Nhật Bản: Bị bắt vì bán iPhone đã jailbreak cho khách hàng

(Dân trí) - Một người đàn ông sống tại thành phố Toyama (Nhật Bản) đã bị bắt giữ vì bán những chiếc iPhone đã được bẻ khóa (jailbreak) cho khách hàng, cho phép họ cài đặt những ứng dụng “lậu” lên thiết bị. Đây là lần đầu tiên có một trường hợp bị bắt giữ tại Nhật Bản vì bẻ khóa iPhone.

Daisuke Ikeda, 24 tuổi, sống tại thành phố Toyama (tỉnh Toyama, Nhật Bản) đã bị bắt giữ vì bán 5 chiếc iphone đã bị bẻ khóa cho khách hàng trong khoảng thời gian từ ngày 26/3 đến 23/5, thu về số tiền 120.000 Yên (tương đương 1.186USD).

Ngoài ra, những chiếc iPhone mà Ikeda bán ra không chỉ đã được bẻ khóa mà còn được cài đặt sẵn game Monster Strike, một game rất phổ biến tại Nhật Bản, cũng đã được bẻ khóa cho phép người dùng chơi có thể truy cập nhiều nhân vật trong game để có thể vượt qua trò chơi dễ dàng hơn mà không bị mất phí.

Việc bẻ khóa iPhone rất phổ biến trên toàn cầu và hầu như không chịu áp lực của vấn đề pháp lý
Việc bẻ khóa iPhone rất phổ biến trên toàn cầu và hầu như không chịu áp lực của vấn đề pháp lý

Theo cảnh sát Nhật Bản, nguyên do Ikeda bị bắt vì đã vi phạm luật thương hiệu và đây là lần đầu tiên có người bị bắt giữ vì kinh doanh iPhone đã jailbreak tại Nhật Bản.

Những chiếc iPhone đã bẻ khóa nghĩa là người dùng có thể can thiệp sâu hơn vào hệ thống, cho phép tải và cài đặt những ứng dụng “lậu”, những ứng dụng không có bản quyền từ kho ứng dụng bên ngoài mà thiết bị bình thường (chưa bẻ khóa) không được phép tải và cài đặt.

Trên thực tế việc bẻ khóa iPhone là hành động rất phổ biến trên toàn cầu và đã từng được thực hiện từ khi phiên bản iPhone đầu tiên ra mắt vào tháng 7/2007 và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Về phần mình, bản thân Apple không cho phép và không muốn người dùng bẻ khóa iPhone do vậy thường xuyên phát hành những bản nâng cấp nền tảng iOS để vá lại các lỗ hổng có thể được khai thác để bẻ khóa thiết bị.

Các chuyên gia bảo mật cũng khuyên người dùng nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định bẻ khóa thiết bị của mình vì thể tăng nguy cơ bị lây nhiễm mã độc từ những ứng dụng bên ngoài, không qua quá trình kiểm duyệt của Apple.

Tình trạng pháp lý của bẻ khóa trên iPhone cũng không rõ ràng ở hầu hết các nước và cộng đồng bẻ khóa iPhone cũng không bị đe dọa về vấn đề pháp lý. Trong các năm 2010, 2012 và 2015, Văn phòng Bản quyền của Mỹ đã chấp thuận miễn trừ và cho phép người dùng có thể bẻ khóa thiết bị thông minh của mình. Do vậy có thể nói trường hợp của Daisuke Ikeda kể trên là một trường hợp hy hữu và có thể là lần đầu tiên xảy ra trên toàn cầu.

T.Thủy
Theo Japan Times