Những hình ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2014
(Dân trí) - Năm 2014 được nhận định là năm tuyệt vời của khoa học. Dưới đây là những hình ảnh ấn tượng nhất được tổng hợp bởi tạp chí Science – một trong những tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.
1. Tàu thăm dò Rosetta và robot Philae đáp thành công lên bề mặt sao chổi
Đây chính là sự kiện khoa học – vũ trụ ấn tượng nhất năm 2014. Sau nhiều năm tiếp cận, Rosetta đã “cử đi” thành công robot Philae lên bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Đây cũng là lần đầu tiên con người tiếp cận được với sao chổi. Đáng tiếc là Philae đã có một vài trục trặc khi hạ cánh và mất tích trên đó. Dù vậy, robot này cũng đã kịp thu thập được rất nhiều dữ liệu vô giá.
2. Nguồn gốc hình thành bộ phận sinh dục đực
Phát hiện này là sự bổ sung quý giá cho quá trình nghiên cứu sự sống trên trái đất bởi đây chính là “chìa khóa” cho sự phát triển loài. Trước đó, các nhà khoa học thắc mắc rằng bộ phận này xuất hiện đầu tiên từ loài động vật nào? Sau nhiều nghiên cứu từ rắn, thằn lằn, chuột, gà… các nhà khoa học đã có câu trả lời. Hình ảnh trên là bộ phận sinh dục rắn đực ở trạng thái phôi thai, nó khá giống như chân của con rắn.
3. Z-Machine
Z-Machine là máy tạo tia X mạnh nhất thế giới hiện nay, được đặt tại phòng thí nghiệm Sandia National thuộc Mexico và được đặt nằm trong dầu và nước.
Sức mạnh của Z-Machine là hết sức tuyệt vời khi có thể tạo ra nguồn năng lượng bằng 80 lần tổng tất cả các nhà máy điện trên Trái Đất (tuy chỉ tồn tại 100 phần tỉ giây), có thể đẩy mẩu kim loại nhỏ từ đứng yên chuyển đọng hơn 120.000 km/h. Thiết bị được kì vọng sẽ tạo ra nguồn năng lượng vô tận phục vụ thế giới.
4. Sự kết hợp của 2 ngôi sao xanh khổng lồ
Hai ngôi sao phát ra ánh sáng màu xanh cách Trái đất 13.000 ánh sáng, hướng Bắc bán cầu, nhìn về phía chòm sao Hươu cao cổ (Giraffe). Hai ngôi sao này đang trong quá trình sáp nhập lại với nhau, chưa biết thời gian hoàn thành. Theo tính toán, ngôi sao nặng gấp 32 lần khối lượng mặt trời chúng ta, quay quanh sao chủ trong thời gian 28 giờ/vòng.
5. Hai nhà khoa học “làm nhà” trên một tảng băng
Hai nhà khoa học người Na Uy đã lấy một tảng băng để làm trạm nghiên cứu. Trên đó, họ trang bị một thủy phi cơ có tên SABVABAA và nguồn thức ăn có thể sử dụng trong vòng 1 năm. Hiện họ đang “trôi dạt” trên Bắc Băng Dương để nghiên cứu lõi trầm tích và môi trường cực 60 triệu năm trước.
6. Bạch tuộc mẹ - sinh vật ấp trứng lâu nhất thế giới
Bạch tuộc này được đặt tên là Supermom khi ấp trứng với thời gian lên tới 4 năm 5 tháng và lâu hơn bất kỳ động vật nào khác được biết đến từ trước tới nay. Trong khoảng thời gian đó, bạch tuộc mẹ không hề ăn một thứ gì cả nên sau khi trứng nở thành công, người mẹ này đã chết vì kiệt sức.
Sự việc được phát hiện bởi nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu hải dương học Vịnh Monterey (MBARI, Mỹ).
7. Hòn đá làm bằng nhựa
Trong tháng 6, các nhà nghiên cứu tìm ra “một loại đá mới” được làm bằng nhựa trên bờ của Hawaii. Được đặt tên là plastiglomerate, viên đá này được cấu thành từ nhựa và các chất hữu cơ khác như cát, san hô... Phát hiện này một lần nữa cảnh báo nhựa đã gây mất cân bằng tự nhiên như thế nào và cần có sự ngăn chặn.
8. “Làn sóng” Bộ lạc nguyên thủy Amazon tiếp xúc với thế giới bên ngoài
Năm nay, có tới 24 bộ lạc nguyên thủy thuộc Amazon vốn trước đó không tiếp xúc với thế giới hiện đại đã có “bước đi quan trọng” khi đã có những dấu hiệu cho thấy họ đang làm điều ngược lại. Trong hình là một người đàn ông trẻ nhặt bó quần áo được người hiện đại đưa vào.
9. Phát hiện loài khủng long bơi
Tháng 9, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra loài khủng long có thể bơi được mang tên Spinosaurus. Hóa thạch của Spinosaurus cho thấy, khủng long này dài 15 mét, là sinh vật lớn nhất thế giới trong môi trường nước ở thời điểm đó.
10. Bụi sao chổi được tìm thấy trên Trái Đất
Lần đầu tiên, bụi sao chổi được tìm thấy trên Trái đất, ở vùng Bắc Cực và bị vùi sâu vào tuyết vĩnh cửu. Bụi sao chổi là hạt thiên văn lâu đời nhất chúng ta có thể nghiên cứu và cung cấp các manh mối về sự hình thành Hệ mặt trời cũng như sự sống trên Trái đất.
Lâm Anh