Nhà khoa học 13 tuổi với dự án khiến nhiều người sửng sốt

(Dân trí) - Shubham Banerjee, 13 tuổi, khiến nhiều người phải thán phục khi sáng tạo ra công nghệ cho phép tạo ra những chiếc máy in chữ nổi Braille trở nên rẻ hơn rất nhiều so với thông thường. Dự án ấn tượng của Banejee đã khiến Intel quan tâm và đầu tư một khoản tiền lớn.

Cậu bé Sahbham Banerjee, 13 tuổi, đã từng phải mượn của cha mẹ để tạo nên chiếc máy in chữ nổi Braille đầu tiên do chính mình sáng chế, nhưng giờ đây, cậu học sinh trung học này không cần phải mượn tiền của cha mẹ hay gia đình, bởi lẽ dự án của Banerjee đã khiến quỹ đầu tư Intel Capital (của tập đoàn Intel) quan tâm.

Intel đã quyết định đầu tư cho công ty của Banerjee, có tên gọi Braigo Labs, một số tiền không tiết lộ để giúp cậu bé 13 tuổi này có thể tiếp tục phát triển chiếc máy in chữ nổi thế hệ mới, Braigo phiên bản 2.0. Intel đã gọi sản phẩm do Banerjee là một sản phẩm đột phá và khác biệt.

Cậu bé Shubham Banerjee, cùng với Henry Wedler, một người mù và cố vấn cho công
ty của cậu bé


Cậu bé Shubham Banerjee, cùng với Henry Wedler, một người mù và cố vấn cho công ty của cậu bé

Điểm nhấn ấn tượng trong chiếc máy in chữ nổi của Banerjee đó là được lắp ghép từ trò chơi LEGO và sử dụng chiếc máy tính cỡ nhỏ Intel Edison của Intel để làm bộ vi xử lý trung tâm. Điều này giúp máy in do Banerjee tạo ra có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc máy in chữ nổi khác đang có trên thị trường.

Mới chỉ 13 tuổi, Banerjee trở thành người trẻ nhất được nhận khoản tiền đầu tư lớn từ Intel Capital và cũng là một trong những người trẻ nhất nhận được một khoản tiền đầu tư mạo hiểm trong lịch sử công nghệ.

Hiện bằng sáng chế cho công nghệ mà Banerjee phát minh ra vẫn chưa được cấp phép, do vậy cậu bé vẫn giữ bí mật công nghệ của mình với giới truyền thông, tuy nhiên theo tiết lộ thì công nghệ này cũng tương đương với công nghệ máy in chữ nổi Braille hiện đang sử dụng trên các chiếc máy in đắt tiền.

“Tôi muốn tất cả chúng ta sẽ cùng nhau giúp đỡ những người khiếm thị, bởi mọi người đã
“lợi dụng” họ trong một thơi gian dài. Vì vậy tôi muôn chấm dứt điều đó”, Banerjee cho biết.

Sử dụng cụm từ “lợi dụng”, Banerjee muốn ám chỉ đến những chiếc máy in chữ nổi Braille có giá thành cao hiện đang bán trên thị trường, với mức giá trung bình trên 2.000USD. Trong khi đó, chiếc máy in của Banerjee chỉ có mức giá dự kiến chưa đến 500USD khi có mặt trên thị trường.

Banerjee cũng cho biết lượng sản phẩm sản xuất được sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm. Một trong những lý do khiến máy in chữ nổi Braille đắt đỏ là vì nhu cầu  thấp, do vậy các hãng sản xuất cần thiết phải có một mức giá cao để bù lại chi phí sản xuất của họ.

“Sự thật là nhu cầu máy in chữ nổi vẫn còn thấp ở Mỹ”, Banerjee cho biết. “Tuy nhiên nếu sản phẩm có mức giá thấp hợp lý, nhu cầu sẽ tăng cao, không chỉ ở trên thị trường Mỹ”.

Từ ý tưởng đến sản phẩm thực tế

Banerjee đã xây dựng chiếc máy in chữ nổi đầu tiên của mình bằng trò chơ LEGO, với tên gọi LEGO Braille, cho một hội chợ khoa học ở trường mà cậu bé tham gia. Trước đó, cậu bé không hay biết gì về cách mà người mù đọc, cậu đã hỏi cha mẹ mình, nhưng cha mẹ cậu bé quá bận rộn và chỉ trả lời cậu bé rằng: “Hãy tìm trên Google”.

Sau một thời giam dài tìm hiểu và học về chữ nổi Braille, cậu bé đã quyết định tạo ra chiếc máy in chữ nổi Braille đầu tiên của mình. Sau khi trình diễn tại Hội chợ khoa học ở trường, sản phẩm của Banerjee đã được tham dự cuộc thi sáng chế khoa học dành cho học sinh nổi tiếng Synopsys Science & Technology Championship, nơi mà cậu bé đã giành giải nhất cùng với phần thưởng 500USD.

Từ đó, tên tuổi của Banerjee được biết đến nhiều hơn. Nhiều người đã liên hệ và hỏi mua chiếc máy in này, điều này khiến Banerjee đi đến quyết định thành lập một công ty của riêng mình.

Được biết các sản phẩm trong tương lai của Banerjee sẽ sử dụng các chất liệu truyền thống, thay vì sử dụng LEGO như nguyên mẫu đầu tiên.

Cận cảnh nguyên mẫu máy in đầu tiên, được lắp ráp bằng LEGO của Banerjee
Cận cảnh nguyên mẫu máy in đầu tiên, được lắp ráp bằng LEGO của Banerjee

Chiếc máy in của Banerjee sử dụng chiếc máy tính Intel Edison (một máy tính siêu nhỏ có kích thước tương đương một chiếc thẻ nhớ) để làm vi xử lý trung tâm, điều này khiến Banerjee được Intel chú ý và mời cậu bé cùng sản phẩm tham dự Diễn đàn các nhà phát triển của Intel. Và cuối cùng, Intel đã quyết định đầu tư một khoản tiền cho dự án này thông qua quỹ đầu tư Intel Capital.

Do Shubham Banerjee vẫn còn trẻ, do vậy cha mẹ cậu bé đóng vai trò quan trọng trong công ty do cậu lập ra, trong đó Niloy Banerjee, cha của cậu bé, sẽ là Giám đốc ban quản trị, còn Malini Banerjee, mẹ của cậu bé, sẽ là giám đốc điều hành.

Cha của cậu bé cho biết sẽ giám sát kỹ càng khoản đầu tư của Intel Capital và sử dụng số tiền này để tuyển dụng các kỹ sư giúp sản phẩm của con mình trở nên hoàn thiện hơn.

Về phần mình, cậu bé Banerjee vẫn sẽ tiếp tục đi học bình thường và làm việc tại công ty sau giờ học. Nhiều bạn bè của Banerjee rất thích thú trước dự án và công ty mà cậu đã thành lập nên sẽ ghé thăm công ty của Banerjee để giúp đỡ những công việc có thể.

Một điều khá thú vị, khi đứng trên sân khấu sự kiện của Intel sau khi khoản đầu tư được công bố, trước 1.000 doanh nhân, các nhà đầu tư và các nhân viên của Intel, khi được hỏi làm cách nào để biết rằng chiếc máy in của mình hoạt động tốt, trong khi không biết đọc chữ Braille, cậu bé Banerjee đã trả lời: “Tôi đã tìm kiếm trên Google. Tôi thật may mắn vì sống ở Silicon Valley, nơi có rất nhiều người thông minh đang sống”.

T.Thủy