trí quan trọng. Anh em phải bám sát, không bỏ sót phiên chợ nào. Việc bán hàng ở đây mất công sức hơn nhiều vì người dân đa phần là nghèo hơn. Ở chợ, chúng tôi chứng kiến hầu hết họ tụ tập chỉ để xem, ngắm nghía và trầm trồ chiếc điện thoại di động như một “vật thể lạ”, chứ tỉ lệ mua rất ít. Nếu như ở những tỉnh khác 10 người xem có 1 người mua thì ở đây tỉ lệ chắc phải lên tới 20, 30 trên 1!
Phần lớn người dân vây quanh quầy hàng của Movitel để… ngắm cho thỏa tò mò.
Thế nhưng, nhờ những nỗ lực đáng nể, Movitel hiện đã chiếm 63% tổng số thuê bao tại Niassa, với 290.000 thuê bao phát sinh cước, mang lại doanh thu 1,2 triệu USD/tháng, (bao gồm khoảng 1 triệu USD từ thẻ cào và 200.000 USD từ các dịch vụ khác), con số không kém gì của các chi nhánh ở các tỉnh có kinh tế phát triển hơn.
Làm việc bằng cả trái tim
Tiếp chúng tôi trong căn phòng giản dị tại tòa nhà chính quyền nhìn cũng rất khiêm nhường, ông Arlindo Goncalo Chilundo, Chủ tịch tỉnh Niassa, bày tỏ ấn tượng sâu sắc với những gì Movitel đã làm được cho tỉnh nói riêng, và cho Mozambique nói chung. Ông cho biết, sự phát triển của mạng viễn thông đã tạo ra một cuộc cách mạng tại một tỉnh vốn còn nhiều khó khăn như Niassa, và mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội mang tính đột phá.
“Nhờ Movitel, hiện nay các làng nhỏ trong tỉnh cũng có mạng di động và Internet; nhiều trường học được hưởng lợi từ Internet của Movitel nên chúng tôi rất biết ơn”, ông Chilundo tâm sự.
Anh Nguyễn Hải Hòa cho biết, Movitel đã và sẽ tiếp tục trang bị các phòng máy tính có kết nối Internet cho các trường trong tỉnh, nhằm giúp các em học sinh và giáo viên được kết nối với thế giới, nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra, sắp tới Movitel cũng rất sẵn sàng giúp chính quyền tỉnh các công nghệ giúp theo dõi động vật quý hiếm, chống săn bắt trộm.
Không chỉ mang đến những phương tiện, công nghệ mới, người Việt Nam còn góp phần nâng cao chất lượng lao động bản địa. Ông chủ tịch tỉnh đặc biệt đánh giá cao tinh thần làm việc của người Việt Nam: “Các bạn không ngại làm việc ở những vùng nông thôn xa xôi, làm việc miệt mài ngày đêm không đòi hỏi tiện nghi, thậm chí kể cả khi phải sống trong lều”! Theo ông Chilundo, cá nhân ông cũng như nhiều người Mozambique rất khâm phục tinh thần làm việc đó, và điều đó có ảnh hưởng rất tích cực lên những người lao động bản xứ.
Ở nhiều nơi tại Niassa, người dân sống trong những túp lều lụp xụp như thế này.
Cũng như ở Tete, tại Niassa, anh Hòa cũng đang đào tạo để chuẩn bị chuyển giao vị trí giám đốc cho một người bản địa, đó là Phó Giám đốc Kinh doanh Somente Puye.
Somente tự hào cho biết, sau 4 năm làm việc cho Movitel, anh đã được cất nhắc từ nhân viên kinh doanh lên phó phòng, trưởng phòng, rồi phó giám đốc, và nay đã được chịu trách nhiệm phỏng vấn các nhân viên mới cho công ty. Anh thẳng thắn nhìn nhận các đồng nghiệp Việt Nam đã “dạy” anh rất nhiều trong công việc, đặc biệt là cách họ làm việc vô cùng chăm chỉ và tập trung, “ngày nào phải hoàn thành kế hoạch ngày đó, vì ngày mai lại có kế hoạch khác”.
Tác giả tại chợ phiên ở Niassa.
Trải qua những tuần đầu tiên “tập sự” để làm người lãnh đạo cao nhất của chi nhánh dưới sự chỉ dẫn của giám đốc, Somente cho biết, điều quan trọng nhất anh học được là thái độ với công việc, sự tôn trọng công việc chung của công ty, tinh thần không bao giờ lơi là vì biết đối thủ lúc nào cũng có thể vượt lên. Và trên hết, anh nói, “không phải chỉ làm việc chăm chỉ mà còn phải làm việc bằng cả trái tim”.
Tuấn Anh