“Làm khoa học cần phải lăn vào thực tế”

(Dân trí) - Đó chia sẻ của PGS.TS Hồ Chín chủ biên công trình “Nghiên cứu điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 1980-1987” được nhận Giải thưởng Khoa học tự nhiên năm 2013. Một công trình nghiên cứu đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Đồng Tháp Mười.

Ảnh: Hữu Nghị
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trao giải cho PGS.TS Hồ  Chín (Ảnh: Hữu Nghị

Trước hết xin chúc mừng đề tài của nhóm tác giả do PGS chủ biển đã được trao Giải thưởng Khoa học Tự nhiên -  Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2013.

Được biết năm 2012 PGS cũng đã vinh dự nhận giải thưởng này với tư cách là cộng sự của GS Nguyễn Sinh Huy. Tuy nhiên năm nay GS lại tiếp tục nhận giải thưởng với tư cách là chủ biên một công trình khoa học đã biến vùng “đất chết” Đồng Tháp Mười thành một vựa lúa lớn nhất cả nước. Có sự cảm nhận khác biệt giữa hai lần nhận giải thưởng này không thưa PGS?

PGS.TS Hồ Chín: Cả hai lần nhận giải thưởng tôi đều có cảm xúc như nhau. Mặc dù là hai công trình nghiên cứu nhưng nó lại có mối quan hệ khá mật thiết với nhau. Các nhà khoa học đã cộng tác với nhau tìm lời giải đáp cho bài toán Đồng Tháp Mười (ĐTM) và sau này là thoát lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên.
 
PGS.TS Hồ Chín - Chủ nhân Giải thưởng Khoa học Tự nhiên 2013

PGS.TS Hồ Chín - Chủ nhân Giải thưởng Khoa học Tự nhiên 2013
 

Giai đoạn đầu nghiên cứu về ĐTM rất là khó khăn. Sau khi đất nước giải phóng thì vùng đất này không chỉ khó khăn vì không có kinh phí, địa phương thì thiếu lương thực, điều kiện tự nhiên thì rất khắc nhiệt như đất thì nhiễm phèn, mùa lũ nước bị ngập sâu. Đây cũng là bài toán mà các nhà khoa học cần tập trung giải quyết.

Nhiều nhà khoa học trong và nước ngoà thời điểm đó khuyên là đừng có khai thác ĐTM vì nó không có lợi và không thể sản xuất lúa. Lúc đó vùng nghiên cứu của chúng tôi thuộc vùng đuối nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nói về ĐTM người ta nghĩ ngay đến vấn đề phèn. Vậy giải quyết bài toán này như thế nào? Nếu chỉ có một chuyên ngành nói về phèn thì không thể giải quyết được vấn đề. Do đó, khó nhất là tìm ra được ý tưởng, phương pháp nghiên cứu và nội dung nghiên cứu. Ví dụ về phèn thì chúng tôi phải nghiên cứu về địa chất, nguồn gốc sinh phèn. Chỗ nào là sinh phèn thực sự, chỗ nào chỉ bị nhiễm phèn. Chính vì làm rõ được vấn đề này mà người dân mới sinh ra hai vấn đề để giải quyết: một là ém phèn, hai là cho phèn nó hoạt động 100%.
 
Đồng Tháp Mười trước kia là vùng hoang hóa, nhiễm phèn nặng

Đồng Tháp Mười trước kia là vùng hoang hóa, nhiễm phèn nặng

Từ câu chuyện phèn người ta thấy vấn đề về nước hết sức quan trọng và sau đó đã tổ chức một hội nghị lớn bàn về chủ đề này. Cái dễ nhất để thực hiện vấn đề về nước đó chính là vùng Tứ giác Long Xuyên.

Trong quá trình thực hiện công trình nghiên cứu hẳn PGS sẽ có những ấn tượng sâu sắc mà đến ngày hôm nay mà không thể nào quên?

PGS.TS Hồ Chín: Cái ấn tượng sâu sắc nhất đó chính là từ cái khó khăn không hiểu được mà lần mò tìm ra được bước đi. Ví dụ như, lúc trước mỗi cơ quan có một số chuyên môn thôi nhưng để giải quyết ĐTM thì phải có nhiều chuyên môn. Và quan trọng nhất là chúng ta phải “khâu” các chuyên môn đó lại. Đây chính là thắng lợi của chúng ta.

Tôi vẫn nhớ vào tháng 3/1993, lúc đó chúng tôi đang khảo sát thực địa ở vùng đất Đồng Tháp giám Campuchia thì Thủ tướng, lúc đó là đồng chí Võ Văn Kiệt cho gọi về Sa Đéc để báo cáo những việc mình đã làm, những thuận lợi, khó khăn của vùng mình nghiên cứu.

Thủ tướng có đưa ra một câu nhận xét: “Lần đầu tiên tôi thấy các nhà khoa học đã may được một chiếc áo lành lặn không phải áo cà sa manh mún”

Chỉ cần suy nghĩ một chút thì chúng ta hiểu được hàm ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong điều tra cơ bản thì anh địa chất làm riêng, thổ dưỡng làm riêng, thực vật làm riêng, nước làm riêng nhưng bây giờ mình vẫn làm những cái đó nhưng “khâu” nó lại. Đây là vấn đề mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất và thắng lợi chính là xuất phát từ đây mà ra.

Điều khó khăn nhất khi thực hiện công trình nghiên cứu là gì thưa PGS?

PGS.TS Hồ Chín: Khó khăn thì rất nhiều bởi ĐTM là hoang hóa. Khi chúng tôi bắt đầu làm thì diện tích hoang hóa khoảng 350.000 ha trong tổng diện tích khoảng gần 700.000 ha, tức là hơn 50% diện tích là hoang hóa. Vùng sản xuất được lúa chỉ có khoảng 180.000 ha nhưng là lúa mùa nổi, mùa vụ năng suất thấp.
 
Đồng Tháp Mười ngày nay đã trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước

Đồng Tháp Mười ngày nay đã trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước

Thắng lợi của chúng tôi là xây dựng được cơ sở khoa học chỉ được chỗ nào sản xuất lúa năng suất cao. Thắng lợi nhất là bỏ tập quán sản xuất cũ chuyển sang sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu và hiện nay là Thu Đông. Cho nên từ diện tích cho năng suất 1-2 tấn/ha thì bây giờ năng suất có thể lên đến 10-12 tấn/ha. Thí dụ như ở Đồng Tháp là đơn vị làm đâu tiên thì toàn tỉnh chỉ có khoảng 500.000 tấn lương thực, hiện nay đã là hơn 3 triệu tấn.

Công trình nghiên cứu tính đến này đã hơn 25 năm nhưng vẫn còn những giá trị sử dụng rất to lớn. Tuy nhiên với việc biến đổi khí hậu, vùng đất, vùng nước…bị ảnh hưởng tương đối hẳn sẽ phải có những nghiên cứu tiếp theo về ĐTM. PGS có trăn trở gì hay không?

Hiện tôi cũng có nhiều trăn trở về các vấn đề của ĐTM. Vừa rồi chúng tôi có góp ý với các địa phương, nếu muốn phát triển tiếp thì phải điều tra diễn biết tự nhiên, kinh tế, xã hội qua quá trình khai thác thì mới định hướng sắp tới có cơ sở hơn. Hiện nay thường là người dân tự khai phá. Hồi xưa chúng tôi chỉ chỗ này trồng tràm nhưng nay qua quá trình khai thác chỗ phèn được cải tạo cho nên người ta phá tràm hết. Điều tôi boăn khoăn nhất đó là rừng tràm sẽ không còn ở ĐTM.

Điều tôi trăn trở thứ 2 đó là lũ về thì nó có quy luật nhưng hiện nay do quy luật phát triển, kết hợp với các trục giao thông…nên dòng chảy rất là phức tạp. Chính vì thế cái này cần phải bình tĩnh, nghiên cứu cho nó kỹ quá trình diễn biến để tiếp tục làm tốt hơn.

Tóm lại, chúng ta phải hiểu được tiềm năng của đất đai, nguồn nước mặn, tiềm năng mùa lũ …thì mới quy hoạch chính xác được. Cần phải giảm sản xuất theo truyền thống nhỏ lẻ để đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại. Cho nên quy hoạch bây giờ phải khác ngày xưa, ngày đó chúng ta cần lúa nhưng bây giờ là cần phát triển bền vững.

Hiện nay vấn đề bền vững của mình sắp tới phải đối mặt đó quá trình biến đối khí hậu, vấn đề nước ở ĐTM là chưa giải quyết được. Mặc dù trong cái lũ có hai thuộc tính đó là tốt và xấu, tốt vẫn là mặt trội nhưng mặt xấu vẫn còn, vấn đề này cần phải tiếp tục nghiên cứu. Bên cạnh đó chúng ta phải làm thế nào cho người nông dân có thu nhập cao hơn. Nếu chỉ độc canh cây lúa không thì cũng không ổn, chúng ta phải tính xen canh như thế nào, đưa cây gì vào…

Không ít thế hệ trẻ rất đam mê với khoa học cơ bản và muốn dấn thân để công hiến. PGS có lời khuyên gì đối với các nhà khoa học trẻ?

PGS Hồ Chín: Hiện nay chúng ta cần phải giải quyết các vấn đề do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tạo ra. Chính vì thế, chúng ta phải làm sao để những người nghiên cứu khoa học đi cùng hướng với xu thế phát triển thì mới có tác dụng, còn đi bên lề thì không được. Nếu muốn đi cùng hướng thì đòi hỏi anh phải lăn vào thực tế, hiểu được thực tế thì mới đánh giá được tiềm năng của nó.

Hồi chúng tôi làm nghiên cứu làm gì có nhiều kinh phí đâu, phải đi thực địa có khi đi bộ vào vùng khó cả chục cây số. Ngày nay khi nói đến nghiên cứu thì lại phải đòi hỏi có kinh phí.

Xin cảm ơn PGS!

Nguyễn Hùng (thực hiện)