Mạng MAN vẫn chưa được triển khai rộng rãi ở TPHCM

Mạng đô thị băng rộng MAN (Metropolitan Area Network) hiện nay chỉ phục vụ cho UBND thành phố và các sở, ngành. Dù hệ thống này có rất nhiều ưu điểm so với các mạng đang sử dụng, đến nay Bưu điện TPHCM vẫn chưa triển khai rộng rãi đuợc.

"Khuyết điểm duy nhất của mạng MAN là chi phí rất cao vì ngoài thiết bị đầu cuối, khách hàng phải tự đầu tư đường cáp quang đến nơi thuê bao, vỉa hè. Hiện UBND thành phố và các sở, ngành đã bao tiêu hết pha 1 nhằm đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử", ông Trịnh Thuần, chuyên gia viễn thông, Bưu điện TPHCM cho biết. 

Cũng theo ông Thuần, Bưu điện TPHCM sẽ có chính sách giá cả cụ thể cho khách hàng sử dụng mạng đô thị băng rộng. Hy vọng giá sẽ "mềm" hơn để phục vụ cho các khách hàng là công ty, nhà dân ở pha 2 và 3 trong tương lai. Mạng này trước mắt chỉ phù hợp với khách hàng là các doanh nghiệp lớn.

Sự ra đời của mạng đô thị băng rộng là đón đầu công nghệ và cần thiết vì nó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về sự đa dạng của các dịch vụ viễn thông, đáp ứng được về số lượng, chất lượng, băng thông... Ưu điểm nổi bật của mạng MAN là đường truyền tốc độ, khả năng sử dụng linh hoạt, hiệu quả cao, dịch vụ cung cấp đa dạng và nhiều tính năng.

Tốc độ đường truyền được phục vụ theo yêu cầu của khách hàng, cụ thể gói 1 là 20 Mb/giây và gói 2 là 100 Mb/giây. Cấu hình mạng: điểm - điểm (P2P), điểm - đa điểm (P2MP) và đa điểm - đa điểm (MP2MP) phù hợp cho nhiều mô hình ứng dụng. MAN áp dụng băng thông linh hoạt, hiệu quả, giảm đáng kể chi phí sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, nó còn cho phép mở rộng dễ dàng, giảm OPEX.

Bên cạnh đó, các dịch vụ cộng thêm như đảm bảo băng thông, băng thông vượt mức (theo yêu cầu và theo thời gian), lưu trữ, băng thông sạch, bảo mật tập trung, VoIP, hội nghị truyền hình trên mạng MAN, lựa chọn dịch vụ web... cũng được triển khai và cung cấp cho các kết nối mạng riêng ảo MPLS VPN.

Theo VnExpress