1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Khi nhà mạng bắt đầu “đói”…

(Dân trí) - Trong một ngày cuối năm Quý Tỵ, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel - đã trao đổi với báo chí về xu hướng chuyển dịch của các nhà mạng trong năm 2014 khi “miếng bánh” alo đang bị co lại…

Cần có mối đe doạ để đổi mới sáng tạo

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn Viettel - cho rằng sự chuyển dịch của ngành viễn thông đã xảy ra nhưng có thể chúng ta không để ý và phát hiện ra. “Nếu để ý trên hoá đơn điện thoại của mình, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra sự chuyển dịch này. Hiện nay, ở Hàn Quốc, Nhật Bản… thoại chỉ chiếm khoảng 30-35%. Như vậy là miếng bánh alo của các doanh nghiệp viễn thông đang bị co lại”, lãnh đạo Viettel nhấn mạnh.

Trước hiện tượng này, các doanh nghiệp viễn thông hoặc là muốn cản trở quá trình này, làm cho tốc độ nhỏ đi của miếng bánh chậm lại, hoặc có cách ứng xử thứ hai tích cực hơn là đi tìm cái mới, miếng bánh mới, thị trường mới, lĩnh vực mới.

Ông Hùng cho rằng cách suy nghĩ sẽ quyết định cách hành động trước xu hướng dịch chuyển của lĩnh vực viễn thông. Viettel chọn cách thứ hai. Thực ra, theo vị lãnh đạo này, Viettel đã chủ động đi tìm miếng bánh mới từ cách đây hơn nửa thập kỷ khi bắt đầu đầu tư ra nước ngoài. Hiện giờ Viettel đến được 9 quốc gia, đó là những nơi điện thoại mật độ đang thấp hoặc đất nước đó đang còn ít công ty thì Viettel vào làm công ty thứ 3, thứ 4. Tuy nhiên ông Hùng cho biết những cơ hội đó giờ cũng không còn. “Thế giới bây giờ mật độ điện thoại đã lên tới 96%, có nghĩa là, nếu tiếp tục đầu tư nước ngoài bằng nghề điện thoại thì không còn cửa”.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel

Ông Hùng nói rằng Viettel hôm nay cũng đã bắt đầu ì ạch và cần một cú huých, một sự đe doạ về doanh thu suy giảm nhanh để đổi mới, để sáng tạo. “Bình thường con người rất ít khi chủ động đi tìm cái mới nếu như mình đang yên ổn. Khi đang ổn, họ nghĩ đến việc hưởng thụ. Không phải vô cớ mà huyền thoại Steve Jobs của Apple luôn rất nhấn mạnh từ “Đói khát”. “Đói khát” là động lực rất quan trọng của quá trình đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, sự co lại của alo là một cơ hội, một cú huých cho Viettel”, Phó TGĐ Viettel tỏ ra lạc quan khi đứng trước áp lực từ sự biến đổi của ngành viễn thông với sự đe doạ về doanh thu trong lĩnh vực di động.

Ông Hùng nhận thấy quá trình chuyển đổi từ alo sang những dịch vụ khác chỉ mới có một vài quốc gia làm được. Ví dụ như Hàn Quốc, họ còn nhanh chân hơn Mỹ. “Nhìn câu chuyện Hàn Quốc mới hiểu đó là tầm nhìn, là ý chí. Nếu Viettel cũng nhanh chân hơn các doanh nghiệp viễn thông khác (hiện vẫn đang mải mê giữ miếng bánh alo, chưa kịp đổi mới) để chuyển đổi sang các dịch vụ phi thoại thì không những làm cho Viettel phát triển mà chúng ta còn có thể lập được kỳ tích giống như Samsung của Hàn Quốc”.

Đã đến lúc đi tìm “miếng bánh” mới

Ông Hùng cho biết Viettel đã nhìn thấy thị trường rất rộng lớn của miếng bánh mới, đó là tích hợp công nghệ thông tin cùng viễn thông vào thiết bị điện tử chuyên ngành. Công thức này có thể ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ví dụ như câu chuyện trừ tiền điện theo giờ. Giờ cao điểm giá cao, giờ thấp điểm giá thấp (điện giờ cao điểm thì thiếu, giờ thấp điểm về đêm thì thừa) chỉ cần cắm sim vào công tơ điện và cài đặt phần mềm là chúng ta làm được. Một vài tính năng mới được đưa thêm vào mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho ngành điện, mà viễn thông vẫn có tiền và lập tức có thêm 22 triệu khách hàng là các hộ gia đình đang dùng điện.

Theo nhà quản lý của Viettel, một lĩnh vực khác cũng rất cần được triển khai sớm đó là y bạ điện tử. Chúng ta đi khám mất nhiều tiền, xong một thời gian thường không để ý và vứt đi các xét nghiệm. Khi đi khám lần sau, lại chụp lại, nhưng không có so sánh của quá khứ, vừa khó cho bác sĩ lại khó cho chính bệnh nhân. Y bạ điện tử có nghĩa là dù 30 năm hay 50 năm thì chúng ta vẫn lưu lịch sử mỗi lần khám. Ở các nước tiên tiến, người ta còn đã sản xuất các thiết bị y tế đeo tay. Ví dụ như thiết kế một thiết bị đo tim, nhắc nhở chúng ta khi nhịp tim lên tới trên 100, nhắc chúng ta phải uống thuốc để bảo vệ sức khỏe. Hoặc câu chuyện tiêu hao calo, có thiết bị y tế đeo tay sẽ nhắc nhở mọi người mức thừa thiếu và đưa ra giải pháp.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã chia sẻ những trăn trở của mình trong lĩnh vực giáo dục. Ông nói rằng, chắc ít người dám nghĩ là sẽ có một trường chất lượng cao như trường Amsterdam ở Yên Bái. Nhưng nếu các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào lĩnh vực truyền hình thì điều này là hoàn toàn khả thi.

Viettel sẽ đưa truyền hình cáp đến các hộ gia đình, rồi đầu tư để những thầy giáo giỏi nhất nước dậy trên truyền hình, phát sóng liên tục 24/24h để trẻ em ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam cũng đều bình đẳng với nhau về cơ hội học tập.

Ông Hùng cho biết Viettel cũng có giấc mơ làm một kênh lịch sử phát suốt ngày và có thể xem lại nếu cần, trẻ em ở nhà có thể học được. Khi đó, con em chúng ta đến trường có nhiều thời gian hơn để chơi, để trò chuyện, có nhiều thời gian để học làm người bởi hiện nay trường học dạy chữ quá nhiều. “Đến trường là để học giao tiếp cộng đồng thì phải thực sự là nơi dạy giao tiếp, học chơi, học nói chuyện với nhau và học làm người. Nếu tưởng tượng như vậy thì sẽ có nhiều thứ để làm và điều đó chỉ làm cho đất nước mình hiệu quả hơn, chất lượng hơn”, lãnh đạo Viettel chia sẻ suy nghĩ của mình về phương thức giáo dục hiện nay.

Ông Hùng nhấn mạnh, những ví dụ trên này cho thấy, khi nhà mạng bắt đầu “đói” sẽ bắt đầu đi tìm những mảnh đất mới và những mảnh đất này làm cho đất nước tốt lên, các lĩnh vực sẽ “thông minh” hơn. “Bình thường chúng ta sẽ không làm, không thay đổi nếu không “đói khát”. Đó là điều tự nhiên của con người. Ngành viễn thông 100 năm nay mới bắt đầu “đói khát”. Ngành này đã trở nên quá cũ kỹ khi quá lâu vẫn bán một dịch vụ là thoại và tin nhắn. Song, đã đến lúc “đói khát” và viễn thông buộc phải đổi mới và sáng tạo”, Phó TGĐ Viettel chờ đợi sự đổi mới của ngành viễn thông trong tương lai.

Khôi Linh