1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Nạn nhân của blog “bẩn”: Ngậm đắng nuốt cay!

Một số nữ sinh khi thay đồ bị quay lén, một diễn viên bị bôi nhọ đời tư... Rồi một nhà văn nữ dùng lời lẽ trịch thượng nói xấu các tờ báo này để đề cao tờ báo kia, một nam phóng viên dùng từ “bẩn thỉu” để đả kích một nữ đồng nghiệp... Những chuyện như vậy đang nhan nhản trên các blog.

Lẽ thường, khi bị xúc phạm, vu khống, nạn nhân của blog “bẩn” muốn lên tiếng để phản ứng hoặc chí ít cũng để thanh minh cho mình, nhưng họ thường đành im lặng trong nỗi uất ức... Cách thể hiện nhằm thỏa mãn cái tôi ích kỷ, sự ghen tỵ hay âm mưu bêu xấu người khác của blogger đã gây hại, biến nhiều người trở thành nạn nhân đau đớn.

 

Từ quay lén nữ sinh thay đồng phục...

 

Giới blogger nói riêng và cộng đồng mạng nói chung không ngừng xôn xao về một đoạn video clip “nóng” quay cảnh thay đồng phục của nữ sinh một trường khá nổi tiếng nằm giữa trung tâm Hà Nội trên Yahoo 360 độ. 

 

Được biết ngay sau giờ chào cờ thứ hai hằng tuần, các nữ sinh được nhà trường ưu tiên sử dụng một lớp học để thay áo dài. Một nữ sinh với chiếc điện thoại di động khá xịn đã chớp cơ hội quay lại toàn bộ khung cảnh này và tung lên blog. Gần như toàn bộ các nữ sinh trong phòng đều không thoát khỏi ống kính của "kẻ đùa ác". Bắt đầu bằng hình ảnh của các nạn nhân đầu tiên, sau khi bị phát hiện nhiều nữ sinh trong lớp đã phản ứng bằng cách dùng cặp, đồ dùng để che thân hoặc úp mặt, có nhiều bạn phải chui vào gầm bàn để trốn, số ít chỉ xem là trò đùa và không nghĩ sẽ bị bạn cùng lớp tung lên mạng, nên vô tư cười cợt... 

 

Ngay lập tức, đoạn video clip kể trên (ảnh) bị sao chép, tung ra trên nhiều blog khác và nhiều diễn đàn giới tính, gây xôn xao dư luận trên cộng đồng mạng cũng như giới học sinh trung học Hà Nội. Nhiều nạn nhân của trò đùa trên thực sự lo lắng, trong đó có khả năng gặp nguy cơ trầm cảm. Những hình ảnh hoặc đoạn video tương tự dù với mục đích nào, hay đơn giản chỉ để tăng page view cho blog hoặc vì trêu đùa cá nhân... đều có thể ảnh hưởng xấu đến tư duy của giới trẻ (vốn chiếm đa số trong giới blogger).  Bạn nghĩ gì khi những nạn nhân đó chính là mình?

 

...Đến mạo danh mời chào...  “đi khách”!

 

Chị N.H.K, nhân viên kinh doanh của một công ty tư vấn nguồn nhân lực lớn tại TPHCM nói: “Chủ nhân của blog đó đã ghi cả tên tuổi, số điện thoại cùng với những hình ảnh của tôi mà chẳng biết ở đâu họ có để trên blog với lời mời chào... đi khách. Tôi hoảng hốt khi nhận cuộc điện thoại đầu tiên với mục đích ngã giá, rồi đau đớn trước những ánh mắt khinh khi của đồng nghiệp. Sau đó, nhờ một đồng nghiệp tốt bụng đưa đường link blog đó cho tôi, tôi mới biết lý do tại sao như thế. 

 

Tôi đã vào comment, yêu cầu chủ nhân blog ngừng đăng những thông tin bậy bạ như thế nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Tôi không thể yêu cầu Yahoo! làm gì giúp tôi. Tôi chỉ có thể thay đổi số điện thoại để tránh phiền nhiễu mặc dù tôi đã phải bị phiền nhiễu rất nhiều từ chuyện này. Những người thân bảo tôi nên lập một blog mới để đính chính nhưng tôi không thích. Vì có nói cũng chẳng ích gì. Bây giờ, tôi chỉ mong mọi việc chóng qua. Chẳng ai có thể ăn không ngồi rồi để nói xấu người khác mãi được”. 

 

Chị K.L, một diễn viên, đau đớn khi có người đã lôi câu chuyện tình trong quá khứ của mình lên blog và kể lại với đại chúng kèm theo những lời kết tội nặng nề. Chị nói: “Tôi đành im lặng chứ biết làm sao bây giờ!”. Không ít nạn nhân của blog “bẩn” đã phải chọn giải pháp im lặng như một lựa chọn tốt nhất bởi vì họ chẳng thể làm gì khác được.

 

Một nạn nhân nổi tiếng từ blog của một người nổi tiếng bất bình: “Cô ấy nói tôi quan hệ với các thành viên ban tổ chức để được danh hiệu. Nhưng đó chỉ là lời nói và không hề có bằng chứng gì. Lối nói của cô ấy cũng mập mờ làm ai hiểu kiểu nào thì hiểu và tôi không thể kiện cô ấy ra tòa được. Nhưng rõ ràng danh dự của tôi và những người cô ấy nói xấu đã bị ảnh hưởng trầm trọng. Tôi cũng chẳng biết mình phải làm gì nữa. Kiện cáo lên liệu có đòi được danh dự hay không, hay người ta lại nói mình gây scandal để nổi tiếng nữa. Tôi đành im lặng trong ấm ức vì im lặng thì người ta lại bảo mình có tịch nên không dám rục rịch”. 

 

Với những blog mà chủ nhân của chúng chọn giải pháp ẩn danh hoặc chỉ nói cạnh khóe, xa gần theo kiểu ai hiểu kiểu gì cũng được nhưng mọi cách hiểu đều dẫn đến tiêu cực cho người bị đề cập thì nạn nhân đúng là chẳng có cách nào khác ngoài im lặng cho mọi chuyện chóng qua. 

 

Mảng tối của blog

 

Đầu tiên là những blogger thích dựng chuyện, bịa đặt và vu khống. Những blogger này thường ẩn danh, thôi thì... miễn bàn vậy. 

 

Tiếp theo là những blogger có cái nhìn lệch lạc về con người hay hiện tượng, luôn chăm chăm chỉ trích, phê phán mà không cần biết thực tế ra sao. Tuy có vẻ tự do - vô tội (bởi đó là nhận xét “vô tư” của người viết blog) nhưng thực chất, những lời nói xấu được khoác áo "nhận xét" này gây tổn hại nhiều đến môi trường văn hóa lành mạnh của blog.

 

Hiện tại, có khá nhiều lời “nhận xét” về các diễn viên, ca sĩ, đạo diễn đang tồn tại trên blog Yahoo 3600 . Sẽ không phải là vấn đề nếu bản thân các blogger thích “nhận xét” người khác có được thái độ văn hóa, có được sự trung thực với cái tâm xây dựng trong nhận định của mình.

 

Thật đáng buồn khi có một vài blogger là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, ca sĩ hẳn hoi đã phát ngôn tùy hứng, trực tiếp hoặc gián tiếp xúc phạm đến đồng nghiệp lẫn báo giới bằng thái độ hết sức lớn lối. Gần đây, nhiều blogger đã phản ứng không tán thành với một entry trên blog của một nhà văn nữ khi chỉ trong dòng nhận xét 59 từ, chị ta đã “mắng” đến 3 tờ báo lớn của Việt Nam một cách tùy tiện, còn những dòng dưới đó thì lại dạy dỗ báo giới Việt Nam về cách làm báo một cách ngây ngô và cực kỳ trịch thượng. Hay một nam phóng viên của tờ báo ngành tư pháp một thành phố lớn đã dùng những lời lẽ rất “bẩn thỉu” khi đả kích đồng nghiệp là một nữ phóng viên...

 

Không ít người đã viện vào lý lẽ vì sự riêng tư hoặc tự do cá nhân để cho rằng mình có mọi quyền hành xử trên blog mà không cần tuân thủ bất cứ một quy tắc chuẩn mực nào! Vấn đề ở đây chính là sự riêng tư đó chỉ được tôn trọng tuyệt đối nếu nó thực sự riêng tư (với blog có chế độ private) và sự riêng tư đó không làm tổn hại đến bất cứ ai khác, dù là cá nhân hay tập thể.

 

Theo Thanh niên