Liệu hacker có thể dễ dàng điều khiển xe hơi của bạn như trong "bom tấn" Fast 8?
(Dân trí) - Trong bộ phim chiếu rạp đình đám được khởi chiếu vào ngày 14/4 vừa qua, bên cạnh các cảnh phim hành động nghẹt thở và dàn nam diễn viên "hoành tráng", người ta còn thấy được sức mạnh của công nghệ nếu chúng rơi vào tay kẻ xấu.
Phần Fast 8 trong series phim đua xe tốc độ Fast & Furious chắc chắn là một "bom tấn" trong hè 2017, khi đánh dấu cột mốc 10,4 triệu USD (tương đương hơn 200 tỷ đồng) trong ngày đầu tiên công chiếu (14/4) tại Mỹ. Tại Việt Nam, bộ phim cũng tỏ ra đặc biệt thu hút các bạn trẻ, người yêu thích phim hành động khi hầu hết các trung tâm chiếu phim lớn tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đều chật kín ghế ngồi ở toàn bộ suất chiếu.
Những ai theo dõi bộ phim chắc hẳn đều bị choáng ngợp bởi khả năng hack "siêu hạng" của Cipher - một hacker phản diện, cho phép cô truy cập vào hàng ngàn chiếc xe trên đường phố New York thông qua hệ thống tự động lái khiến các tài xế dù đang điều khiển phương tiện cũng đột nhiên bị mất quyền kiểm soát, và chẳng còn cách nào ngoài nhìn chiếc xe của mình trở thành "tay sai" cho một nhiệm vụ phi pháp.
Không những thế, hàng loạt chiếc xe hơi dù đang đỗ ở vỉa hè, trong cửa hàng, hay trong hầm chứa đều tự khởi động và di chuyển theo điều khiển của Cipher. Chứng kiến cảnh tượng đáng kinh ngạc như vậy, ắt hẳn đã có nhiều người lo ngại rằng liệu chúng có thể xảy ra trong đời sống thực?
Chiếm quyền kiểm soát xe hơi ngoài đời thực khó hơn trong phim
Jeffrey Miller, một giáo sư nghiên cứu thuộc ngành kỹ thuật tại trường Kỹ thuật Viterbi, USC khẳng định: "Điều này là có thể. Ô tô ngày nay hầu như được kiểm soát hoàn toàn bởi các hệ thống máy tính được gọi là ECU (bộ xử lý điều khiển trung tâm) - đặc biệt là các dòng xe đời mới."
"Vì vậy, các hãng xe hoàn toàn có thể lập trình để người dùng gửi tín hiệu điều khiển xe hơi từ bên ngoài buồng lái, đồng thời kiểm soát hoàn toàn những gì đang diễn ra. Tuy nhiên họ không làm vậy vì đây không phải là một động thái thông minh, mà là một nguy cơ bảo mật rất lớn!", giáo sư Jeffrey cho biết.
Cũng bởi lý do này, rủi ro của việc bị hack từ bên ngoài là rất nhỏ đối với những dòng xe hiện đại. "Với những chiếc xe mà chúng ta đang có - ngay cả những chiếc có trang bị kết nối từ bên ngoài, thì chưa có giải pháp nào nào cho phép kiểm soát toàn bộ hành vi của chúng", Jeffrey Miller cho biết.
"Tất nhiên là bạn có thể mua một chiếc xe đời mới, và nó có thể theo dõi vị trí GPS của bạn. Nó cũng có thể mở khóa cửa từ xa nếu bạn muốn ... Nhưng việc điều khiển toàn bộ hoạt động từ xa của chiếc xe thì chưa thực sự khả thi."
Video trong bộ phim Fast 8 ghi lại cảnh "hack" hàng trăm xe ô tô trên đường phố New York.
Nhưng còn những chiếc xe có trang bị hệ thống tự lái như nguyên mẫu mà Google, Tesla và nhiều hãng công nghệ khác đang thử nghiệm thì sao? Liệu chúng có thể bị điều khiển và nắm quyền kiểm soát bởi các tín hiệu bên ngoài hay không?
Về điều này, giáo sư Miller cho biết những mẫu xe trang bị tự động lái hiện nay chỉ chủ yếu thu nhận và sử dụng các tín hiệu như định vị GPS, từ máy quay camera, và Lidar - một hệ thống cảm biến laser được sử dụng trên xe hơi của Google. Hay nói cách khác, dữ liệu sử dụng để phân tích chỉ đến từ những yếu tố bên ngoài xe hơi, bao gồm người đi đường, biển báo, đèn giao thông, các tòa nhà,...
Từ các thông tin này, có thể kết luận rằng phần mềm hệ thống trên xe hơi tự lái chỉ thiết lập ra một lộ trình định sẵn, và vẫn cần tài xế nhấn nút đồng ý; đồng nghĩa với việc mọi hành động vẫn sẽ nằm trong quyền kiểm soát của người điều khiển phương tiện. Do đó hạn chế tối đa các nguy cơ bị hack, bị chiếm quyền điều khiển giống như đề cập bên trên.
Tuy nhiên, đây vẫn có thể là mối đe dọa lớn trong tương lai
Theo chia sẻ của giáo sư, mối hiểm họa thực sự nếu có thể xảy ra, sẽ chỉ đến từ những chiếc xe "được kết nối" - nghĩa là chúng không có người lái và chỉ nhận lệnh trực tiếp từ hành khách và tự đưa ra quyết định.
Đây cũng là mô hình "mơ ước" được Uber xây dựng nhằm loại bỏ hoàn toàn các tài xế là con người, và khiến những chiếc xe trở thành dịch vụ của công chúng. Bạn sẽ không cần phải sở hữu một chiếc xe hơi, khi những chiếc xe có thể tự kết nối với bạn.
"Công nghệ sẽ tiến đến cột mốc ấy trong một ngày không xa, và tất nhiên nó sẽ gây ra những mối nguy hại rất lớn", giáo sư Miller cho biết. "Nếu ghi đè chương trình nằm trên xe, hoặc truy cập được vào nền tảng giống như hệ điều hành của chiếc xe, và cài đặt các mã lệnh kiểm soát, hacker có thể làm mọi điều mà chúng muốn".
"An ninh chắc chắn là một vấn đề rất hệ trọng, trong bối cảnh cách phương tiện kết nối trở nên phổ biến và dễ dàng hơn", Giáo sư nhận định. "Và nếu có sự can thiệp của hacker, các tình huống nguy hiểm hoàn toàn có thể xảy đến giống như sử dụng ô tô làm phương tiện vận chuyển trái phép, hoặc biến chúng thành công cụ chứa thuốc nổ."
Tuy nhiên giáo sư Miller cũng cho biết viễn cảnh những chiếc xe "bị hack" và mất quyền kiểm soát có thể sẽ cần một hoặc hai thập kỷ nữa mới trở thành hiện thực. Từ nay tới đó, các nhà nghiên cứu phần mềm, bảo mật an ninh mạng,.. chắc chắn sẽ phải trăn trở để tìm ra cách vừa tối ưu hóa kết nối, mà vẫn đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng.
Nguyễn Nguyễn
Theo Yahoo Movie