Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển

(Dân trí) - Nền công nghiệp sản xuất PC (máy tính cá nhân) đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Các nhà sản xuất đều có những con át chủ bài cho riêng mình. Những chiếc máy tính cá nhân đó đã có những ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, giải trí, truyền hình. Dưới đây là những chiếc PC đã có tầm ảnh hưởng lớn.

MITS Altair 8800 (1975)

 

MITS Altair 8800 là chiếc máy tính gây nhiều tranh cãi, thậm chí cho đến tận ngày nay những sử gia chuyên về máy tính vẫn đang tranh luận xem nó có phải là chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới hay không (2 ứng cử viên khác là Kenbak-1 và Micral-N). Tuy nhiên có điều không thể chối cãi được đó là: “MITS Altair 8800 thực là cỗ máy đầu tiên đưa trí tưởng tượng được hình thành theo cách tuyệt vời hơn”. Đã có khá nhiều công ty đứng ra chứng minh cho sức mạnh và sự quyến rũ của nó.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 1
MITS Altair 8800 được đưa ra thị trường với giá 397 USD, sử dụng chip Intel 8080, bộ nhớ RAM 256 bytes. Đầu tiên bạn cần lập trình cho nó bằng cách gạt ngắt mở các mạch điện, nhưng sau đó Bill Gates và Paul Allen thành lập một công ty nhỏ mang tên Micro-soft và đưa ra phiên bản đầu tiên của ngôn ngữ lập trình BASIC và hoạt động trên hệ thống này.

 

Thời gian chi phối của nền tảng máy tính Altair là khá ngắn ngủi bởi nó bị trì hoãn hoạt động hoàn toàn vào năm 1978. Nhưng những gì mà nó để lại thật sự là cả một gia tài.  

 

Apple II (1977)

 

Có thể nói cỗ máy Apple II là sản phẩm thành công nhất trong lịch sử ngành công nghiệp máy tính, có hàng loạt các mỹ từ mà người ta đã gán cho nó, nào là sản phẩm cấp tiến nhất, nào là sản phẩm bán chạy nhất, nào là sản phẩm làm thay đổi mọi thứ, tiêu chuẩn của phát minh, bên cạnh đó nó cũng đạt hàng loạt các giải thưởng về thiết kế.

 

Apple II có giá 1.200 USD, hệ thống 8-bit với 4KB bộ nhớ (có khả năng mở rộng lên 48 KB), lưu trữ dữ liệu trên cassette chứ không phải trên đĩa. Nhưng khả năng của nó không tồi chút nào, nó là chiếc PC màn hình màu đầu tiên (thậm chí bạn có thể dùng màn hình TV thay cho màn hình PC), chiếc máy đầu tiên cho phép người sử dụng mở rộng dễ dàng, và là chiếc máy đầu tiên sử dụng bảng tính VisiCalc. Đây là những bước tiến vượt bậc chỉ sau 2 năm chiếc máy tính đầu tiên MITS Altair 8800 ra đời.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 2
Một yếu tố góp phần giúp nó trở thành chiếc PC tuyệt vời đó chính là ở thiết kế đi trước thời đại, lúc đó Steve Jobs chỉ muốn chiếc máy tính này trông thật mềm mại, phù hợp với mọi gia đình, ông hoàn toàn không thích cách thiết kế khô cứng như các cỗ máy kim loại nặng nề của những chiếc máy tính vào thời gian đó. Kiểu dáng thiết kế này còn theo Apple đến ngày nay như một thương hiệu không thể trộn lẫn.

 

Trong thời gian dài kể từ khi chiếc máy nguyên bản Apple II ra mắt vào tháng 4/1977 cho đến thời điểm kết thúc sản xuất của phiên bản Apple IIe đã có hơn 2 triệu máy Apple II được sản xuất, đây là dòng máy thành công nhất của Apple, nó giúp hãng Apple trụ vững qua nhiều biến động của thị trường máy tính trong những năm 80.

 

Atari 800 (1979)

 

2 năm sau ngày Atari phát hành máy chơi game chuyên dụng đầu tiên, hãng đã cho ra đời chiếc máy tính gia đình đầu tiên của mình, đó là Atari 800. Với sản phẩm này, hãng có tham vọng sẽ định nghĩa lại thế nào là một chiếc máy tính gia đình.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 3
Với giá bán là 999 USD, Atari 800 là sự kết hợp ứng dụng giữa máy chơi game và máy tính làm việc. Bộ xử lý CPU được đồng bộ hóa với chip xử lý hình ảnh trong hệ thống 8 bit. Chức năng hiển thị 128 màu cùng với khả năng hiển thị 4 đối tượng lập trình có thể di chuyển cùng lúc trên màn hình là một lợi thế rất lớn của Atari 800. Sản phẩm còn hỗ trợ hệ thống âm thanh 4 dòng cao cấp, 2 khe cắm mở rộng cho các ứng dụng khác và 4 joystick đi kèm.

 

Atari 800 ra đời làm tăng thêm sự lựa chọn cho các bậc phụ huynh khi muốn lựa chọn những thiết bị kết hợp giữa việc học và chơi, quả thực sản phẩm này đã tạo được không ít thành công.

 

Kaypro II (1982)

 

Được phát hành vào cuối năm 1982, Kaypro II không phải là sản phẩm độc nhất vào thời điểm đó, nhưng nó được đánh giá là sản phẩm tốt và hợp thời. Không giống như những sản phẩm của IBM hay Apple, khi mà chúng luôn đi kèm với các phần mềm của hãng cùng với máy in khiến cho giá thành lên tới hàng ngàn USD. Kaypro II chỉ đơn thuần là một chiếc máy tính cá nhân và không có bất kì phụ kiện nào ngoại trừ những phần mềm cơ bản như soạn thảo văn bản hay bảng tính, điều này khiến cho giá thành của nó chỉ vào khoảng 1.795 USD.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 4
Thiết kế của Kaypro II không được bắt mắt cho lắm, bọc bên ngoài là kim loại với 2 màu xám và xanh dương, màn hình đơn sắc rộng 9 inchs, bàn phím gập vào trong và cân nặng lên tới 26 pounds, những đặc điểm này khiến cho chiếc máy tính trông như chiếc vali quá khổ.

 

Commodore Amiga 1000 (1985)

 

Máy tính Commodore Amiga 1000 là sản phẩm bán chạy nhất vào thời điểm 1985, máy được phát triển tại Thung lũng Silicon Valley bởi hãng Commodore. Nó là chiếc máy tính được định nghĩa đa phương tiện, chạy đa tác vụ đầu tiên trên thế giới.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 5
Giá bán của chiếc máy nào vào khoảng 1.500 USD (không kèm màn hình), sử dụng chip xử lý Motorola 68000 tương tự với chiếc Macintosh của Apple. Điều thú vị nhất ở dòng máy tính này đó là khả năng đồng bộ hóa 3 vi xử lý đồng thời là vi xử lý trung tâm, đồ họa và âm thanh. Chip xử lý hình ảnh có thể thực hiện các nhiệm vụ tuyệt vời như hoạt hình 3D, hỗ trợ video chuyển động thực (FMV - Full Motion Video). Hệ thống âm thanh 4 dòng stereo tái hiện âm thanh thực tốt hơn, và sử dụng Soundtracker, chương trình đầu tiên áp dụng cách quản lý nhạc theo ‘tracks’.

 

Sau Amiga 1000 hãng Commodore còn tung ra nhiều sản phẩm khác như Amiga 500 và 2000 vào năm 1987 cho đến khi tuyên bố phá sản vào năm 1994. Tuy nhiên những chương trình như "NewTek's Video Toaster" hay "Lightwave3D" thì vẫn còn được sử dụng đến ngày nay.

 

Compaq Deskpro 386 (1986)

 

Trong những năm 80, IBM là gã khổng lồ không thể đối địch trong ngành công nghiệp máy tính, với biệt danh là Big Blue. Tuy nhiên có một sự kiện xảy ra trong năm 1986, Intel giới thiệu vi xử lý 80386 32-bit đầu tiên trên thế giới, nhưng cái tên được nhắc đến lại là Compag chứ không phải là IBM. Compag là công ty đầu tiên ứng dụng vi xử lý 386 vào sản xuất máy tính.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 6
Chiếc Deskpro 386 được bán với giá cao ngất trời là 6499 USD, đi cùng với tốc độ bus 32-bit, xung nhịp 16-MHz. Deskpro 386 có thể tương thích với các phần mềm dành cho thế hệ máy trước đó. Điều này vốn không được phép với các máy cùng thời.

 

Chiếc Deskpro 386 tuy không phải là dòng máy mạnh nhất, thông dụng nhất trong năm những năm 86 nhưng nó là bằng chứng thuyết phục nhất chứng minh nền tảng PC không phải được quyết định bởi một công ty.

 

Toshiba T1000 (1987)

 

Trong những năm 80, ToshibaT1000 thực sự là cuộc cách mạng về kích thước, với các số đo 12 x 2 x 11 inches, trọng lượng 6.4 pounds, Toshiba T1000 hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về thiết bị di động. Bên cạnh đó nó cũng là sản phẩm rẻ nhất thời điểm bấy giờ.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 7
Toshiba T1000 cũng thật mạnh mẽ với bàn phím đủ 82 phím, ổ đĩa mềm 3.5 inches 720 KB, RAM 512 KB, và modem tích hợp, sử dụng hệ điều hành MSDOS 2.11. Nhược điểm của Toshiba T1000 nằm ở sự thể hiện nghèo nàn của CPU và thời lượng dùng pin, bù lại người dùng được lợi về kích thước nhỏ và giá cả phải chăng.

 

Sản phẩm này là phát pháo đầu tiên báo hiệu sự chiếm lĩnh thị trường thiết bị di động của hãng Toshiba và nó cũng là sản phẩm đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của thế hệ laptops ngày nay.

 

Hewlett-Packard 100LX (1993)

 

HP 100LX không phải là chiếc Pocket PC đầu tiên trên thế giới, nhưng nó lại là sản phẩm đầu tiên kết hợp đúng nghĩa của 2 từ “Pocket” và “PC”. Nói cách khác nó thực sự là một chiếc PC bỏ túi.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 8
HP 100LX có mức giá 749 USD cùng với rất nhiều tính năng đi kèm, bộ bàn phím QWERTY cùng đầy đủ phím số, màn hình đơn sắc 80 x 25 dòng, đặc biệt là hệ điều hành DOS 5.0 có khả năng tương thích hầu hết các chương trình tại thời điểm đó.

 

Sau dòng 100LX, hãng HP có sản xuất các dòng tiếp theo của sản phẩm này là 200LX và 300LX cũng rất thành công, riêng dòng 300LX sử dụng hệ điều hành Windows CE.

 

Gateway 2000 Destination (1996)

 

Trong năm 1996, chưa có máy tính nào hội tụ đầy đủ các tính năng trong công việc đặc thù nào đó, ngay cả từ “hội tụ” vẫn còn được dùng một cách xa xỉ. Nhưng hãng Gateway 2000 đã cho phát hành chiếc máy tính được coi là quả bom tấn vào thời điểm đó, chiếc Destination, được coi là tiền thân của dòng máy tính giải trí cá nhân.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 9
Với mức giá từ 3499 USD đến 4699 USD cao ngất ngưởng, đổi lại bạn sẽ có được những công nghệ đi đầu: Một màn hình CRT 31 inches, 2 đầu máy video, bàn phím không dây và điều khiển từ xa, bộ bắt sóng TV, hệ thống âm thanh vòm, và cuối cùng tất nhiên là nhiệm vụ thông thường của một chiếc PC.

 

Mặc dù là sản phẩm thu hút được sự chú ý của nhiều người, nhưng nó hoàn toàn thất bại về mặt kinh doanh do giá thành cao và không thực sự phù hợp với phòng khách. Tuy nhiên nó cũng tìm được chỗ đứng trong các doanh nghiệp hoặc trường học như những máy trình chiếu.

 

Apple eMate 300 (1997)

 

Như truyền thống vốn có, hãng Apple luôn đưa ra những sản phẩm đầy tính sáng tạo, mỗi sản phẩm mới được ra đời, nó luôn thu hút được sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên vào năm 1997, năm dòng sản phẩm Apple eMate 300 ra đời, nó chỉ đáp ứng được truyền thống sáng tạo đó nhưng lại thất bại trên thương trường.

 

Giá bán của chiếc máy là vào khoảng 799 USD, hướng đến đối tượng khách hàng là học sinh sinh viên. Máy sử dụng hệ điều hành Newton dành cho PDAs và không có ổ cứng riêng.

 

Những chiếc máy tính đạt nền móng cho sự phát triển  - 10
Với thiết kế đặc trưng được lấy cảm hứng từ bộ phim Batman & Robin as Batgirl’s kết hợp với phong cách cơ - sinh học của nhà thiết kế HR Giger, trông chiếc máy tính thật đặc biệt và hấp dẫn với lứa tuổi học đường, thế hệ luôn thần tượng những anh hùng.

 

Bản thân Apple eMate khi ra đời nó cũng đã tạo ra được những tín đồ của riêng mình như những sản phẩm Apple khác. Tuy nhiên thật đáng tiếc Steve Jobs lại không phải một trong những người như vậy, ông đã cho ngừng sản xuất dòng máy tính này ngay khi nó ra đời chưa đầy 1 năm cùng với hệ điều hành Newton. Tuy nhiên sản phẩm này lại được coi là sáng kiến đầu tiên về một chiếc máy tính xách tay dành cho học đường.

 

Đinh Tú

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm