Mỹ chuẩn bị đưa 2 tàu nghiên cứu mới khám phá vùng cực Bắc
(Dân trí) - Trong năm 2015 này, Quỹ Khoa học quốc gia và Viện Hải dương Mỹ sẽ đưa hai còn tàu mới nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học các đại dương vùng biển ở Bắc Cực và Đại Tây Dương.
Hai con tàu mới có tên Sikuliaq của Quỹ Khoa học Quốc gia (U.S. National Science Foundation) và tàu Neil Armstrong của Viện Hải dương học Woods Hole (Woods Hole Oceanographic Institution's - WHOI). Một trong hai tàu đã hoạt động và tàu còn lại sẽ bắt đầu các hoạt động khoa học vào cuối năm nay, các nhà nghiên cứu đại dương cho biết.
Tàu đã bắt đầu hoạt động là Sikuliaq (phát âm see-koo-lee-auk). Sikuliaq có chiều dài 80 mét, chứa tối đa 26 nhà khoa học và sinh viên nghiên cứu, được hoàn thành vào tháng 6/2014 với giá trị 200 triệu USD. Tàu được thiết kế để khám phá băng vùng Alaska và vùng cực. Con tàu này sở hữu bởi Quỹ Khoa học Quốc gia và được điều hành bởi Đại học Alaska Fairbanks ở Seward, Alaska.
Trong khi đó, tàu Neil Armstrong hiện đang được đóng tại một xưởng đóng tàu ở Anacortes, Washington và sẽ được chuyển giao cho WHOI khi hoàn tất. Tàu sẽ thay thế một tàu nghiên cứu khác gần đây đã “nghỉ hưu” là Knorr (từng hoạt động từ năm 1970). Sau khi hoạt động (có thể cuối 2015, đầu 2016), tàu Neil Armstrong sẽ làm nhiệm vụ khám phá các đại dương nhiệt đới và ôn đới trên thế giới với chi phí 350.000 USD/năm được cung cấp bởi WHOI.
Mặc dù đã có nhiều thập kỷ nghiên cứu, các đại dương phía Bắc bao gồm Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương vẫn còn nhiều khu vực “hấp dẫn nhất hành tinh”chưa được khám phá. Đây cũng được coi là vùng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khí hậu của trái đất và hai tàu mới sẽ làm nhiệm vụ tìm hiểu điều này.
“Ví dụ như một nhà hóa học có thể đo lượng axit của đại dương hoặc một nhà sinh vật học có thể tìm ra một số loài ảnh hưởng như thế nào nếu mực nước biển thay đổi”, Rob Munier, phó chủ tịch phụ trách hoạt động hàng hải tại WHOI cho biết.
Cả hai tàu sẽ là một phần của hệ thống Phòng thí nghiệm Hải dương học nằm trong Đại học quốc gia. Đây là một hệ thống rộng lớn bao gồm 62 viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm Mỹ, chuyên nghiên cứu về hải dương học.
Lâm Anh