Ngành gia công phần mềm VN đang ở đâu?

Ngành gia công xuất khẩu phần mềm trong ba năm qua vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 50% mỗi năm. Tuy nhiên, đó là sự gia tăng trên một quy mô nhỏ với tổng giá trị đạt được năm 2005 là 70 triệu USD. Vì thế, bên cạnh nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, cần có những chính sách vĩ mô để thúc đẩy ngành này tăng tốc.

Theo thống kê của Vụ Công nghiệp CNTT, Bộ Bưu chính - Viễn thông, một vài thị trường phần mềm khổng lồ đang mở ra cơ hội cho cả thế giới. Các nước càng phát triển, nhu cầu về phần mềm và dịch vụ càng lớn, vượt quá khả năng cung cấp và nguồn nhân lực của chính họ. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT, trong những năm 1980, các nước công nghiệp chiếm doanh thu chủ yếu về phần mềm như Mỹ, Nhật..., tuy nhiên từ những năm 1990 đã có sự chuyển dịch gia công sang các nước đang phát triển tăng nhanh như Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Âu và gần đây là các nước ASEAN.

 

Lần đầu tiên Việt Nam có tên trên bản đồ phần mềm thế giới khi năm 2004, tập đoàn tư vấn quốc tế Kearrney đã xếp Việt nam vào thứ hạng 20/25 quốc gia có khả năng thu hút gia công dịch vụ tốt nhất. Đây cũng là tiêu chí tham khảo để các công ty nước ngoài lựa chọn địa điểm gia công dựa trên các chỉ tiêu xếp hạng về môi trường kinh doanh, nhân lực và tài chính.

 

“Phân khúc” doanh nghiệp

 

Năm 2005, Việt Nam có khoảng 650 doanh nghiệp tham gia gia công phần mềm với khoảng 20.000 nhân sự, năng suất của kỹ sư phần mềm Việt Nam xấp xỉ 10.000 USD/người/năm. Nhìn chung, quy mô này còn quá nhỏ trong khi ngành gia công lại đòi hỏi có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng nguồn lực để có thể thực hiện những dự án ngày càng lớn cả về quy mô và độ phức tạp.

 

Doanh thu của ngành này hiện chủ yếu từ khối doanh nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư của Việt kiều như TMA, PSV, GlobalCyberSoft, SilkRoad, GlassEgg, PSD, Tân Thiên Niên Kỷ, GHP... Nhóm doanh nghiệp trong nước nổi bật là FPT, tuy nhiên những doanh nghiệp này còn rất hiếm. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp ‘đầu đàn” phát triển sản phẩm cho thị trường trong nước như Lạc Việt, HPT, VietSoftware, AZ Solutions, CMS, Hài Hòa... những năm gần đây cũng nỗ lực khai thác nguồn lực gia công xuất khẩu.

 

Một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho quy trình quản lý chất lượng để tạo dựng uy tín, vươn ra thế giới như PSV, FPT với chứng nhận quy trình CMMi5, GlobalCyberSoft với CMMi4, SilkRoad với CMM3... cùng với khoảng 50 doanh nghiệp đã xây dựng quy trình quản lý chất lượng ISO 9001. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm hướng khai thác thị trường Nhật Bản.

 

Mỹ vẫn đang là thị trường gia công  lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm nay đã có sự quan tâm rất lớn của các công ty Nhật với các nhà đầu tư trực tiếp hoặc tìm kiếm đối tác Việt Nam. Hàng loạt các doanh nghiệp Nhật xuất hiện như Unico Vietnam, Ichi Corporarion, Individual Systems, Aplis Vietnam, Fusione... Những nỗ lực của họ đầu tư vào Việt Nam hứa hẹn góp phần vào sự khởi sắc của ngành gia công phần mềm trong giai đoạn tới.

 

Tuy nhiên trong lĩnh vực này, Việt Nam chưa thu hút được các tập đoàn lớn và cũng chưa có công ty đạt 1.000 kỹ sư. Trong khi đó, những doanh nghiệp mạnh sẵn sàng về nguồn lực sẽ dễ dàng tạo dựng thương hiệu quốc gia. “Việt Nam, vì thế đang cần những doanh nghiệp mạnh làm đầu tầu thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm tăng tốc”, ông Tuấn cho biết.

 

Sóng lên, thuyền lên!

 

Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó giám đốc AZ Solution, số lượng doanh nghiệp gia công phần mềm trong nước tăng nhanh, cho thấy những điều kiện thuận lợi hơn như năng lực lập trình viên đang được nâng cao nhờ có cơ hội tham gia các dự án mà độ phức tạp ngày càng lớn dần; quy trình kiểm soát chất lượng phát triển phần mềm trong doanh nghiệp từng bước đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; thương hiệu quốc gia trong gia công phần mềm quốc tế cũng đã được cải thiện đáng kể. Đây là các yếu tố giúp cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp nhận các đơn hàng gia công, góp phần mang lại “làn gió mới” cho ngành công nghiệp phần mềm.

 

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch cố vấn TMA Solutions, cho rằng ngành gia công phần mềm năm 2006 đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh khi mà tiếng nói của các nhà đầu tư như IDG, Intel, Microsoft... đang giúp quảng bá ngành CNTT Việt Nam ra thế giới..Ông Lệ cũng cho biết xu hướng của thế giới là gia công những công việc phức tạp hơn có giá trị cao và quy mô lớn hơn. Vì thế việc đào tạo để phát huy năng lực kỹ sư Việt Nam phải gia tăng hơn nữa thì mới có thể tạo ra nguồn lực theo kịp trình độ thế giới.

 

Cơ hội thì nhiều nhưng các chuyên gia đều cho rằng để tìm kiếm “lãnh địa”, Việt Nam cần một chính sách cân bằng cho cả ngành gia công phần mềm, trong đó nguồn lực đáp ứng cho từng thị trường mục tiêu đang là thách thức lớn.

 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngành gia công phần mềm phải được đầu tư từ thương hiệu quốc gia, và không thể chỉ để doanh nghiệp “tự thân vận động” mà phải có chiến dịch tiếp thị quốc gia, các hội thảo quốc tế về phần mềm, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thị trường và khuyến khích xây dựng các quy trình đảm bảo chất lượng. Nếu tạo dựng được một nền tảng, việc bứt phá sẽ nhanh chóng vì thị trường đang mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp quan tâm đến ngành gia công phần mềm.

 

Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn