Lắp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ đầu tiên tại Việt Nam

(Dân trí) - Sáng 17/4 tại TP Vũng Tàu, hệ thống giám sát và quản lý nguồn phóng xạ đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã chính thức được lắp đặt cho thiết bị chứa nguồn phóng xạ. Đây cũng hệ thống giám sát đầu tiên được lắp đặt trên thiết bị chứa phóng xạ tại Việt Nam.

Tiến hành lắp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ đầu tiên tại Việt Nam
Tiến hành lắp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ đầu tiên tại Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở KH&CN TPHCM, Trung tâm Nghiên Cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm hệ thống giám sát và quản lý nguồn phóng xạ. Trải qua nhiều nghiên cứu, bắt đầu từ tháng 9/2014, đến nay thiết bị này đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng. 

Hệ thống giám sát và quản lý nguồn phóng xạ thông minh (iRS - Intelligent Radiation Supervisor) là một thiết bị sử dụng chip SG8V1 do Việt Nam sản xuất. Thiết bị này được lắp áp sát vàp thân của nguồn phóng xạ nhằm mục đích giám sát vị trí nguồn phóng xạ và đo suất liều bề mặt của nguồn phóng xạ. Từ đó, nguồn dữ liệu sẽ được truyền về trung tâm bằng GPRS. 

Theo như chia sẻ từ đại diện của ICDREC, hệ thống giám sát này được chia thành 2 bộ phận, gồm: phần khung thép do Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao thiết kế bo quanh thiết bị chứa chất phóng xạ và hộp định vị hình chữ nhật bằng nhựa (kích thước 5x12 cm). Tuy nhiên, việc sản xuất các khung thép phù hợp cho từng thiết bị chứa phóng xạ cũng là điểm khó khăn trong lúc sản xuất. 

Tiến hành lắp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ đầu tiên tại Việt Nam
 Ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc Trung  tâm Nghiên Cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC)

Trao đổi với Dân trí, ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC cho biết: “Hiện nay tại TPHCM có 124 thiết bị chứa phóng xạ thường xuyên được di chuyển trong quá trình sử dụng, nằm trong sự quản lý của TPHCM. Tuy nhiên, mỗi thiết bị chứa phóng xạ lại có thiết kế khác nhau với đủ kích cỡ, hình dạng… Do đó, việc chế tạo khung để giữ thiết bị vô cùng khó khăn bởi số lượng quá nhỏ, nâng chi phí cao, khác với việc sản xuất với số lượng lớn. Tuy nhiên, về cơ bản gần như đã hoàn tất nhưng đến đầu tháng 5 năm nay sẽ đủ 124 bộ để lắp đặt cho 124 thiết bị chứa phóng xạ trong địa bàn TPHCM.” 

Sau khi được lắp đặt, thiết bị chứa nguồn phóng xạ sẽ được quản lý bởi một phần mềm trực tuyến để định vị và kiểm tra các chuyển động dựa trên hệ thống GPS, hệ thống báo tin GSM/GPRS… tích hợp trên hệ thống giám sát.

Cụ thể, khi thiết bị đứng yên, cứ 10 giờ, định vị sẽ gửi thông báo về trung tâm. Song song đó khi di chuyển, phần mềm trực tuyến cũng vẽ lại hành trình của thiết bị để quản lý. Cùng môt lúc, phần mềm này có thể quản lý được 10.000 hoặc thậm chí 50.000 thiết bị. Nếu hệ thống này bị tháo rời khỏi thiết bị hoặc có tác động gỡ bỏ, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo khẩn về trung tâm. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý. 

Theo đại diện của Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao, việc lắp đặt hệ thống vào thiết bị chứa nguồn phóng xạ bằng đinh tán chết, thời gian để lắp đặt là khá nhanh, chỉ tốn chưa đầy 1 phút 30 giây. Việc tháo mở thì không khó, tuy nhiên, chỉ một cử động lắc nhẹ vào thiết bị, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo khẩn về trung tâm để kịp thời can thiệp và quản lý. Chính việc này sẽ giúp kiểm soát thiết bị chứa phóng xạ tốt hơn. 

  
Video lắp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ đầu tiên tại Việt Nam

Ngoài ra, hệ thống giám sát và quản lý nguồn phóng xạ đầu tiên do Việt Nam sản xuất được chia ra hai loại, gồm" iRS-0415A với chức năng định vị nguồn phóng xạ và iRS-0415B tiên tiến hơn khi được tích hợp thêm chức năng đo suất liều (giám sát suất liều bề mặt nguồn phóng xạ).

Dựa trên những thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại Việt Nam có gần 4.000 thiết bị chứa phóng xạ đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, y tế, hải quan… thì công tác quản lý các thiết bị này trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt là sau sự cố mất nguồn phóng xạ tại TPHCM vào tháng 9/2014, hay mới đây nhất là mất thiết bị chứa phóng xạ tại Vũng Tàu vừa phát hiện vào ngày 1/4/2015 mà đến nay vẫn chưa tìm thấy. Thậm chí, chưa kể đến việc các thiết bị chứa phóng xạ còn xảy ra một số sự cố liên quan như: Sự cố báo động nguồn giả, Sự cố phát hiện nguồn phóng xạ nằm ngoài tầm kiểm soát, Sự cố kẹt nguồn, rơi nguồn… 

Chính vì vậy, việc lắp đặt hệ thống giám sát và quản lý nguồn phóng xạ là điều cần thiết, cấp bách hiện nay nhằm giúp đảm bảo các thiết bị chứa phóng xạ được bảo vệ và kiểm tra nghiêm ngặt, chống mất trộm, gây ảnh hưởng đến an sinh của xã hội. 

Một số hình ảnh lắp  hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ đầu tiên tại Việt Nam

Công cụ để kỹ thuật viên tiến hành lắp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ
Công cụ để kỹ thuật viên tiến hành lắp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ
Thiết bị chứa phóng xạ được cách ly
Thiết bị chứa phóng xạ được cách ly
Tiến hành lặp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ
Tiến hành lặp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ
Tiến hành lắp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ đầu tiên tại Việt Nam
Thời gian lắp đặt chưa đến 1 phút 30 giây
Luôn có thiết bị bên cạnh để theo dõi sự an toàn của nồng độ phóng xạ
Luôn có thiết bị bên cạnh để theo dõi sự an toàn của nồng độ phóng xạ
Sau khi lắp đặt, người quản lý có thể kiểm tra và giám sát thiết bị này an toàn hơn
Sau khi lắp đặt, người quản lý có thể kiểm tra và giám sát thiết bị này an toàn hơn
Quốc Phan
Quốc Phan

Quốc Phan