Mỹ hốt hoảng vì 5,6 triệu dấu vân tay của nhân viên chính phủ bị hacker đánh cắp
(Dân trí) - Các hacker đã đánh cắp nhiều dữ liệu an ninh bí mật của hàng triệu nhân viên Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác của chính phủ Mỹ, trong đó gồm khoảng 5,6 triệu dấu vân tay của các nhân viên, cao hơn nhiều so với những thông tin ban đầu.
Thông tin về dấu vân tay của các nhân viên chính phủ Mỹ bị hacker đánh cắp được xác định sau những phân tích về các dữ liệu bị xâm phạm của Văn phòng Quản lý nhân sự (OPM) và Bộ Quốc phòng. Trước đó vào đầu năm nay, chính phủ Mỹ đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy tin tặc tấn công vào OPM để đánh cắp các thông tin về nhân viên làm việc cho chính phủ.
Ban đầu OPM nhận định chỉ có khoảng hơn 1,1 triệu nhân viên chính phủ Mỹ bị hacker tấn công và chiếm đoạt thông tin, tuy nhiên với kết quả nghiên cứu mới cho thấy 5,6 triệu nhân viên đã bị đánh cắp thông tin về dấu vân tay, nhiều hơn 4,5 triệu so với con số ban đầu. OPM lo ngại rằng số người bị ảnh hưởng bởi những vụ tấn công mạng này có thể lên đến 21,5 triệu.
Các cơ quan chính phủ Mỹ cho biết chưa có bằng chứng nào cho thấy những dữ liệu bị đánh cắp đã bị lạm dụng, tuy nhiên họ cũng lo ngại rằng các thông tin này có thể sử dụng vào mục đích gián điệp. Hiện một nhóm các chuyên gia đến từ FBI, Bộ Nội an và Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét khả năng lạm dụng dấu vân tay bị đánh cắp vào những mục đích khác nhau ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Các cá nhân bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công mạng vẫn chưa được thông báo và họ vẫn chưa hay biết dấu vân tay của mình đã bị đánh cắp. OPM cùng với Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ gửi thông báo đến những cá nhân bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công mạng này.
“Nếu trong tương lai các phương tiện mới được phát triển để sử dụng trái phép các dữ liệu dấu vân tay bị đánh cắp, chính phủ sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết đến các cá nhân có dấu vân tay có thể đã bị đánh cắp”, đại diện của OPM cho biết.
Thông tin này được công bố ngay trước khi chuyến thăm thủ đô Washington DC của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó chính phủ Mỹ đã từng nhiều lần ám chỉ tin tặc do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn là thủ phạm của những vụ tấn công này, tuy nhiên đã không tuyên bố điều này một cách công khai.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết an ninh mạng sẽ là một vấn đề trọng tâm trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc vào hôm thứ 6 tới. Trước đó Tổng thống Obama đã từng tuyên bố rằng gián điệp công nghiệp trong không gian mạng là “một hành động xâm lược và cần phải dừng lại”.
Phát biểu hôm thứ tư vừa qua, Phát ngôn viên của Nhà Trắng John Earnest cho biết cuộc điều tra về vi xâm phạm dữ liệu, ảnh hưởng đến dữ liệu của các nhân viên Liên bang, vẫn đang được tiến hành và hiện chưa có bất kỳ kết luận nào về những người chịu trách nhiệm. Earnest cũng khẳng định rằng thông báo của OPM không liên quan đến chuyến thăng Mỹ của ông Tập.
T.Thủy