Làm gì khi phần cứng PC bị lỗi?
(Dân trí) - Khi sử dụng máy tính ta hay gặp những lỗi về phần cứng khá cơ bản, mặc dù có thể khắc phục được nhưng chúng ta lại không dám đụng vào. Sau đây xin giới thiệu một số lỗi cơ bản và cách khắc phục chúng.
1. Bad ổ cứng
Dấu hiệu: - Trong lúc đang cài đặt Windows hệ thống bị treo mà không hề xuất hiện một thông báo lỗi nào (đĩa cài đặt Windows vẫn còn tốt), mặc dù vẫn có thể dùng Partition Magic phân vùng cho HDD một cách bình thường.
- Tiến hành Fdisk thì báo lỗi "nofixed disk present" nên không thể thực hiện được. Đang Fdisk máy bị treo giữa chừng. Format ổ cứng thì máy báo lỗi Badtrack 0 và không cho format. Đang chạy bất kì ứng dụng nào, nhận được một câu thông báo như ‘Error reading data on dirver C:, Retry, Abort, Ignore, fail?’ Hoặc ‘A serious error occur when reading driver C:, Retry or Abort?’.
- Khi chạy Scandisk hay NDD (Norton Disk Doctor) hay bất kỳ phần mềm kiểm tra bề mặt đĩa (surface scan) nào, ta sẽ gặp rất nhiều bad sector.
Khắc phục: Dùng các chương trình trong đĩa Hiren’s Boot để xử lý.
- Cách 1: Dùng Norton Disk Doctor và partition Magic kiểm tra và cắt bỏ chỗ bad.
Đầu tiên khởi động từ đĩa Hiren’s Boot, ở menu của chương trình chọn mục 6. Hard Disk Tools, chọn tiếp 6. Norton Utilities, chọn 1.Norton Disk Doctor. Xác định chỗ bad bằng NDD, sau đó tiến hành chạy chương trình Partition Magic cắt bỏ phần bị bad bằng cách đặt partition chứa đoạn hỏng đó thành Hide Partition.
Ví dụ: khoảng bị bad từ 6.3GB đến 6.6GB, bạn chia lại partition, chọn partition C đến 6GB, partition D bắt đầu từ 7GB, cứ như thế bạn tiến hành loại bỏ hết hẳn phần bị bad.
Cách này sử dụng rất hiệu quả tuy nhiên nó chỉ khắc phục khi đĩa cứng của bạn có số lượng bad thấp.
- Cách 2: dùng chương trình HDD Regenerator.
Các nhà sản xuất luôn để dự phòng một số sector trên mỗi track hoặc cylinder, và thực chất kích thước thực của sector vẫn lớn hơn 512bytes rất nhiều (tùy loại hãng đĩa). Như thế nếu như số sector bị bad ít hơn số dự phòng còn tốt thì lúc này có thể HDD Regenerator sẽ lấy những sector dự phòng còn tốt đắp qua thay cho sector bị hư ổ cứng sẽ hoạt động tốt trở lại. Nếu lượng sector dự phòng ổ cứng ít hơn thì ổ cứng sẽ còn bị bad một ít thì có thể trở lại dùng Cách 1.
Cách thực hiện:
Khởi động hệ thống từ đĩa Hiren’s Boot. Cửa sổ đầu tiên xuất hiện, chọn 6.Hard Disk Tools, chọn tiếp 2. HDD Regenerator, bấm phím bất kì để xác nhận. Kế đến ở dòng ‘Starting sector (leave 0 to scan from the beginning)’ gõ vào dung lượng lớn nhất hiện có của HDD, gõ xong bấm Enter để chương trình thực hiện. Thời gian chờ, tùy thuộc vào dung lượng đĩa và số lượng bad.
2. Hư cơ ổ cứng
Dấu hiệu: Khởi động máy nghe tiếng kêu rẹc rẹc, giật ngắt quãng và không thể dectect được ổ cứng. Những tiếng kêu này diễn ra liên tục, lúc đầu tiếng kêu khá nhỏ nhưng sau đó tiếng kêu lớn dần lên.
Khắc phục: Hiện tại ở Việt Nam ổ cứng bị hư cơ chưa có nơi nào có thể sửa chữa được. Vì thế khi bị hiện tượng này thì bạn phải chịu cảnh mất hết dữ liệu và thay cho máy tính của mình bằng một ổ cứng mới.
3. Lỏng hoặc chết Ram
Dấu hiệu: Khởi động lên máy liên tục kêu …tit..tit.. một quãng dài. Tiếng kêu này báo hiệu là hệ thống không tìm thấy Ram đâu cả.
Khắc phục: Tháo Ram ra cắm lại cho chắc chắn. Nếu vẫn còn bị thì tháo Ram ra làm sạch khe cắm Ram, riêng với Ram có thể dùng xăng hoặc cục gôm làm sạch phần tiếp xúc của Ram vào khe cắm vào mainboard. Nếu làm cả hai trường hợp trên mà không được thì rất có thể Ram đã bị chết, cách tốt nhất là chúng ta đem đi bảo hành hoặc mua Ram mới.
4. Màn hình xuất hiện màu xanh
Thông thường máy bị màn hình xanh điều người ta nghĩ đến đầu tiên là lỗi hệ điều hành. Nhưng khi đã cài lại hệ điều hành mà vẫn bị thì rất có khả năng Ram đã bị lỗi.
Để phát hiện và khắc phục hiện tượng này thì trước hết chúng ta phải thay Ram để kiểm tra coi phải lỗi ở đó hay không. Sau đó tiến hành làm sạch Ram gắn trở lại vào, nếu vẫn bị hiện tượng trên thì tốt nhất là nên sử dụng cây Ram mới cho chắc ăn.
5. Lỗi do quạt CPU
Dấu hiệu: Khởi động máy vẫn lên hệ điều hành và chạy bình thường. Nhưng chạy được một lúc tự nhiên màn hình bị đơ không thể điều khiển được. Khởi động máy lại cũng chạy được một lúc rồi bị y như cũ. Lúc này có thể khẳng định rằng quạt CPU của máy đang gặp trục trặc.
Khắc phục: Để xử lý sự cố này chúng ta nhanh chóng mở máy ra kiểm tra lại chân cắm nguồn của quạt CPU, làm vệ sinh cho quạt sạch sẽ, tra thêm ít dầu máy vào để tạo nên độ nhạy. Trường hợp quạt vẫn không quay trở lại thì cách tốt nhất là chúng ta nên thay quạt cho máy tính.
6. Phù tụ Mainboard
Dấu hiệu: Hiện tượng máy hay treo giữa chừng (màn hình đứng cứng không làm gì được, thậm chí nút Reset cũng không tác dụng, chỉ có rút điện nguồn mới OK) máy chạy không ổn định, chập chờn. Mở máy ra quan sát trên mainboard thấy các tụ điện bị phồng lên, có thể khẳng định rằng máy đang bị phù tụ
Khắc phục: Nếu mainboard bị phù tụ thì cách tốt nhất người dùng đem máy ra các trung tâm sữa chữa vi tính để sữa chữa. Nếu có kiến thức về điện tử có thể ra mua tụ về thay thế, còn không thì nên để các chuyên gia làm công việc này.
7. Pin Bios bị hỏng
Dấu hiệu: Khởi động máy hệ điều hành không chịu lên, hoặc vào hệ điều hành thì thấy ngày tháng cách đó cả thập kỉ trước. Chỉnh lại ngày tháng trong CMOS nhưng khi tắt nguồn hoặc cúp điện xong mở lên lại trở về như cũ. Lúc này pin Bios đã bị hư.
Khắc phục: Một cách khá đơn giản là chúng ta mở máy ra tìm cục pin hình tròn giống pin đồng hồ điện tử nhưng to hơn một chút tháo bỏ. Chạy ra cửa hàng vi tính mua một viên pin mới để thay vào, sau đó tiến hành vào CMOS để chỉnh lại ngày tháng ở thời điểm hiện tại.
Lê Mỹ
Tổng hợp