Luật sư giải đáp: Bấm Like, Share tin giả trên Facebook có bị phạt tiền?
(Dân trí) - Không chỉ với hành vi tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng, mà việc tương tác hay chia sẻ tin giả cũng sẽ bị xử lý theo khung hình phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Ngày 15/4 vừa qua, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử đã chính thức có hiệu lực. Trong đó, chi tiết được dư luận quan tâm nhiều nhất là bắt đầu có quy định xử phạt rõ ràng đối với các hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Cụ thể theo khoản a, điểm 1, Điều 101 của Nghị định này, hành vi lợi dụng mạng xã hội đưa tin sai, xuyên tạc... sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước hoặc đời tư của cá nhân và bí mật của người khác mà chưa được phép, sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, đã có nhiều thắc mắc xung quanh việc đưa Nghị định vào thực tiễn, như làm thế nào để xác định đâu là tin giả, tin xuyên tạc,... để từ đó đối chiếu. Hoặc nếu như người dùng không trực tiếp tung tin giả (như viết dòng trạng thái, đăng ảnh lên tường, hội/nhóm), mà chỉ ấn nút Like, Share, hoặc để lại bình luận, tag tên bạn bè,... thì liệu có bị truy cứu trách nhiệm và xử phạt theo Nghị định mới hay không.
Tin thế nào được coi là tin giả, sai sự thật, xuyên tạc?
Giải đáp cho thắc mắc này, Luật sư Quách Thành Lực, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Điểm A khoản 1 điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định sử dụng dịch vụ mạng xã hội bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
Theo kết cấu của điều luật thì người thực hiện hành vi tung tin giả, tin sai sự thật phải có lỗi (lỗi cố ý hoặc vô ý) và được cơ quan có thẩm quyền xác định, đánh giá gây hậu quả với cá nhân, cơ quan tổ chức thì xác định đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính.”
Mặc dù vậy, luật sư Lực cũng thừa nhận cho đến nay chưa có khái niệm, định nghĩa hay diễn giải cụ thể rằng thế nào là “thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm” để người dân có thể nắm được hành vi nào là vi phạm mà tránh không thực hiện.
Tuy nhiên theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì việc chứng minh rằng “thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm” thuộc về cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính chứ không thuộc về người có hành vi vi phạm.
Tức là nếu cơ quan thẩm quyền không đưa ra được các căn cứ, lập luận phù hợp thì không thể xác định người dân có hành vi vi phạm để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.
Bấm Like, Share, bình luận tin giả có bị xử phạt?
Điều luật nêu rõ hành vi vi phạm như sau: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”
“Như quy định trên thì việc người sử dụng mạng xã hội bấm Like, Share, hoặc bình luận tin giả sẽ tạo ra các tương tác khiến thông tin đó xuất hiện nhiều hơn, phổ biến rộng hơn trên tường của các trang Facebook cá nhân”, Luật sư Lực cho biết. “Điều này dường như thỏa mãn yếu tố “cung cấp, chia sẻ” để xác định đó cũng là hành vi vi phạm hành chính được nếu tại điểm a khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.”
Do đó, có thể khẳng định không chỉ với hành vi tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng, mà việc tương tác hay chia sẻ tin giả trên Facebook cũng sẽ bị xử lý theo khung hình phạt từ 10 - 20 triệu đồng theo Điểm A khoản 1 điều 101.
Tuy nhiên, có thể căn cứ vào các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để xác định trường hợp cố ý, vô ý vi phạm là cơ sở tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm vi phạm hành chính khi cơ quan chức năng tiến hành xử phạt.
Nhìn chung, người dân nên tuyệt đối cảnh giác và cẩn thận với các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin chưa được kiểm chứng.
Người dân chỉ nên tin và chia sẻ thông tin từ những nguồn tin chính thức. Các nguồn tin này bao gồm các cơ quan, tổ chức chính phủ, các tờ báo, đài truyền hình lớn, có uy tín lâu năm.
Dù được đăng tải trên Facebook bởi một người nổi tiếng, đó cũng vẫn có thể là một thông tin sai sự thật. Do vậy, người dân cần tập làm quen với việc kiểm chứng thông tin khi thu nhận được từ các trang mạng xã hội.
8 HÀNH VI VI PHẠM KHI SỬ DỤNG MXH
BỊ XỬ PHẠT 10-20 TRIỆU ĐỒNG
THEO NGHỊ ĐỊNH 15/2020/NĐ-CP
***
1/ Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
2/ Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
3/ Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
4/ Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
5/ Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành, hoặc đã có quyết định cấm lưu hành, hoặc tịch thu;
6/ Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
7/ Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
8/ Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin mạng có nội dung bị cấm.
***
Nguyễn Nguyễn