Những “bom xịt” của làng công nghệ trong năm 2015

(Dân trí) - Bên cạnh những sản phẩm thành công và được nhiều người đón nhận, năm 2015 còn chứng kiến sự xuất hiện của những “quả bom xịt” trên thị trường công nghệ, khi các sản phẩm đã không đáp ứng được sự kỳ vọng, chờ đợi của người dùng. Dưới đây những “bom xịt” công nghệ tiêu biểu trong năm 2015.

Qualcomm Snapdragon 810

Những “bom xịt” của làng công nghệ trong năm 2015 - 1

Được giới thiệu lần đầu tiên từ quý III/2014 tuy nhiên đến 2015, những sản phẩm đầu tiên sử dụng chip thế hệ mới này của Qualcomm mới được ra mắt. Tuy nhiên, Snapdragon 810 lập tức trở thành một “cú vấp ngã” đáng quên của hãng vi xử lý di động Qualcomm.

Ngay từ trước khi ra mắt từng xuất hiện các tin đồn Snapdragon 810 gặp hiện tượng quá nhiệt sau một thời gian dài sử dụng và khi sản phẩm thực tế được ra mắt, tin đồn đã được kiểm chứng. Nhiều mẫu smartphone được trang bị thế hệ vi xử lý này (như HTC One M9, Xperia Z3+...) bị người dùng phản ánh hiện tượng quá nhiệt khi sử dụng, buộc các hãng sản xuất phải có giải pháp xử lý.

Cũng chính lỗi này đã khiến Samsung “quay mặt” với Qualcomm và sử dụng thế hệ vi xử lý Exynos do hãng phát triển trên các mẫu smartphone cao cấp như Galaxy S6, Galaxy Note 5... thay vì ra mắt cả 2 phiên bản sử dụng Exynos và Snapdragon như các phiên bản trước đây.

Không chỉ Samsung, nhiều hãng smartphone khác cũng đã bỏ qua thế hệ vi xử lý Snapdragon 810 mạnh mẽ nhất để lựa chọn phiên bản Snapdragon 808 cấp thấp hơn trên các mẫu smartphone cao cấp của mình, như LG V10, G4 hay BlackBerry Priv...

Cú “vấp ngã” của Snapdragon 810 đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của Qualcomm, buộc Qualcomm phải nỗ lực hơn để lấy lại hình ảnh và sự tin tưởng từ các hãng sản xuất smartphone đối với các thế hệ vi xử lý cao cấp của mình trong tương lai.

HTC One M9

HTC One M9 không đáp ứng được sự kỳ vọng của người dùng và mắc lỗi quá nhiệt do sử dụng chip Snapdragon 810.

Kể từ khi mới ra mắt hồi đầu tháng 3 vừa qua, One M9 được đặt nhiều kỳ vọng là chiếc smartphone giúp HTC vượt qua được những khủng hoảng trên thị trường smartphone, tuy nhiên chiếc smartphone này không chỉ không đáp ứng được kỳ vọng và còn bị xem là một “bom xịt” của năm 2015.

Sở hữu vẻ ngoài vẫn được đánh giá cao về thiết kế, tuy nhiên việc thừa hưởng quá nhiều các đường nét thiết kế của One M7 và One M8 trước đây khiến One M9 không có nét đặc trưng về thiết kế, thậm chí khiến nhiều người dùng nhầm lẫn giữa các phiên bản với nhau.

Tuy nhiên sự thất vọng lại đến từ bên trong của sản phẩm. HTC đã nâng cấp cấu hình bên trong của One M9 bằng việc trang bị bộ vi xử lý Snapdragon 810 cao cấp nhất của Qualcomm, tuy nhiên chính điều này đã khiến One M9 gặp hiện tượng quá nhiệt khi sử dụng. Nhiều người dùng phản ánh chiếc smartphone One M9 của bị tăng nhiệt cao và bị treo máy không thể sử dụng được.

HTC đã thừa nhận lỗi này sau đó phải tìm cách khắc phục bằng cách nâng cấp hệ thống để hạ xung nhịp vi xử lý trên sản phẩm, điều này sẽ giúp thiết bị không quá nóng khi sử dụng, tuy nhiên kéo theo đó sẽ làm cho hiệu suất chung của thiết bị bị ảnh hưởng.

Sự thất bại của One M9 đã kéo theo một năm không thành công của HTC và đẩy hãng công nghệ Đài Loan lún sâu vào khủng hoảng.

Sony Xperia Z3+

Video ứng dụng camera trên Xperia Z3+ bị ngừng hoạt động do nhiệt độ sản phẩm bị tăng lên quá cao.

Tương tự One M9, chiếc smartphone Xperia Z3 được giới công nghệ đánh giá cao khiến nhiều người chờ đợi vào phiên bản nâng cấp của chiếc smartphone này, tuy nhiên, càng hy vọng và chờ đợi càng khiến nhiều người thất vọng về chiếc smartphone Xperia Z3+ của Sony.

Là phiên bản nâng cấp tuy nhiên Xperia Z3+ lại sở hữu thiết kế không khác biệt gì so với Xperia Z3, sự khác biệt nằm ở cấu hình bên trong khi sản phẩm được trang bị bộ vi xử lý Snapdragon 810 cao cấp của Qualcomm, tuy nhiên cũng như HTC One M9, Xperia Z3+ nhanh chóng nhận được nhiều phản ánh từ phía người dùng về tình trạng quá nhiệt khi sử dụng khiến máy bị treo và camera bị ngưng hoạt động khi đang quay phim.

Sony cũng tìm cách để khắc phục vấn đề tuy nhiên không thực sự triệt để. Cuối cùng Sony phải ra mắt phiên bản nâng cấp Xperia Z5 vào tháng 9/2015, chỉ 4 tháng sau khi ra mắt Xperia Z3+ (phiên bản Xperia Z4 là phiên bản tương đương Xperia Z3+, chỉ dành cho thị trường Nhật Bản).

LG Watch Urbane 2nd Editon

Watch Urbane thế hệ thứ 2 có thể là một chiếc smartwatch thành công nếu LG kiểm tra lỗi phần cứng kỹ càng hơn trước khi mang ra thị trường.

Nếu xét về thiết kế và tính năng, Watch Urbane 2nd Editon là một sự thành công của LG. Sản phẩm sở hữu thiết kế đẹp mắt với mặt tròn theo phong cách cổ điển, và là chiếc smartphone chạy Android Wear đầu tiên hỗ trợ mạng di động, giúp sản phẩm hoạt động độc lập mà không cần phụ thuộc vào smartphone.

Tuy nhiên, sản phẩm vẫn bị xếp vào danh mục “bom xịt” bởi lẽ chiếc smartwatch này được bán ra từ giữa tháng 11, tuy nhiên chỉ sau một tuần sản phẩm được bán ra, LG đã phải thu hồi chiếc đồng hồ thông minh của mình vì lỗi không được tiết lộ, tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích thì đây là một lỗi nghiêm trọng về phần cứng, bởi lẽ nếu là lỗi phần mềm thì LG có thể khắc phục dễ dàng bằng cách phát hành bản nâng cấp vá lỗi.

Hiện LG chưa cho biết thời điểm sản phẩm được bán trở lại thị trường, tuy nhiên rõ ràng một sản phẩm vừa được bán ra nhưng đã phải thu hồi chỉ sau một tuần sẽ khiến người dùng đặt ra câu hỏi về chất lượng và liệu lỗi sản phẩm đã được khắc phục triệt để khi được bán lại hay chưa.

Vỏ bảo vệ kiêm pin mở rộng dành cho iPhone của Apple (Smart Battery case)

Vỏ bảo vệ kiêm pin mở rộng dành cho iPhone 6 và 6S của Apple được xem là một thất bại về thiết kế

Từ lâu nhiều người dùng thường xuyên phản ánh pin trên iPhone không đủ để sử dụng quá lâu và để khắc phục điều này, hồi đầu tháng 12 vừa qua Apple đã ra mắt lớp vỏ kiêm pin mở rộng dành cho iPhone 6 và 6S. Đây là pin mở rộng dành cho iPhone đầu tiên do chính Apple phát triển.

Về chức năng, không có gì chê trách ở lớp vỏ kiêm pin mở rộng này, tuy nhiên điều khiến nhiều người chê trách nhất ở sản phẩm đó là có thiết kế... cực xấu, mà nhiều người không tin rằng đây là một sản phẩm chính thức của Apple, thường rất đề cao ở khâu thiết kế sản phẩm. Phụ kiện bao gồm một lớp vỏ silicon và một phần phồng lên ở sau lưng để chứa thỏi pin mở rộng, mà khi đeo vào sản phẩm sẽ khiến chiếc iPhone giống như... mang một khối u, mà nhiều người hài hước so sánh với nhân vật “thằng gù” trong tác phẩm “Nhà thờ Đức bà Paris” của nhà văn Victor Hugo.

Dĩ nhiên, Apple có lý do cho thiết kế của lớp vỏ này khi theo CEO Tim Cook của Apple, thiết kế này sẽ giúp người dùng dễ dàng tháo lắp smartphone vào lớp vỏ, tuy nhiên, lời giải thích của Tim Cook cũng không thể “cứu” được một sản phẩm có thiết kế thất bại của Apple.

Phụ kiện bàn phím vật lý dành cho Galaxy Note 5 và Galaxy S6 Edge+ của Samsung

Liệu người dùng có thực sự cần một phụ kiện để mang bàn phím vật lý lên chiếc smartphone màn hình cảm ứng của mình?

Nếu xem lớp vỏ kiêm pin mở rộng dành cho iPhone của Apple là một sự thất bại trong thiết kế thì cũng khó bỏ qua phụ kiện bàn phím vật lý do Samsung phát triển dành cho bộ đôi Galaxy Note 5 và Galaxy S6 Edge+ của hãng.

Phụ kiện này kết hợp với một lớp vỏ bọc bảo vệ ở mặt sau để biến Galaxy Note 5/S6 Edge+ thành một chiếc smartphone có bàn phím vật lý hoàn chỉnh. Đặc biệt, phụ kiện này không kết nối với thiết bị bằng Bluetooth (giúp tiết kiệm pin), mà sẽ sử dụng công nghệ điện dung đặc biệt của Samsung, mà sau khi gắn bàn phím vật lý, các phím trên phụ kiện sẽ liên kết với các phím ảo nằm trên màn hình. Khi kết nối bàn phím vật lý lên thiết bị, bàn phím này sẽ che mất một phần của màn hình, khi đó giao diện của Galaxy Note 5/S6 Edge+ sẽ tự động điều chỉnh về phần còn lại của màn hình. Bên dưới bàn phím phụ kiện là 3 nút điều hướng (Home, Menu, trở lại) tương tự như 3 phím ở mặt trước của sản phẩm, giúp người dùng có thể điều khiển smartphone ngay từ phụ kiện bàn phím này.

Mặc dù được đánh giá là một ý tưởng thông minh và độc đáo của Samsung khi mang bàn phím vật lý đến với bộ đôi smartphone cỡ lớn của mình, tuy nhiên phụ kiện này lại không đáp ứng được khâu thẩm mỹ, khi có thiết kế khá thô và không đẹp mắt, bên cạnh đó sản phẩm cũng nhận được nhiều đánh giá không mấy tích cực từ phía người dùng khi nhiều người cho biết các phím bấm không phản hồi tốt khiến họ thường xuyên bị gõ sai.

Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)