Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á

Gia An

(Dân trí) - Từ Thung lũng Silicon (Mỹ), Google đã trải qua 20 năm phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần làm thay đổi cuộc sống nơi đây thông qua các công cụ công nghệ.

Cách đây 20 năm, Google đã mở văn phòng đầu tiên tại nước ngoài, và địa điểm được chọn là Tokyo (Nhật Bản). Lúc đó, văn phòng còn nhiều hạn chế, nhưng những người sáng lập của Google đã nhận thấy rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trung tâm trong tương lai, trong việc kết nối thông tin toàn cầu.

Trải qua hai thập kỷ, cam kết của Google tại khu vực này ngày càng trở nên sâu rộng. Dưới đây là 10 khoảnh khắc được Google lựa chọn để đánh dấu chặng đường hoạt động đã qua của mình tại châu Á - Thái Bình Dương.

Từ Thung lũng Silicon đến Shibuya

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 1

Larry Page và Sergey Brin, hai nhà đồng sáng lập Google, tại văn phòng nước ngoài đầu tiên của công ty đặt tại Shibuya, Tokyo (Nhật Bản).

Nằm trên khu phố Shibuya của Tokyo (Nhật Bản), văn phòng đầu tiên của Google ở nước ngoài khiêm tốn cả về quy mô cũng như tiện nghi. Tuy nhiên, từ nơi này, các nhân viên đã từng bước mang văn hóa emoji (biểu tượng cảm xúc) ra toàn cầu.

Văn phòng tại Tokyo cũng đặt nền móng cho đội ngũ Google Nhật Bản ngày nay. Từ đó, Google đã mở rộng ra các nước trong khu vực và hiện nay lấy Singapore làm trụ sở ở châu Á - Thái Bình Dương.

Google Day, Google Maps

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 2

Thu thập dữ liệu cho tính năng Street View tại vườn quốc gia Uluṟu-Kata Tjuṯa (Australia).

Năm 2004, hai nhân viên người Australia và hai người từ Đan Mạch đã cùng nhau tới Sydney (Australia) để phát triển một loại công nghệ giúp thiết lập bản đồ trên Internet. Tháng 2/2005, Google Maps ra đời và nó đã phát triển đến ngày nay. 

Khi ứng dụng Maps dần trở nên phức tạp hơn, các nhân viên Google ở châu Á - Thái Bình Dương đã phá vỡ giới hạn, trong đó phải kể đến những dữ liệu khám phá hồ Khovsgol ở Mông Cổ, đền Angkor Wat tại Campuchia, hay dãy đá Uluru ở Australia.

MapMaker và tầm ảnh hưởng của châu Á tới các sản phẩm của Google

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 3

Google Pay giúp người dân và nhà bán hàng tại Ấn Độ có thể thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm 2008, hai kỹ sư Google tại Ấn Độ nhận thấy rằng không có đủ dữ liệu bản đồ của quốc gia này trên Google Maps. Vì vậy, họ đã xây dựng công cụ có tên MapMaker, cho phép mọi người cùng nhau bổ sung dữ liệu vào bản đồ.

Công cụ trên đã mang lại nhiều lợi ích trên toàn cầu, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, bão lũ ở Philippines. Google nhận ra rằng, khi mang đến những tiện ích cho người dùng tại châu Á thì người dùng toàn cầu cũng được hưởng các dịch vụ tốt hơn.

Google Pay ngày nay có tiền thân là Tez ở Ấn Độ, hay chế độ điều hướng cho xe máy cũng ra đời tại đây, sau đó mở rộng ra toàn cầu. Chế độ xem ngoại tuyến trên YouTube và Google Maps ban đầu hướng đến người dùng châu Á nhằm giúp họ tiết kiệm data, nhưng giờ đây tất cả đều được hưởng lợi.

Xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số của châu Á

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 4

Khung cảnh trung tâm dữ liệu của Google tại Singapore khi mở cửa năm 2013.

Google mở trung tâm dữ liệu đầu tiên của mình tại châu Á vào năm 2011. Nhờ các trung tâm này đặt ở Singapore và Đài Loan mà tốc độ truy cập được cải thiện hơn, đáng tin cậy hơn.

Từ đó, Google đã liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số, bổ sung thêm nhiều trung tâm dữ liệu và hỗ trợ xây dựng các tuyến cáp. Một nghiên cứu cho thấy, từ năm 2010 đến 2019, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Google đã đóng góp 430 tỷ USD vào GDP tổng thể và giúp tạo ra 1,1 triệu việc làm trong khu vực.

Gangnam Style: Sự trỗi dậy của YouTube ở châu Á

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 5

Mùa hè năm 2014, video "Gangnam Style" của Psy đã cán mốc hai tỷ lượt xem trên YouTube sau khi được đăng tải từ năm 2012. Thành công đáng kinh ngạc đó cho thấy, những nghệ sĩ Hàn Quốc là một trong những người đầu tiên thành công sử dụng YouTube nhằm tiếp cận khán giả trên thế giới.

Không riêng các ngôi sao "K-Pop", rất nhiều nhà sáng tạo trên khắp châu Á đang sử dụng YouTube để chia sẻ tiếng nói của họ, mang lại kiến thức cho mọi người và sử dụng nó như một công cụ để kiếm sống.

"Flappy Bird" và các doanh nhân trong thời đại mobile

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 6

Sundar Pichai gặp gỡ Nguyễn Hà Đông, "cha đẻ" của game Flappy Bird, tại Hà Nội năm 2015.

Điểm bùng nổ khác trong năm 2014 là trò chơi di động Flappy Bird được tạo ra bởi lập trình viên Nguyễn Hà Đông, sau đó tạo nên cú hit trên toàn cầu, thông qua kho ứng dụng di động Google Play.

Ngày nay, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực có tăng trưởng di động cao hàng đầu, là thị trường ứng dụng sôi nổi và chiếm hơn một nửa doanh thu từ game trực tuyến.

Kỹ năng kỹ thuật số và cách tiếp cận mới

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 7

Sáng kiến Internet Saathi giúp phụ nữ ở vùng nông thôn Ấn Độ sử dụng Internet.

Ở nhiều nơi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Internet và việc sử dụng các công cụ trên đó, bao gồm cả web, vẫn còn xa lạ với nhiều người. Google nhận ra điều đó và đã xây dựng các chương trình đào tạo gắn với cộng đồng. Một ví dụ là sáng kiến Internet Saathi, nơi những nữ giảng viên sẽ chia sẻ kiến thức của họ với những người phụ nữ khác.

Từ năm 2015 đến 2020, Google đã cung cấp đào tạo kỹ năng cho 50 triệu người trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Tại mỗi nơi, Google sẽ điều chỉnh chương trình học nhằm phù hợp với nhu cầu của địa phương.

AlphaGo và lời hứa về AI

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 8

Kiện tướng Ke Jie bị loại trong cuộc cạnh tranh với AlphaGo vào năm 2017.

Chương trình máy tính AlphaGo của công ty DeepMind xuất hiện trên tạp chí Nature vào tháng 1/2016, sau khi đánh bại một bậc thầy trong môn cờ vây, dựa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Liên tiếp sau đó, AlphaGo đã thắng những nhà kiện tướng, những người từng giữ chức vô địch thế giới trong bộ môn này

AlphaGo đến nay đã "nghỉ hưu" nhưng vai trò của AI trong cuộc sống xã hội ngày càng hiện hữu. Google đang làm việc với các đối tác trên khắp châu Á - Thái Bình Dương để tìm cách ứng dụng AI nhằm giải quyết các thách thức như dự báo lũ lụt hay chẩn đoán bệnh tật.

Đầu tư vào tương lai kỹ thuật số

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 9

Tháng 9/2017, nhóm các kỹ sư tài năng của HTC đã gia nhập Google, củng cố mối quan hệ đối tác kéo dài một thập kỷ với công ty Đài Loan. Nó cũng đánh dấu bước tiến lớn trong kế hoạch tạo ra những sản phẩm kết hợp phần cứng và phần mềm tốt nhất của Google.

Ngày nay, dòng điện thoại Pixel và những thiết bị Nest đã trở nên phổ biến trong khu vực. Google tiếp tục đầu tư vào các công ty châu Á khác để cải thiện cuộc sống cho hàng trăm triệu người, từ Gojek của Indonesia đến Reliance Jio của Ấn Độ.

Vì một châu Á đa ngôn ngữ

Nhìn lại Google sau 20 năm hiện diện tại châu Á - 10

Tính đến năm 2020, Google Dịch đã hỗ trợ hơn 30 ngôn ngữ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Trong một khu vực đa dạng về ngôn ngữ như vậy, Google Dịch với sự kết hợp của AI đã mang lại nhiều hiệu quả.

Trong tương lai, Google hướng đến việc giúp Internet dễ dàng tiếp cận với nhiều người hơn, đem lại các công nghệ trực quan, chẳng hạn như giúp người dùng giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên với thiết bị của họ.