Nhật Bản: Học đại học bằng... mobile phone
(Dân trí) - Luôn đi trước phần còn lại của thế giới, người Nhật đã và đang dùng điện thoại di động thay thế thẻ ATM, đọc tiểu thuyết, gửi nhận email, tìm đường tự động, quay phim và nhắn tin SMS có kèm phim ảnh… Và lần này đến lượt dịch vụ dạy học qua … điện thoại di động.
Trong các bài học trên PC, người học download bài giảng về máy tính. Bài học được cung cấp dưới dạng hình và chữ, và một màn hình video nhỏ ở góc trên sẽ phát hình giáo viên đang giảng bài. Bài học trên mobile phone đơn giản hơn nhiều - chỉ là các đoạn bài giảng bằng Power Point cho phù hợp với màn hình “nhỏ xíu” của điện thoại di động.
Trong buổi ra mắt dịch vụ đào tạo từ xa qua mobile phone tại Tokyo vào hôm thứ Tư, khán giả được xem một đoạn phim chiếu hình Kim Tự Tháp xuất hiện trên màn hình di động, nối tiếp bằng một đoạn văn giới thiệu lịch sử các Kim Tự Tháp, đi kèm với lời thuyết minh của giảng viên.
Cyber University mới được mở vào tháng Tám vừa qua với sự cho phép của Chính Phủ Nhật, và hiện có 1.850 sinh viên. Phần lớn cổ phần của trường được sở hữu bởi Softbank, một trong những nhà cung cấp dịch vụ di động, viễn thông, Internet lớn nhất Nhật Bản.
Chương trình đào tạo từ xa qua mobile phone hiện chỉ giới hạn ở khoá học về các Kim Tự Tháp. Hệ thống bài học dành cho PC của trường có khoảng 100 khoá về mọi lĩnh vực - từ văn hoá Trung Quốc cổ đại, báo chí trực tuyến đến văn học Anh. Các bài học dành cho ĐTDĐ hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên chỉ có thể xem được trên một số dòng mobile của Softbank, và người học phải trả phí cuộc gọi.
Sakuji Yoshimura, hiệu trưởng Cyber University và cũng là giảng viên phụ trách khoá học trên mobile phone này cho rằng trường của ông đem cơ hội học tập đến cho những người đã đi làm, không có điều kiện đi học đầy đủ ở các ĐH thông thường, hoặc người bị bệnh, bị khuyết tật không thể di chuyển: “Nghĩa vụ làm giáo dục của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu của tất cả những ai có chí học tập”.
Ông cũng gạt bỏ mối nghi ngại về chất lượng của các bài giảng của Net khi cho biết tỉ lệ người đăng kí “đến lớp” đạt tới 86%. Mặt khác, giảng viên cũng có phưong tiện riêng nhằm đảm bảo sinh viên của mình theo dõi bài giảng từ đầu đến cuối. Nhược điểm duy nhất của loại hình giảng dạy này so với các phương pháp truyền thống là sự thiếu tiếp xúc, tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên tại lớp.
Hoàng Hải
Theo AP