Nhức nhối vấn nạn mã độc trên điện thoại Trung Quốc

(Dân trí) - Sau sự việc Lenovo bị phát hiện cài mã độc vào laptop thu thập dữ liệu người dùng VN thì mới đây, Philips lại bị tố vì cài mã độc tự hiển thị quảng cáo ngay trên màn hình chính điện thoại... Những vụ việc này làm dấy lên lo ngại lớn về thiết bị Trung Quốc.

Còn bao nhiêu điện thoại Trung Quốc dính mã độc?

Sự vụ Lenovo chưa kịp lắng xuống thì trong ngày hôm qua (22/1), hãng bảo mật Dr.Web tiếp tục làm người tiêu dùng hoang mang khi cho biết mẫu smartphone Philips s307 có chứa loại mã độc mang tên gọi Android.Cooee.1, cho phép hiển thị nội dung quảng cáo trên màn hình chính của smartphone ngoài ý muốn.

Chiếc smartphone s307 đang được Philips phân phối tại Việt Nam với giá 1,2 triệu đồng
Chiếc smartphone s307 đang được Philips phân phối tại Việt Nam với giá 1,2 triệu đồng

Đặc biệt, loại mã độc này không thể bị gỡ bỏ theo cách thông thường mà phải nâng cấp firmware hoặc phải trải qua các bước phức tạp để có thể gỡ bỏ khỏi thiết bị. Điều này không khác mấy so với việc mà Lenovo đã cài đặt phần mềm LSE để thu thập dữ liệu người dùng.

Quay trở lại một thời gian ngắn gần đây, tháng 11/2015 Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (TTTT) đã phát hiệncông ty Vinamob câu kết với 3 công ty Trung Quốc ăn cắp tiền cước di động. Công ty này ký kết hợp đồng hợp tác với 3 công ty có trụ sở tại Trung Quốc để cung cấp dịch vụ nội dung thông qua việc cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin đến đầu số 8x61 trên các máy điện thoại của Trung Quốc.

Thủ đoạn cuả chúng hết sức tinh vi và khó có thể phát hiện được khi những chiếc điện thoại Trung Quốc này được thiết lập sẵn mã lệnh để tự động nhắn tin đến đầu số và trừ tiền ngay lập tức khi người dùng gắn SIM vào để sử dụng.

Đoàn thanh tra đã xác minh và phát hiện hầu hết khách hàng sử dụng dịch vụ của đầu số 8x61 đều ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, các khách hàng khi được hỏi đều cho biết không sử dụng dịch vụ của đầu số 8x61 nhưng vẫn bị trừ tiền trong tài khoản không rõ nguyên nhân.

Cũng trong tháng 11 này, hãng bảo mật Cheetah Mobile Security Lab (CM) đã phát hiện và cảnh báo nhiều mẫu máy tính bảng có xuất xứ từ Trung Quốc được cài đặt sẵn loại trojan có tên gọi “Cloudsota”, được đánh giá là một loại mã độc nguy hiểm và đáng báo động.

Mã độc này được nhúng sẵn vào trong firmware của máy, từ đó các tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị này từ xa mà người dùng không hề hay biết.

Với những sự việc trên, ngày càng dấy lên lo ngại về bảo mật khi người dùng đã và đang sở hữu các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Vẫn chưa thể biết bao nhiêu sản phẩm đang tồn tại trên thị trường Việt đã cài đặt sẵn các loại mã độc như thế này.

Thị trường di động Việt đang "Trung Quốc hoá"

Nhức nhối vấn nạn mã độc trên điện thoại Trung Quốc - 2

Thị trường di động Việt được đánh giá là đầy "màu mỡ" và rất tiềm năng. Khi trao đổi với hầu hết các thương hiệu gia nhập vào thị trường này đều cho biết: "Việt Nam với dân số trẻ có thu nhập trung bình đang gia tăng, nguồn tiền (khả dụng) tiêu dùng cá nhân càng ngày càng tăng lên. Nhu cầu chuyển tiếp từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh của thị trường này cũng đang tăng rất cao. Và đây là thị trường mà hầu hết các thương hiệu muốn nhắm đến."

Minh chứng rõ ràng nhất là trong năm 2015, rất nhiều thương hiệu đã tấn công thị trường này, trong số đó, hãng điện thoại chiếm đến 80%. Những hãng điện thoại Trung Quốc gia nhập thị trường Việt trong năm 2015 có thể kể đến như: Coolpad, Meizu, Philips, ZTE, Infinix, Vivo...

Điểm chung của các dòng sản phẩm smartphone Trung Quốc "đánh thẳng" vào thị trường này là giá rẻ cấu hình mạnh, kiểu dáng đẹp... đánh đúng thị hiếu của người tiêu dùng.

Khảo sát thực tế tại nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại TPHCM, có khá nhiều sản phẩm Trung Quốc hiện chiếm hơn 50% các thiết bị so với những dòng máy đến từ các thương hiệu lớn.

Đại diện từ một nhà bán lẻ lớn tại TPHCM cho biết: "Năm qua có thể chứng kiến sự lên ngôi của điện thoại Trung Quốc tại Việt Nam. Hầu hết được phủ ở phân khúc thấp và trung. Đây cũng là phân khúc chủ đạo trong năm 2015. Trong đó, hầu hết các điện thoại Trung Quốc đều đang tăng trưởng khá mạnh tại thị trường này. Dự báo năm 2016, sẽ còn "vang dội" hơn, có khi chiếm gần hết các phân khúc. Nhiều nhãn hàng Trung Quốc đang chuẩn bị để đẩy mạnh và làm rầm rộ hơn năm 2015."

Theo một thống kê không đầy đủ thì thời điểm hiện nay, chi phí sản xuất giảm nên nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này, riêng ở thị trường Trung Quốc có đến 150 công ty "bắt chước" theo Xiaomi, một thương hiệu thành công rực rỡ của Trung Quốc, gồm 2.000 nhà sản xuất khác nhau trên toàn cầu tham gia vào lĩnh vực điện thoại di động. 

Trước mắt nhiều người dùng vẫn chưa thể thấy nhiều hiểm nguy khi sử dụng smartphone Trung Quốc. Tuy nhiên, những phát hiện như đã kể trên đang dấy lên mối lo ngại đang tiềm tàng về lâu về dài đến từ smartphone Trung Quốc. Do đó, người dùng cần thận trọng hơn trong việc mua sắm và nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt tiền mua smartphone đến từ Trung Quốc.

Quốc Phan