Máy ảnh phim chỉ còn là kỷ niệm

Mới cách đây chỉ nửa năm các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp "chê đứng chê ngồi" chất lượng hình ảnh của máy số. Nhưng giờ, những người có điều kiện về tài chính đã không ngần ngại bán tất cả các loại máy phim để tậu về chiếc camera số.

"Trước đây, chất lượng ảnh số kém hơn hình chụp từ phim về độ bão hòa màu, độ tương phản và độ sắc nét, mặc dù đã được sự hỗ trợ của photoshop. Nay, những chiếc máy ảnh tiên tiến đã phần nào cải thiện được những vấn đề trên. Nhiều người xem còn không phân biệt được ảnh chụp từ máy gì, như vậy thì còn chụp máy phim làm gì nữa cho tốn tiền", anh Dũng, một nhiếp ảnh gia ở Tân Mai, nhận xét.

Còn anh Nguyễn Hải, một cao thủ làng ảnh chuyên nghiệp, người từng được mệnh danh là kẻ "cứng đầu cứng cổ" về quan điểm chỉ chụp ảnh phim, mới hồi giữa năm 2006 tuyên bố rằng 10 năm nữa may ra mới chuyển sang kỹ thuật số để chụp ảnh. Nay, anh đã bán "cả rổ" ống kính và body Nikon F100, F5 để chuyển sang tậu Canon 1Ds và EOS-5D. "Chỉ cần giỏi thủ thuật photoshop, có nhiều kinh nghiệm trong cách xử lý tình huống khi chụp thì sẽ có được bức hình đẹp như phim", anh Hải nói.

Anh Hữu Vinh làm việc ở hiệu ảnh Thanh Thanh, phố Nguyễn Cao (Hà Nội), người có nhiều mối quan hệ với dân "phó nháy", cho biết, trong số những người mà anh quen, ngoài 100% phóng viên báo chí ra thì khoảng 90% thợ chuyên nghiệp dùng máy ảnh số cho việc mưu sinh và sáng tác. Các nhiếp ảnh gia đều có chung một nhật xét: "Cùng một địa điểm và ánh sáng như vậy, hậu cảnh của ảnh chụp từ máy số sẽ sáng hơn, đẹp hơn, màu sắc trên toàn tấm hình sẽ đều hơn".

Chỉ 10% thợ chụp ảnh còn lại dùng máy ảnh phim. Một trong những nguyên nhân khiến bộ phận này không dùng máy số là giá thành cao. Bình thường một chiếc máy phim cơ (lên phim tay để cắt phim được) chỉ vào khoảng 1 đến 3 triệu đồng. Nếu muốn mua camera số bán chuyên nghiệp trở lên, người mua phải bỏ ra ít nhất là 10 triệu đồng cho một thân máy (chưa có ống kính). Bên cạnh đó, phải có khoảng từ 700 đến 800 USD mới có thể sở hữu một "chú" Canon EOS-10D, EOS-20D, Nikon D70S, D80, D100. Đó là chưa kể cách đây vài năm, giá thành của những loại này cao gấp đôi.

Tuy nhiên, dù có dùng máy hiện đại đến mấy thì rủi ro vẫn luôn luôn thường trực bên người sử dụng. Ai là dân "prồ" lại càng quan tâm đến vấn đề này. Cả hai loại máy ảnh số và phim, đều có thể gây "tai nạn nghề nghiệp". Khi dùng máy ảnh phim thì sợ lỡ làm lộ sáng hoặc bị minilab tráng hỏng, còn với camera số thì tình huống lỗi card (thẻ nhớ) vẫn xảy ra thường xuyên. Anh Hoàng Quân, một nhiếp ảnh gia lão luyện người Hà Nội cũng từng bị lỗi thẻ nhớ ngay khi đang chụp hình cho khách. Kết quả của "tai nạn" này là hơn 100 kiểu đẹp như mơ "đi đứt" mà không làm cách nào lấy lại được.

Máy số và máy phim - khác biệt về công nghệ

Camera kỹ thuật số và phim là những thiết bị khác biệt rõ rệt về công nghệ. Trước đây, khi sử dụng máy ảnh phim, người dùng phải chờ dùng hết cả cuộn, hoặc nếu chưa hết thì phải mang ra hiệu cắt lấy đoạn chụp rồi để tráng phim. Việc này khá "lích kích" và chính là nguyên nhân khiến nhiều người ngại chụp ảnh. Hơn nữa, chụp xong rồi cũng chẳng biết hình có đẹp không, hay bị hỏng.

Mặc dù khi mới ra đời, chất lượng tấm hình trên máy ảnh số độ phân giải từ 1 đến 3 triệu điểm ảnh không đẹp bằng máy chụp phim, nhưng ngày nay, chất lượng hình ảnh của máy số đã tiến bộ vượt bậc. Máy ảnh độ phân giải từ 5 đến 10 triệu điểm ảnh xuất hiện nhiều, lại đủ chủng loại, mang lại cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết. Không chỉ dừng lại ở đó, gần đây, các hãng đã phát triển được các loại máy độ phân giải tới 16,7 Megapixel. Tuy vậy, càng hiện đại thì càng đắt tiền, ít người có thể "kham" nổi.

Sự hiện đại của công nghệ cũng làm người ta hứng thú sử dụng. Anh Bùi Bình, ở Khương Đình (Hà Nội), cho biết, thấy bạn bè có chiếc máy ảnh số hay quá đã cố gắng chắt bóp mua lấy một chiếc Sony W30, 6 "chấm". "Cả đời chẳng bao giờ chụp ảnh, thấy máy ảnh số tiện lợi và hay quá liền mua một cái, thỉnh thoảng chụp cho các con làm kỷ niệm", anh tâm sự.

Trong tương lai, sự xuất hiện các loại máy có khả năng kết nối không dây chính sẽ là bước vượt trội mới của công nghệ số mà camera phim không thể có được. Các chuyên gia về ảnh số nhận định, chỉ một vài năm nữa, máy ảnh phim sẽ không còn được bày bán và sử dụng. Rồi đây, nó sẽ chỉ còn là một sản phẩm của kỷ niệm.

Theo Hoàng Hà

Số hóa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm