Khi lượt “Like” trên Facebook bị biến thành công cụ làm chính trị béo bở

(Dân trí) - Trong vụ bê bối mới nhất của Facebook, công ty phân tích ứng dụng Cambridge Analytica của Anh đã thu thập trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook. Điều đáng nói là chính công ty này lại cung cấp dịch vụ tư vấn dữ liệu cho phe của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Các thuật toán mà công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica sử dụng sẽ “sục sạo” các thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook, phán đoán giới tính, chủng tộc, xu hướng tình dục, thậm chí là cả trình độ học vấn và những bi kịch thời niên thiếu của họ.

Nghe có vẻ quá viễn tưởng ư? Không hề. Chỉ cần phân tích vài chục lần bấm “like” của một người dùng, Cambridge Analytica có thể dự đoán tương đối chắc chắn về việc người dùng đó có khuynh hướng bỏ phiếu cho đảng nào, hé lộ giới tính của họ, cũng như việc bạn tình của họ là nam giới hay phụ nữ.

Thao tác bấm “like” tưởng chừng đơn giản cũng sẽ cung cấp những manh mối quan trọng về việc liệu gia đình của người dùng trong thời niên thiếu có hạnh phúc hay không, hay họ có từng bị lạm dụng và chịu đựng những bi kịch tinh thần hay không. Thuật toán của CA có thể tìm ra tất cả những điều đó mà không cần phải sục sạo vào tin nhắn cá nhân, các bức ảnh hoặc mọi thông tin khác mà bạn đăng tải hoặc cung cấp cho Facebook.

Các nhà nghiên cứu từng phân tích trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ rằng, “các công ty thương mại, các tổ chức chính phủ, hay thậm chí là bạn bè Facebook của bạn có thể sử dụng phần mềm để phân tích được quan điểm chính trị, mức độ thông minh của bạn, dù bạn vốn không có ý định chia sẻ”.


Facebook đang rơi vào vụ bê bối thu thập trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng.

Facebook đang rơi vào vụ bê bối thu thập trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng.

Dễ dàng nhận thấy là với những công ty như Cambridge Analytica, các phân tích nói trên đã trở thành cơ hội kinh doanh tuyệt vời.

Năm 2013, một học giả của Đại học Cambridge Anh đã phát triển một ứng dụng kiểm tra tâm lý trên nền Facebook. Khi người dùng đăng ký tham gia kiểm tra, họ sẽ được trả tiền. Tuy nhiên sau đó, cơ sở dữ liệu kết quả đã được học giả này bán lại cho Cambridge Analytica.

Cơ sở dữ liệu này không chỉ bao gồm kết quả của các bài trắc nghiệm tâm lý mà người dùng tham gia, mà nó còn thu thập dữ liệu từ tài khoản Facebook của người dùng đó, cũng như “chiết xuất” dữ liệu về bạn bè trên Facebook của họ.

Mô hình này thật sự quá hấp dẫn để cả vị học giả lẫn Cambridge Analytica phớt lờ các điều khoản của Facebook. Đó là Facebook chỉ cho phép thu thập profile người dùng số lượng lớn cho mục đích nghiên cứu học thuật, thay vì mục đích thương mại.

Và tất nhiên, việc bán/ sử dụng những dữ liệu đó cho các chiến dịch chính trị lại càng bị nghiêm cấm. Đó là lý do vì sao khi sự việc vỡ lở, rất nhiều cơ quan Tư pháp của Anh, Mỹ và các nước EU đã mở cuộc điều tra, hoặc yêu cầu Facebook phải ra điều trần trước Quốc hội về vai trò và trách nhiệm của mạng xã hội này.

Về phần mình, Facebook tuyên bố đã treo ứng dụng của Cambridge Analytica, do ứng dụng này vi phạm nghiêm trọng các điều khoản hợp đồng cung cấp dịch vụ. Thế nhưng CEO của Cambridge Analytica vẫn khăng khăng khẳng định mình có “quan hệ hợp tác chặt chẽ với Facebook” và được phép thu thập thông tin người dùng qua ứng dụng.

Và dù Facebook có chối bỏ đây không phải là một sự cố “rò rỉ thông tin”, thì lập luận này vẫn không lọt tai nhà chức trách cũng như các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu Facebook đã tụt một mạch gần 7% trong ngày giao dịch 20/3, ngay sau khi vụ việc Cambridge Analytica lan rộng.

Giới chính trị gia, các chuyên gia phân tích đều chỉ trích gay gắt vai trò của Facebook trong bê bối này, ít nhất là trong năng lực quản lý và bảo vệ dữ liệu người dùng.

“Chưa bao giờ chúng ta lại chứng kiến Facebook rơi vào một trạng thái bất ổn như lúc này”, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Internet của Goldman Sachs – Heath Terry bình luận trên CNBC.

Vụ việc lại càng củng cố thêm quyết tâm của các nhà làm luật Mỹ trong việc kiềm chế mức độ ảnh hưởng của Facebook trong lĩnh vực chính trị. Họ cũng nêu lại những câu hỏi về việc cần thiết áp dụng các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn.

Theo nhận định của ông Terry, thì việc siết quy định liên quan đến hiển thị quảng cáo “mang tính chính trị” trên Facebook sẽ là khó tránh khỏi, nhất là khi cuối năm ngoái, Facebook từng bị cáo buộc chạy hàng loạt quảng cáo do các doanh nhân Nga đứng sau với thông điệp có lợi cho ông Donald Trump. Một số nguồn tin ước tính những quảng cáo này đã tiếp cận tới 126 triệu người dùng Facebook trong vòng 2 năm 2015 – 2016.

Khôi Linh

Theo Guardian, CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm