Microsoft, Nokia kiện cáo Google vì Android “quá mạnh”

(Dân trí) - Microsoft, Expedia và Nokia đã đại diện cho một nhóm các công ty đệ đơn kiện lên toà án Liên minh châu Âu (EU) chống lại Google về hệ điều hành Android, yêu cầu EU phạt hoặc thay đổi hành vi của đại gia tìm kiếm lớn nhất thế giới.

Theo hãng tin Bloomberg, 17 các công ty công nghệ và hãng tìm kiếm đã thành lập tổ chức FairSearch để yêu cầu EU điều tra về “hành vi dối trá, lừa bịp nhằm bóp nghẹt sự cạnh tranh” của Google trên thị trường di động, nhằm mục tiêu “củng cố vững chắc quyền kiểm soát thị trường của Google đối với dữ liệu người dùng trên Internet để phục vụ quảng cáo trực tuyến khi người dùng dần chuyển sang di động”.

“Google đã sử dụng hệ điều hành di động Android như một Trojan để lừa gạt đối tác, giữ thế độc quyền trên thị trường di động và kiểm soát dữ liệu người dùng”, Thomas Vinje, một luật sư ở Brussell đại diện cho nhóm FairSearch, nói. “Nếu không ngăn chặn sẽ chỉ khuyến khích Google lặp lại hành vi lợi dụng sự thống trị của hãng trên máy tính khi người tiêu dùng ngày càng chuyển sang nền tảng di động mà hiện hệ điều hành Android của Google đang thống trị”.

Microsoft, Nokia kiện cáo Google vì Android “quá mạnh”


Đây không phải là lần đầu tiên Google bị kiện về hành vi chống độc quyền. Hiện nay, EU cũng đang điều tra mảng kinh doanh tìm kiếm của Google và các đối thủ của công ty ở Mountain View, California cũng đã có những kiến nghị đối với EU. Hồi tháng 3, hãng TripAdvisor và Expedia đã dẫn đầu một nhóm viết đơn kiến nghị lên Cố vấn cạnh tranh EU Joaquin Almunia. Những ngày sau đó Microsoft cũng đã gửi đến EU một bản nghiên cứu về các kết quả tìm kiếm của Google.

Theo FairSearch, hệ thống Android của Google được dùng trong 70% máy điện thoại thông minh bán ra tính đến cuối năm 2012. Trích dẫn nguồn từ hãng nghiên cứu thị trường eMarketer, FairSearch nói Google cũng thống trị mảng quảng cáo tìm kiếm di động với 96% thị phần.

Microsoft đã có đơn kiện chống độc quyền với Google, trong đó kết tội Google tạo ra các dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt, copy những bài nhận xét về nhà hàng và điểm du lịch của đối thủ, và đối xử phân biệt với các đối thủ.

Hồi tháng 1/2013, Mỹ đã kết thúc cuộc điều tra vào mảng kinh doanh tìm kiếm của Google, kết luận rằng không hề có bằng chứng nói các hành vi của Google làm hại người tiêu dùng. Cơ quan chống độc quyền EU cũng đang tìm cách thoả hiệp với Google để chấm dứt vụ kiện tụng kéo dài hơn 2 năm về các lo ngại chống độc quyền trong mảng kinh doanh tìm kiếm của Google.

Hoàng Anh