Ngành công nghệ thông tin Việt Nam kém vì ngoại ngữ yếu!
(Dân trí) - Công nghệ thông tin (CNTT) được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia CNTT thì ngành công nghiệp này phát triển chậm vì rào cản ngôn ngữ, nhân lực còn yếu ngoại ngữ.
Sáng 15/10, Hội nghị phát triển Ngành Gia công CNTT 2015 (VNITO 2015) đã diễn ra tại TPHCM. Sự kiện thu hút gần 400 đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự, trong đó có khoảng 100 đại diện đến từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc…
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin truyền thông nhấn mạnh: “Gia công phần mềm luôn là một trong những hướng phát triển chủ lực của ngành CNTT Việt Nam. Ngành gia công đã có những đóng góp hết sức to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Từ 2014 đến 2015, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi. Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết nhấn mạnh việc ưu đãi chính sách thuế với các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ phần mềm…”.
Đại diện Sở TT-TT TPHCM cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp CNTT đối với sự phát triển kinh tế thành phố. Trong đó, ngành gia công phần mềm là một trong những ngành công nghiệp chủ lực, là thế mạnh của TPHCM.
Ông Nguyễn Lâm Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung cho biết: “VNITO 2015 diễn ra đúng thời điểm các nước tham gia đàm phán TPP đạt được nhiều tín hiệu lạc quan. Với thị trường 12 quốc gia, 800 triệu dân, TPP đã giúp cho doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mở rộng thêm thị trường, tạo thêm nhiều cơ hội thông qua các thỏa thuận về mở rộng mạng lưới viễn thông, internet…”.
Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhở: “TPP cũng tạo ra nhiều thách thức khi các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ luật chơi toàn cầu mang tính khắc nghiệt hơn về sở hữu trí tuệ và khả năng thu hút nguồn nhân lực. Từ những sự kiện như VNITO 2015 sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có những giải pháp tăng cường sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau phát triển…”.
Ông Nguyễn Lâm Hải Long cho rằng mặc dù có lợi thế về chi phí sản xuất, theo một số nhà nghiên cứu, ngành CNTT hiện nay đang gặp phải khó khăn lớn vì rào cản ngôn ngữ. Thực tế, theo khảo sát của một tổ chức nghiên cứu thì nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay có 72% trình độ ngoại ngữ từ trung bình trở xuống. Ngoài ra, tác phong công nghiệp, thái độ làm việc cũng là vấn đề quan trọng của ngành này.
Phạm Nguyễn