Nhà mạng bước vào cuộc đua OTT: “Miếng bánh” khó nhằn?

(Dân trí) - Dù lợi thế sở hữu số người dùng “khủng” nhưng bước vào cuộc đua trên thị trường dịch vụ nhắn tin miễn phí OTT, các nhà mạng vẫn phải đối mặt với những khó khăn lớn, và rõ ràng đây là “miếng bánh” khó nhằn.

Nhà mạng không “tham chiến” thì chỉ có thể… mất khách hàng

OTT là xu hướng dịch vụ nhắn tin miễn phí và sau khi chứng kiến những cuộc đối đầu khốc liệt, thị trường dường như đã có sự phân định rõ ràng về thứ hạng. Trong đó, dịch vụ OTT nội Zalo đang tạm dẫn đầu thị trường OTT Việt Nam với 20 triệu người dùng, tiếp theo Viber (12 triệu) và Line (4 triệu). 

Tuy nhiên, theo thống kê của GfK tại Việt Nam, Facebook Chat/Messenger mới là dịch vụ được nhiều người sử dụng nhất, với 83% người được hỏi dùng OTT này, 64% dùng Zalo, 45% dùng Viber, 23% dùng Yahoo! Messenger, 20% dùng Skype, 10% dùng Line. 41% những người dùng dịch vụ OTT sử dụng dịch vụ này thường xuyên hơn so với dịch vụ gọi/nhắn tin truyền thống.

Với những con số này, thị trường đã không còn chứng kiến các cuộc chạy đua để tranh giành khách hàng nữa mà các nhà cung cấp đã bắt đầu lựa chọn hướng đi riêng nhằm tìm kiếm doanh thu sau những năm tháng “rót” hàng núi tiền vào các hoạt động truyền thông. Tuy nhiên, cục diện thị trường được cho là sẽ thay đổi sau khi 2 nhà mạng VinaPhone và Viettel chính thức ra mắt dịch vụ OTT của riêng mình lần lượt là VietTalk và Mocha. Trong khi đó, từ giữa năm ngoái cũng đã có thông tin MobiFone đang phát triển ứng dụng OTT của riêng mình.

Viettel chính thức gia nhập thị trường OTT.

Viettel hy vọng bước vào thị trường OTT để doanh thu “chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”.

Lợi thế đang sở hữu số lượng người dùng khổng lồ trên chính thị trường của mình, các nhà mạng Viettel đang có trong tay tới gần 56 triệu khách hàng, trong khi đó VinaPhone có 26 triệu người dùng. Do đó, Mocha và VietTalk của các nhà mạng dễ dàng tiếp cận tới hàng triệu người dùng, vốn là những con số mơ nước của các dịch vụ OTT khác.

Nói về việc OTT không còn là xu hướng mới, và nhà mạng bước vào cuộc đua này khá chậm trễ, ông Võ Thanh Hải, GĐ Trung tâm Media - Viettel Telecom cho rằng vì tư duy OTT như là 1 mạng di động toàn cầu, nên phải có kết nối với các mạng di động khác của các nước, tạo nên 1 mạng thực kết hợp với ảo, đây là 1 thị trường rộng lớn và có thế áp dụng các mô hình kinh doanh di động vào OTT để tạo ra lợi nhuận trong tương lai.

“Vũ khí của chúng tôi chính là các lợi thế cốt lõi của nhà mạng mà các OTT trên thị trường không có, như biết rõ mạng lưới để làm sản phẩm có chất lượng vượt trội, là sự liên thông giữa người dùng OTT với khách hàng di động, sự kết hợp giữa dịch vụ trên nền OTT và các dịch vụ truyền thống,… và là người đi sau nên phải ép mình sáng tạo hơn, tôi cho đó cũng là lợi thế”.

Đại diện Viettel cũng cho rằng hiện tại ở Việt Nam, trên 85% người dùng 3G đều dùng OTT, và dùng thường xuyên vì tính ưu việt của nó, nhất là khi so sánh với tin nhắn SMS. Có thể nói OTT là 1 tồn tại khách quan và là dịch vụ thay thế ở một mức độ nào đó. OTT không những chạy trên nền 3G mà còn là mạng cố định khi Wi-Fi dần được phủ sóng rộng rãi ở gia đình và nơi công cộng trên quy mô toàn cầu. Doanh thu nhà mạng không những bị giảm mà còn đối mặt với nguy cơ mất cơ sở khách hàng, là tài sản quý nhất của nhà mạng.

Do vậy nhà mạng nên “tham chiến” để giữ khách hàng và tạo ra giá trị mới cho họ, nếu làm tốt thì doanh thu sẽ “chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”.

Trong khi ngay từ ban đầu VinaPhone đưa dịch vụ OTT ra thị trường với các gói miễn phí và tính phí với cách thức hoạt động như một mạng xã hội, tương tự như Zalo và có cả tính năng gọi điện với cước phí rẻ hơn 40% so với dịch vụ truyền thống thì Viettel phát triển Mocha theo hướng dịch vụ nhắn tin miễn phí có khả năng chia sẻ các hoạt động mà người dùng đang thực hiện, như nghe nhạc, học tập.

Viettel tỏ ra lạc quan với tính năng cùng nghe nhạc và voice sticker trên Mocha. “Hiện tại người dùng đang có phản hồi rất tốt về tính năng Cùng nghe nhạc và voice sticker mà chỉ Mocha mới có, vài tuần tới những người dùng hiện tại sẽ được mời cập nhật phiên bản mới với những tính năng và cải tiến lớn để phục vụ người dùng, và chắc chắn nó sẽ khác, “sản phẩm phải luôn ở trạng thái beta”, đó là triết lý mới của Viettel”.

Bài toán doanh thu: Có “khó nhằn”?

Tuy vậy, nói về doanh thu, vẫn là bài toán khó nhằn đối với nhà mạng cũng như các OTT khác. Còn nhớ, Zalo, Line và KakaoTalk là những OTT “bạo chi” nhất trong các hoạt động truyền thông. Tại thời điểm 2 năm về trước, không khó để thấy các banner, băng rôn quảng cáo của 3 “đại gia” này tại các nơi công cộng, như sân bay, xe buýt… và cả 3 nhà OTT này cũng đã chi “núi tiền” cho các TVC trên truyền hình vào giờ vàng.

Facebook Messenger là OTT được nhiều người dùng nhất Việt Nam.
Facebook Messenger là OTT được nhiều người dùng nhất Việt Nam.

Dẫu vậy, khi số lượng người dùng đã có, việc tìm kiếm doanh thu của các OTT hoàn toàn không dễ dàng. Line, Kakao Talk gần như đã biến mất trên thị trường, không còn bất kỳ hoạt động truyền thông nào liên quan đến các dịch vụ OTT của mình cũng hiếm gặp các chiến dịch kinh doanh từ dịch vụ này. Trong khi đó, Zalo, là ứng dụng nội đã thành công trong việc “hạ bệ” các ứng dụng ngoại, nhưng việc kinh doanh từ nền tảng này vẫn là một ẩn số.

Đối với nhà mạng, Viettel cho biết cho biết hiện tại nhà mạng này chưa tính đến việc tìm kiếm nguồn thu từ dịch vụ và sẽ tính tới khi đạt mốc từ 10-20 triệu người dùng. Tuy nhiên, dịch vụ OTT là mảnh đất tiềm năng và Viettel đã định hướng trên 10 mô hình kinh doanh để lấy doanh thu từ Mocha, và Mocha không có ý định tìm nguồn doanh thu từ quảng cáo.

Theo tiết lộ của Viettel, có thể nhà mạng quân đội sẽ đưa ra các gói cước cho Mocha với cước phí 10.000-20.000 đồng/tháng. Những ai đăng ký gói cước này có thể sử dụng Mocha thoải mái mà không cần đến gói cước data thông thường.

Dù vậy, việc lựa chọn các gói cước với việc sử dụng miễn phí các ứng dụng OTT khác là một điều không dễ dàng gì khi mà Internet, Wi-Fi đã phủ sóng khắp mọi nơi, không khó để kết nối.

Có vẻ như khó khăn này là điều mà các nhà mạng đã tính trước được nên dường như các nhà mạng đều đang dè chừng và khá cẩn trọng trong các hoạt động truyền thông của mình.

Khôi Linh