Sản phẩm CNTT vào Chung khảo NTĐV 2015

Kính thông minh dành cho người khuyết tật “made in Việt Nam”

(Dân trí) - HandiGlass là chiếc kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật điều khiển con trỏ chuột máy vi tính thông qua cử chỉ. HandiGlass có thiết kế đơn giản, gọn nhẹ và là một sản phẩm được phát triển tại Việt Nam bởi người Việt Nam.

Người khuyết tật luôn chịu thiệt thòi trong cuộc sống, từ những sinh hoạt hàng ngày, học tập và cả việc tiếp cận công nghệ, một vấn đề quen thuộc trong thời đại phát triển và bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Điều này làm hạn chế, thiệt thòi cơ hội phát triển năng lực bản thân, cơ hội việc làm tốt, gia tăng thêm sự phụ thuộc của nhóm người khuyết tật này.

Mặt khác, các sản phẩm hỗ trợ cho người khuyết tật trên thị trường nước ngoài chủ yếu sử dụng cơ học, cồng kềnh, khó sử dụng và mất một thời gian dài để sử dụng và làm quen.

Trước thực trạng này, hai tác giả Lê Anh Tiến và Lê Hoàng Anh (Đà Nẵng) đã chế tạo và phát triển dòng sản phẩm kính thông minh HandiGlass giúp người khuyết tật có thể sử dụng máy vi tính, một công cụ vô hữu ích trong việc tiếp cận thông tin hiện nay.

HandiGlass là chiếc kính thông minh giúp người khuyết tật điều khiển và sử dụng máy tính, được phát triển tại Việt Nam
HandiGlass là chiếc kính thông minh giúp người khuyết tật điều khiển và sử dụng máy tính, được phát triển tại Việt Nam

HandiGlass là chiếc kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật điều khiển con trỏ chuột máy vi tính. HandiGlass có thiết kế đơn giản, gọn nhẹ. Người dùng có thể dễ dàng sử dụng thông qua cử chỉ. Chúng ta có thể di chuyển con trỏ chuột máy tính bằng việc nghiêng đầu theo các hướng. Nhấp chuột bằng cách nhìn vào vị trí cần nhấp (nhấp chuột trái : thời gian nhìn <0.3 giây, nhấp chuột phải: thời gian nhìn > 0.3 giây). Hơn nữa người dùng có thể sử dụng bàn phím thông qua việc nhấp chuột vào bàn phím ảo.

Kính sử dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây RF. HandiGlass là thiết bị độc lập nhờ sử dụng năng lượng từ pin nhỏ được gắn ở gọng kính. Chỉ cần kết nối với máy tính bằng một thiết bị nhận thông qua chuẩn USB, máy tính sẽ tự động nhận thiết bị và người dùng đã có thể sử dụng thoải mái mà không phải phụ thuộc vào bất cứ phần mềm nào.

Tính đến nay, với sự hỗ trợ từ Quỹ sáng kiến Be Change Agents 2014, nhóm tác giả đã sản xuất thành công 25 sản phẩm kính thông minh và được sử dụng tại Trung tâm khuyết tạt thành phố Đà Nẵng.

Nhóm tác giả cho biết, trong quá trình thử nghiệm, 100% người khuyết tật sử dụng thử sản phẩm đều cho biết cảm thấy hài lòng với HandiGlass.

Hiện tại ở thị trường trong nước chưa có một doanh nghiệp nào sản xuất hay kinh doanh các sản phẩm tương tự, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với HandiGlass, điều này cho thấy sự tiên phong của một sản phẩm nhiều ý nghĩa.

Trong tương lai, nhóm tác giả đặt ra mục tiêu sẽ cải tiến thuật toán để HandiGlass tự nhận dạng và đặt ngưỡng phù hợp với từng người dùng, nâng cấp thêm các tính năng cho HandiGlass như điều khiển thiết bịđiện dân dụng, nâng cấp tính năng dẫn đường cho người khiếm thị, nâng cấp tính năng phát hiện và cảnh báo buồn ngủ dành cho tài xế lái xe ô tô...

Nhận thấy những tiềm năng to lớn và lợi ích xã hội của HandiGlass, Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015 đã quyết định chọn HandiGlass là một trong chín “sản phẩm công nghệ thông tin triển vọng” để lọt vào vòng Chung khảo của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay.

Video thực tế kính thông minh HandiGlass dành cho người khuyết tật

T.Thủy

Kính thông minh dành cho người khuyết tật “made in Việt Nam” - 2