Nhìn lại thành công và thất bại của Google trong năm 2012
(Dân trí) - Google đã trải qua một năm 2012 khá bận rộn và liên tục khiến giới công nghệ lẫn người tiêu dùng phải ngạc nhiên khi chứng kiến một Google hiện đại đang quan tâm đến nhiều thứ hơn việc chỉnh sửa các thuật toán tìm kiếm của mình.
Hãy cùng điểm lại những thành công và cả những thất bại mà gã khổng lồ tìm kiếm Internet có được trong năm 2012 sắp sửa đi qua:
Thành công:
1. Nexus 7
Tháng 6 vừa qua, Google đã trở thành một cái tên đáng gờm trên thị trường máy tính bảng khi hãng ra mắt mẫu tablet Nexus 7 cỡ 7 inch với mức giá chỉ khoảng 200 USD nhằm cạnh tranh trực tiếp với mẫu Kindle Fire đình đám của Amazon.
Nexus 7 đã nhanh chóng được đón nhận như một chiếc máy tính bảng Android tốt nhất hiện có và thậm chí còn gây ấn tượng với cả những người vốn rất yêu thích iPad. Được sản xuất đại trà bởi Asus nhưng Nexus 7 là một chiếc máy tính bảng riêng mang thương hiệu Google. Ưu điểm của Nexus 7 là cầm giữ khá thoải mái, sở hữu màn hình chất lượng cao, tuổi thọ pin ưu việt và có thể điều khiển bằng cử chỉ. Ai dám nói rằng một chiếc máy tính bảng Android "thực sự" sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh được trên một thị trường vốn đã bị thống trị bởi Apple và Amazon?
2. Google Glass
Để thực hiện một bước nhảy vọt lớn vào tương lai, Google đã sử dụng một diễn viên đóng thế nhảy dù xuống ngay tại sự kiện Google I/O để công bố phiên bản mẫu sớm của Google Glass, một cặp kính tương tác mà đến một ngày nào đó có thể thay thế chiếc điện thoại thông minh của bạn. Cuối cùng, Google đã hình dung ra được một sản phẩm có thể chụp ảnh, hỗ trợ chat video, chỉ đường, nhận và gửi các tin nhắn tức thì cũng như email... thông qua một màn hình hiển thị gắn trước mặt. Trong năm 2013, Google sẽ cho các nhà phát triển dùng trước chiếc kính tương tác Google Glass. Phiên bản Google Glass Explorer Edition dành cho các nhà phát triển sẽ được bán với giá 1500 USD.
3. "Thư kí" giọng nói Google Now
Được trình làng cùng với Android Jelly Bean hồi tháng 6 vừa qua, Google Now được đánh giá là câu trả lời rõ ràng nhất của Google trước "trợ lý" giọng nói Siri của Apple. Cũng giống như Siri, Google Now là một "thư ký" giọng nói sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu về thông tin và các nhu cầu khác. Tuy nhiên, Google Now đã thực sự tiến xa hơn một bước so với Siri vì đây là một loại dịch vụ thống nhất, chứa đựng tất cả những gì mà chiếc smartphone biết về người dùng và tất cả những gì mà người dùng trước đây muốn biết, rồi kết hợp lại để tự động tương tác với người dùng trong những hoàn cảnh cụ thể. Trên lý thuyết, Google Now có thể tự động cảnh báo cho bạn về các vấn đề giao thông khiến bạn đi muộn, chia sẻ những bàn thắng trong thể thao, cảnh báo thời gian của các chuyến bay và thông báo điều kiện thời tiết. Google Now dự kiến sẽ được phát hành cho máy tính để bàn như một phần của trình duyệt Chrome trong một vài tháng tới và chắc chắn nhiều người đang rất mong đợi điều đó.
4. Dịch vụ Internet Google Fiber tốc độ cực khủng 1Gbps
Trong tháng 7/2012, Google đã chính thức trình làng dịch vụ Internet băng thông rộng trên nền cáp quang Google Fiber tốc độ “khủng” lên tới 1 Gbps, nhanh gấp 100 lần so với tốc độ mạng Internet băng thông rộng mà hầu hết người Mỹ đang sử dụng ngày nay. Dự án Google Fiber được Google công bố vào tháng 2/2010 và bắt đầu triển khai việc xây dựng mạng lưới băng thông rộng trên nền cáp quang vào tháng 2 năm nay tại tiểu bang Kansas (Mỹ).Với dịch vụ này, Google đã đánh bại bất cứ nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng hay nhà điều hành mạng cáp nào tại địa phương, và thậm chí là trên toàn nước Mỹ. Hiện tại, chỉ có một vùng thuộc ban Missouri và Kansas của Kansas City là được sử dụng Google Fiber. Trong thời gian tới, Google sẽ lần lượt mở rộng mạng tốc độ cao của mình đến nhiều nơi hơn nhưng đòi hỏi mỗi khu vực phải có một số lượng người đăng kí trước nhất định. Google vẫn chưa công bố về những địa điểm tiếp theo mà hãng sẽ triển khai công nghệ này. Nhiều người dự đoán Châu Âu sẽ là đích đến tiếp theo của Google Fiber.
Thất bại:
1. Nexus Q
Được công bố cùng với máy tính bảng Nexus 7 tại sự kiện Google I/O diễn ra vào hồi tháng 6 vừa qua, trớ trêu thay, Nexus Q lại chính là một trong những sản phẩm mới đáng thất vọng nhất của Google. Nexus Q là thiết bị có thể kết nối với HDTV hay hệ thống âm thanh giải trí để phát trực nội dung video từ Youtube hay chạy các ứng dụng tử Google Play. Thiết bị có thể điều khiển từ xa thông qua smartphone hay máy tính bảng chạy Android. Tuy nhiên, Nexus Q lại được trang bị quá ít tính năng trong khi mức giá bán lại cao lên đến 300 USD không kèm loa. Ngoài ra, bạn không thể điều khiển thiết bị này với hệ điều hành iOS, Windows Phone hay bất kỳ phần mềm desktop nào, sự hỗ trợ Android của nó cũng bị giới hạn ở các phiên bản Ice Cream Sandwich và Jelly Bean. Thiết bị này cũng chỉ hỗ trợ Google Maps, Google Video và You Tube, do đó, bạn hãy quên đi việc sử dụng Nexus Q để truyền tải nội dung từ các ứng dụng bên thứ ba đi.
Google từng khoe rằng Nexus Q là sản phẩm phần cứng đầu tiên được sản xuất hoàn toàn tại Mỹ, từ khâu thiết kế, phát triển cho đến sản xuất đều không có sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài. Tuy nhiên, dù sao thì cuối cùng, sản phẩm này cũng đã nhanh chóng bị "khai tử" và không còn xuất hiện trên các cửa hàng Google Play nữa.
2. Google ngừng hỗ trợ ActiveSync
Trong tháng 12 này, Google đã ra tuyên bố người dùng dịch vụ Gmail của hãng sẽ mất khả năng sử dụng giao thức Microsoft Exchange ActiveSync để đồng bộ hóa Calendar, Gmail và danh bạ trên các thiết bị mới. Tuy nhiên, dịch vụ này sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, chính phủ và giáo dục của Google Apps. Google cho biết hãng thực hiện sự thay đổi này bởi họ có thể sử dụng các giao thức mở để đạt được những kết quả tương tự, nhưng quyết định trên của Google thực sự khiến Microsoft tức giận. Trên blog của mình, Microsoft bày tỏ rằng họ "rất ngạc nhiên" với quyết định của Google, đồng thời cho rằng Google đã "làm giảm sút trải nghiệm người dùng trên di động bằng việc sử dụng giao thức cũ hơn". Microsoft đề nghị người dùng "hãy tận dụng cơ hội" và chuyển sang dùng dịch vụ email/lịch/danh bạ Outlook.com của hãng.
3. Chromebook giá rẻ
Google và các đối tác sản xuất của hãng cuối cùng đã đẩy giá bán của Chromebook (máy tính xách tay chạy trên nền tảng Chrome OS) xuống dưới 200 USD trong năm 2012. Ba mẫu Chromebook giá rẻ đã được phát hành trong năm nay, bao gồm Acer C7 giá 200 USD, Samsung Series 5 550 giá 250 USD và một phiên bản giá 300 USD của C7. Tuy nhiên, ngay cả khi giá bán của loại sản phẩm này đã thấp hơn rất nhiều thì người dùng vẫn quan tâm hơn đến việc mua một chiếc máy tính bảng 7 inch giá 200 USD thay vì dùng số tiền đó để mua một chiếc máy tính xách tay với cấu hình khập khiễng khi so sánh. Nhiều khả năng các mối quan hệ đối tác phần cứng liên quan đến Chromebook sẽ biến mất trong năm 2013 tới.
4. Google Wallet
Mọi người luôn luôn cảnh giác với những công nghệ mới, đặc biệt là những nơi mà tiền của họ có liên quan. Tuy nhiên, Google đã không giải tỏa được nỗi lo ngại thường trực đó với Google Wallet, nền tảng thanh toán di động dựa trên công nghệ giao tiếp trường gần NFC của hãng khi xuất hiện một số mối lo ngại về an ninh. Đầu tháng 2/2012, hãng bảo mật Zvelo đã phát hiện ra một lỗ hổng có thể làm lộ mã PIN của người dùng Wallet trên những chiếc điện thoại Android đã bị "root". Ngay sau đó, blog Smartphone Champ đã tiếp tục thông báo về một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng hơn cho phép kẻ ăn trộm điện thoại cài đặt lại mã PIN Google Wallet, chiếm đoạt tiền trên một chiếc thẻ trả trước, thậm chí ngay cả khi chiếc điện thoại đó chưa bị "root". Lỗ hổng này đã buộc Google phải ngừng ngay chức năng trả trước của thẻ tín dụng. Google cũng gặp khó khăn hơn khi thuyết phục các nhà mạng không dây hỗ trợ Wallet trên những mẫu smartphone đối tác của họ.
5. Công cụ tìm kiếm Search Plus Your World
Vào tháng 1, Google đã công bố một tính năng mới trong công cụ tìm kiếm của mình: Search Plus Your World. Tính năng này được đánh giá là một bước ngoặt lớn đối với Google cũng như cộng đồng Internet. Search Plus Your World là việc bổ sung các kết quả từ những mối quan hệ cá nhân của người sử dụng vào trang kết quả tìm kiếm trên Google mà cụ thể ở đây là các nội dung chia sẻ từ Google +. Tuy nhiên, ngay khi vừa ra đời, Google đã phải hứng chịu sự chỉ trích rất lớn từ các đối thủ, trong đó có Twitter. Thậm chí Ủy ban thương mại liên bang Mỹ lập tức bổ sung SPYW vào danh sách những sản phẩm của Google thuộc diện bị điều tra chống độc quyền.
6. Jelly Bean
Trong tháng 11, Google đã rất hào hứng khi trình làng Android 4.2, một phiên bản cập nhật của Jelly Bean. Tuy nhiên, phiên bản này lại mắc một lỗi ngớ ngẩn đến mức khó tin, đó là thiếu mất tháng 12 trên ứng dụng lịch của mình. Phía Google đã lên tiếng thừa nhận lỗi này và có vẻ như phiên bản nâng cấp của Android 4.2 (phiên bản 4.2.1) sẽ được Google tung ra sớm hơn so với dự kiến, chí ít để vá lại lỗi ngớ ngẩn kể trên.
7. Android bị phân mảnh
Google đã quá bận rộn với việc phát hành các phiên bản mới của hệ điều hành Android đến mức hãng này không dành đủ thời gian cho các đối tác phần cứng nâng cấp các thiết bị lên phiên bản mới nhất. Trong tháng 12, chưa đến 50% người dùng vẫn đang chạy Android 2.3 (tên mã Gingerbread). Gingerbread đã trình làng được 2 năm và kể từ đó nó đã bị lu mờ bởi hai phiên bản hệ điều hành Android mới hơn. Đưa các bản cập nhật vào các mẫu điện thoại sử dụng nền tảng Android luôn là một vấn đề đối với Google và cả các nhà sản xuất phần cứng. Vấn đề "phân mảnh" của Android đã được nhắc đến nhiều trong năm 2011 và chúng tôi không thấy có dấu hiệu giảm bớt trong năm 2012.
Võ Hiền
Theo PCWorld