1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

“Mổ xẻ” nguyên nhân vấn nạn tin nhắn rác

(Dân trí) - Tỉ lệ ăn chia thấp, sức ép từ doanh thu và sự bất cập từ việc quản lý thuê bao di động trả trước… là ngọn nguồn khiến nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hoạt động “sôi động” như chưa từng có chế tài xử lý.

Hội nghị triển khai các giải biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo do Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tổ chức tại Hà Nội đã “mổ xẻ” những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hoành hành người dùng di động.

 

“Chủ nô và người làm thuê”

 

Theo thống kê từ Bộ TT-TT, hiện tại Việt nam có 347 công ty cung cấp dịch vụ nội dung số (CSP) ký kết với các công ty thông tin di động, doanh nghiệp viễn thông để cung cấp dịch vụ. Bộ cho biết trong khi một số doanh nghiệp triển khai kinh doanh một cách bài bản thì một số doanh nghiệp sau khi xin giấy phép đăng ký kinh doanh, xin cấp đầu số, thiết lập hệ thống thiết bị, cơ sở dữ liệu đã thực hiện phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo nhằm quảng cáo, dụ dỗ, dẫn dắt người sử dụng nhắn tin vào đầu số của mình để thu lợi.

 

Nguyên nhân nảy sinh vấn nạn tin nhắn rác được Thanh tra Bộ TT-TT phân tích đó chính là vì lợi ích kinh tế. Nếu doanh nghiệp không quảng cáo hoặc chỉ quảng cáo theo hình thức thông thường thì doanh thu sẽ thấp, nhưng nếu sử dụng hình thức phát tán tin nhắn rác để quảng cáo thì doanh thu sẽ tăng một cách đột biến.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ ăn chia chênh lệch quá lớn giữa các nhà mạng và các CSP chính là nguyên nhân khiến số lượng tin nhắn phát đi hàng ngày lên đến hàng chục nghìn tin. "Các doanh nghiệp CSP sau khi thuê đầu số từ các nhà mạng đã phải bỏ ra chi phí cao để sản xuất sản phẩm, dịch vụ nội dung, mua bản quyền phần mềm, game, âm nhạc, quảng cáo dịch vụ… nhưng chỉ được hưởng doanh thu, lợi nhuận thấp, nhiều khi thu không đủ bù chi. Chính vì vậy, CSP mới tìm cách phát tan tin nhắn rác dể quảng cáo dịch vụ của mình để thu hút người sử dụng", đại diện cục Viễn thông nhấn mạnh.
 
“Mổ xẻ” nguyên nhân vấn nạn tin nhắn rác

 

Một vấn đề khiến các CSP “tốc lực” phát tán tin nhắn đó chính là do sức ép về doanh thu. Các nhà mạng quy định tổng doanh thu tối thiểu trên toàn bộ các số truy cập của CSP là 30 triệu đồng/tháng. Do vậy, để không bị chấm dứt hợp đồng, các CSP đã tìm cách phát tán tin nhắn rác nhằm đạt được mức doanh thu tối thiểu.

 

Ngoài ra, các CSP còn gặp khó khăn khi chính các nhà mạng cũng tham gia cung cấp dịch vụ nội dung. Do các nhà mạng có quyền tự chủ về hạ tầng, các CSP rất khó và hầu như không thể cạnh tranh được với các nhà mạng khi cùng cung cấp dịch vụ tương tự.

 

Cục Viễn thông ví mối quan hệ giữa các nhà mạng và các CSP như “chủ nô và người làm thuê”. Sự chèn ép từ các nhà mạng đã khiến các CSP xoay xở mọi cách để kinh doanh, bất chấp vi phạm pháp luật.

 

Nhà mạng cũng là đối tượng bị chỉ trích khiến tình trạng tin nhắn rác diễn ra tràn lan vì thiếu sự quản lý chặt chẽ với các thuê bao di động trả trước. Các CSP dễ dàng mua được SIM di động trả trước đã kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao với số lượng lớn để phát tán tin nhắn rác.

 

Đại diện Bộ Công An cũng cho rằng: “Các nhà cung cấp dịch vụ di động cần phải quản lý chặt chẽ thuê bao di động trả trước, và phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng SIM rác bán tràn lan trên thị trường”.

 

Quản lý kho số - Cần bàn tay của Bộ TT-TT

 

Nghị định 77 vừa ra đời được cho sẽ quản lý vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hiệu quả hơn so với Nghị định 90 ra đời năm 2008. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công An cho rằng trách nhiệm của nhà mạng vẫn chưa được nêu ra trong Nghị định mới, bởi hơn ai hết, các nhà mạng là đơn vị trực tiếp quản lý kho số, và các SIM điện thoại phát tán tin nhắn rác.
 
Trong khi đó, Cục Viễn thông cho rằng việc quản lý kho số là vấn đề cần được Bộ TT-TT cần quan tâm nhằm giải quyết bất cập trong mối quan hệ giữa các nhà mạng và CSP.

 

Đại diện Cục cho biết trong Nghị định về quản lý kho số đang trình Chính ngủ, và sẽ ban hành trong thời gian tới có đề xuất quy định Bộ TT-TT nên thu hồi kho số nhắn tin mà các CSP đang thuê lại từ các nhà mạng để chuyển đổi lại mô hình CSP đang là người đi thuê để trở thành 2 đối tác với nhà mạng, tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng hơn.

 

Từ đó, Bộ TT-TT sẽ quản lý kho số, phân bổ kho số cho các CSP để tạo điều kiện cho các CSP trong việc kinh doanh dịch vụ để bù đắp chi phí thực hiện.

 

Chia sẻ bên lề với báo giới, Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom, cho biết hãng sẵn sàng chuyển kho số để Bộ TT-TT quản lý, và hãng cũng sẵn sàng hợp tác với các CSP. Trước những chỉ trích về việc ăn chia không hợp lý, Viettel cho rằng, tỷ lệ ăn chia giữa nhà mạng với CSP thấp hay cao phụ thuộc vào mức độ chất xám và chất lượng của từng nội dung dịch vụ, có những nội dung có tỷ lệ ăn chia từ 50-60%. “Hiện tại, chủ yếu các dịch vụ nội dung mà các CSP đưa ra đều ăn theo các kết quả bóng đá, xổ số nên tỷ lệ chia sẻ doanh thu sẽ thấp hơn so với các dịch vụ có chất lượng”, ông Dũng lý giải.
 
Khôi Linh