Nhà mạng và OTT: bên công bên thủ

Nhà mạng đang “điên đầu” vì các ứng dụng OTT (Over the top – ứng dụng nội dung số, không sở hữu hạ tầng mạng) đã làm giảm sút doanh thu của họ. Có nhà mạng nói rằng, mỗi năm họ mất cả ngàn tỉ đồng vì… OTT, trong đó ảnh hưởng trực tiếp là nhóm OTT có chức năng thoại và nhắn tin.

Nhà mạng và OTT: bên công bên thủ

Tại toạ đàm về chủ đề OTT vừa được tổ chức tại TP.HCM chiều ngày 20.11, cục phó cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã khẳng định: “Không thể ngăn chặn các ứng dụng OTT, vì đây là xu thế công nghệ trên toàn thế giới. Nhà nước sẽ có chính sách để quản lý cũng như tạo điều kiện cho OTT hoạt động và cạnh tranh bình đẳng. Về phía các nhà mạng, theo tôi, phải tìm cách hợp tác với các nhà OTT để ba bên cùng có lợi”. Ba bên ở đây là nhà mạng, nhà phát triển OTT và người tiêu dùng. Nhưng theo quan sát diễn tiến hợp tác, lộ trình trên còn xa.

Khách hàng trong tình trạng... chập chờn

Từ giữa năm trở lại đây, những ứng dụng OTT có liên quan đến thoại, nhắn tin và mạng xã hội tại Việt Nam như: Facebook, YouTube, Viber… luôn trong tình trạng chập chờn! Nhưng tệ nhất là những ứng dụng Viber, Whatsapp, Kakao Talk, Zalo, Line… vì đây là những ứng dụng OTT có chức năng nhắn tin và thoại. Nhiều khách hàng ban đầu hồ hởi sử dụng, nay chuyển sang “ngơ ngác” không biết có chuyện gì xảy ra.

Nhiều khách hàng than phiền, tin nhắn trên Viber, nếu may mắn “chạy cả buổi mới tới người nhận”, không ít trường hợp tin nhắn “không thèm chạy”. Khi mới xuất hiện trên mạng, chất lượng cuộc gọi của Viber khá rõ ràng, không thua kém chất lượng cuộc gọi của các nhà mạng. Nhưng nay, khi Việt Nam có khoảng 3,6 triệu người dùng Viber, chức năng gọi dường như không sử dụng được vào ban ngày, chỉ có thể gọi từ nửa đêm cho đến sáng! Những khách hàng hiện sử dụng những ứng dụng OTT như Kakao Touch và Line xác nhận những lỗi giống như Viber.

Zalo, ứng dụng OTT đầu tiên do doanh nghiệp Việt Nam viết, cũng đang gặp những trục trặc về mặt hiệu quả. Qua thực tế trải nghiệm ứng dụng này, nếu dùng chức năng nhắn tin vẫn còn chấp nhận được nhưng chức năng gọi luôn trong trạng thái chập chờn: người gọi vẫn nghe đổ chuông nhưng phía người nhận không hề thấy có tín hiệu gọi đến, hoặc gọi được nhưng “tiếng được tiếng mất”… Hiện Zalo đã có gần 8 triệu người dùng trong và ngoài nước.

Nhà mạng sẵn sàng hợp tác

TS Trần Tuấn Anh, trưởng phòng cơ chế chính sách và quy hoạch (cục Viễn thông, bộ Thông tin và truyền thông) cho biết, nhiều quốc gia đã có nhiều hình thức kiểm soát các ứng dụng OTT, như Pháp đã cấm Skype, Hàn Quốc cho phép ba nhà mạng chặn truy cập dịch vụ VoIP trên di động, các quốc gia khối Ảrập đã cấm Viber, Tây Ban Nha và Thuỵ Điển áp đặt thu phụ phí cho các dịch vụ VoIP…

Từ khi có mâu thuẫn giữa nhà mạng và các nhà OTT, quan điểm của bộ là không cấm cũng như không có chủ trương cho các nhà mạng ngăn chặn các ứng dụng OTT. Nhưng gần đây, dư luận đang râm ran chuyện các nhà mạng đang “bóp” băng thông các ứng dụng OTT. Có doanh nghiệp cho rằng sẽ chứng minh được điều này bằng những thiết bị đo chuyên nghiệp.

Có hay không chuyện nêu trên đã được phóng viên chuyển đến các nhà mạng trong buổi toạ đàm. Ông Nguyễn Việt Dũng, trưởng phòng kinh doanh của Viettel, khẳng định: “không hề ngăn chặn các ứng dụng OTT dù những ứng dụng đó đã làm doanh thu của chúng tôi giảm sút”. Ông Nguyễn Đình Chiến, phó tổng giám đốc Mobifone, tuyên bố: “Mobifone không đụng chạm gì đến các ứng dụng OTT”. Theo ông Chiến, việc các ứng dụng OTT không hoạt động hết các chức năng là do hai yếu tố, hoặc là ứng dụng đó bị lỗi (nhà phát triển OTT và thiết bị đầu cuối) hoặc là khu vực kết nối mạng bị quá tải theo từng thời điểm trong ngày. Ông Nguyễn Sơn Hải, phó phòng kinh doanh của Vinaphone, chia sẻ: “Chúng tôi không chủ trương ngăn chặn các ứng dụng OTT dù những ứng dụng này cạnh tranh trực tiếp đến hoạt động của các nhà mạng”. Đó là những phát ngôn chính thức của các nhà mạng về OTT, còn thực tế họ có làm điều gì hay không, phải nhờ đến những chuyên gia xem xét trực tiếp trên hệ thống của các nhà mạng, dù biết rằng đây là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Các nhà mạng đều cho rằng, giải pháp hiện nay với OTT là “chung sống hoà bình trên tinh thần hợp tác để hai bên cùng có lợi, cùng phục vụ người tiêu dùng”. Cả ba nhà mạng đều nói với Sài Gòn Tiếp Thị là sẽ tìm ra những hình thức hợp tác, như cung cấp những gói cước OTT để đáp ứng nhu cầu sử dụng của từng nhóm khách hàng từ thoại, nhắn tin, chuyển file; cho đến xem các dịch vụ về truyền hình, phim ảnh… Hiện các nhà mạng cũng đã có những gói cước liên kết với các ứng dụng, dù tính chất OTT chưa rõ như gói cước pushmail giữa các nhà mạng với BlackBerry, gói cước truy cập internet với Opera…

Các nhà OTT… im lặng!

Ông Vương Quang Khải, phó tổng giám đốc VNG, nhà phát triển ứng dụng Zalo cho rằng, các ứng dụng OTT mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, không chỉ là những chức năng cần thiết mà còn có cả yếu tố miễn phí. Với các nhà OTT, khách hàng càng đông, ứng dụng đó sẽ thu hút nhiều quảng cáo và các hình thức kinh doanh khác. Về lý thuyết, những nguồn thu này sẽ đem lại sức sống cho các nhà phát triển OTT. Đến nay, các nhà OTT không muốn thu phí người dùng bất kỳ hình thức nào, vì người dùng đã phải trả chi phí data 3G. Vì vậy, khi các nhà mạng đề xuất những gói cước phối hợp với các ứng dụng OTT có liên quan đến thoại và nhắn tin đã không được các nhà OTT hưởng ứng. Bằng chứng là đến nay chưa xuất hiện một gói cước nào như vậy. Ông Khải nói với Sài Gòn Tiếp Thị: “Hiện VNG không trực tiếp phối hợp với các nhà mạng trong việc phát triển Zalo”. Doanh nghiệp trong nước còn nói vậy, liệu có hợp tác được với các nhà phát triển OTT ở nước ngoài như Viber, Whatsapp…?

Khi chưa hợp tác được với nhau, người dùng sẽ còn bị chập chờn. Nhà mạng mở mắt mà canh OTT. Còn các nhà OTT phải rón rén nín thở với các sản phẩm của mình, lo sợ chúng sẽ không có đường mà đi…

Theo Gia Vinh

SGTT