1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ cất cánh?

(Dân trí) - Việt Nam đang thu hút sự chú ý với tư cách là tiêu điểm phát triển nguồn nhân lực phần mềm trong lĩnh vực CNTT, được kỳ vọng là đối tác chiến lược thứ 3 của Nhật Bản sau Ấn Độ và Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất phần mềm.

Trong bối cảnh đó, vào sáng nay (15/5), trường Đại học FPT đã phối hợp cùng trường Quản trị Kinh doanh HSB tổ chức buổi hội thảo “Nguồn nhân lực phần mềm cho thị trường Nhật Bản”, thảo luận về vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho thị trường nhiều tiềm năng này.

Tham dự buổi hội thảo có ông Trần Đoàn Kim, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam - VINASA; ông Takeo Ogawa, nguyên Chủ tịch Công ty Hitachi Software, Cố vấn cao cấp của ĐH FPT; cùng một số đại diện đến từ các công ty phần mềm Việt Nam và Nhật Bản, các trường đào tạo về CNTT tại Việt Nam.

Ngành công nghiệp phần mềm ngày càng phát triển

Hiện nay ngành công nghiệp phần mềm ở Việt Nam đang có mức tăng trưởng khá tốt, đạt từ 30 - 40% năm, tỷ trọng trên GDP chiếm 0,4% với hơn 720 doanh nghiệp, và gần 9000 kỹ sư, cử nhân CNTT đang được đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng hàng năm.

So với nhu cầu hơn 1,5 triệu nhân lực thiếu hụt hiện nay trên thế giới, Việt Nam đang có lợi thế lớn bởi nguồn nhân lực trẻ.

Nêu lên tầm nhìn mới cho ngành Công nghiệp phần mềm tại Việt Nam, ông Trần Đoàn Kim khẳng định: “Trong 10 năm tới, Việt Nam chưa thể trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về công nghiệp phần mềm, song hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về Nhân lực phần mềm”.
 

Cũng trong dịp này, ông Takeo Ogawa, nguyên Chủ tịch Công ty Hitachi Software, Cố vấn cấp cao của Đại học FPT đã trao tặng Trường Bộ từ điển Nhật-Nhật và Bộ từ điển tiếng Nhật dành cho chuyên ngành CNTT. Với việc chú trọng trang bị tiếng Nhật như một ngoại ngữ thứ hai, sinh viên Đại học FPT sẽ có rất nhiều lợi thế trong công việc tương lai.

Các đại biểu đã cùng thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực hướng tới thị trường Nhật Bản. Với cương vị là nhà tuyển dụng, các công ty phần mềm Việt Nam và Nhật Bản nêu ý kiến về yêu cầu đối với những kỹ sư phần mềm làm việc cho các đối tác Nhật.

Trong khi đó các đơn vị đào tạo cùng trao đổi về việc thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp, những kiến thức và kỹ năng cần thiết phải trang bị cho sinh viên để có thể sẵn sàng cho công việc trong tương lai cũng như đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các đối tác Nhật.

Ông Yokomizo, Giám đốc công ty USOL Việt Nam, đã đưa ra những lời khuyên hết sức thiết thực cho sinh viên trong việc xây dựng tác phong làm việc, đặc biệt là trong các công ty Nhật Bản.

“Các bạn nhất định phải ghi chép những chỉ thị trong công việc. Cho dù có ghi chép, vẫn có cái không hiểu rõ, khi đó nhất định phải xác nhận lại. Nếu mắc phải sai lầm trong công việc thì nhất định phải xin lỗi. Việc suy nghĩ xem làm thế nào để sau này không mắc lỗi nữa quan trọng gấp 100 lần so với việc thanh minh. Hình ảnh một nhân viên được các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng là người biết tuân thủ quy tắc, coi trọng teamwork, thấu hiểu về ngành dịch vụ, và duy trì một công việc tối thiểu trong 3 năm để có thể xây dựng được sự nghiệp mà người khác có thể công nhận” ông Yokomizo chia sẻ.

Bài toán đào tạo theo nhu cầu cần sớm giải quyết

Hiện nay, trong tổng số các đơn đặt hàng của công ty Hitachi Software, Việt Nam chiếm đến 23%. Năm 2003, khi bắt đầu quyết định đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam, thì Ấn Độ chiếm khoảng 20% lượng đặt hàng của Hitachi Software, tuy nhiên đến nay con số này đã giảm xuống 1%.

Ông Ogura Masataka hiện đang công tác tại Công ty phần mềm FPT Software với tư cách là Trưởng đại diện trung tâm phát triển cho biết “Những kỹ sư của Nhật còn kém tiếng Anh vì vậy việc giao dịch với Ấn Độ không phải là đơn giản. Hơn nữa người Ấn độ có xu hướng hay thay đổi việc làm để thăng tiến. Ở Việt Nam thì doanh nghiệp cũng như nhân viên rất coi trọng mối quan hệ lâu dài. Ngoài ra, văn hoá Việt Nam cũng giống với Nhật Bản nên rất dễ làm việc”.

Để giải quyết cho vấn đề nguồn nhân lực, đại diện từ Hiệp hội Phần mềm Việt Nam - VINASA cho rằng, Việt Nam cần đầu tư sử dụng giáo trình và giảng viên quốc tế, tăng cường giảng dạy ngoại ngữ, hình thành hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành CNTT theo chuẩn quốc tế, và đặc biệt liên kết thu hút các doanh nghiệp phần mềm tham gia vào quá trình đào tạo.

Đây cũng chính là mô hình mà trường Đại học FPT đang tiến hành triển khai. Trường Đại học FPT hiện nay đang sử dụng chương trình đào tạo theo chuẩn ACM (Mỹ), và chuẩn ITSS (Nhật), đồng thời tiến hành hợp tác đào tạo với các Doanh nghiệp cũng như các trường Đại học tại Nhật Bản nhằm xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên. Sinh viên Đại học FPT sẽ được học cả hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật, và được đào tạo thông qua công việc thực tế ngay từ năm thứ 2.

Sau buổi hội thảo, mục tiêu và tầm nhìn quốc gia về phát triển ngành CNTT Việt Nam đã được xác định. Theo đó lấy công nghiệp phần mềm làm trọng tâm, lấy đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng quốc tế là biện pháp đột phá, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực phần mềm của thế giới, đồng thời là điểm đến hấp dẫn trong hợp tác quốc tế về phần mềm dịch vụ.

Để xây dựng chiến lược đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn quốc tế, cần thúc đẩy xã hội hóa và quốc tế hóa đào tạo, khuyến khích phát triển các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành CNTT đạt chất lượng quốc tế; đảm bảo cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào đào tạo CNTT một cách rõ ràng, minh bạch.

Nguyễn Hùng