Khảo sát sản phẩm Nhân tài Đất Việt 2014 tại TPHCM

(Dân trí) - Trong hai ngày 13 và 14/11, đoàn giám khảo khảo sát thực tế sản phẩm Nhân tài Đất Việt 2014 tiến hành thực hiện khảo sát tại TPHCM. Đồng thời đưa ra những góp ý giúp các tác giả có sự chuẩn bị hiệu quả nhất.

Ngày 13/10, cuộc khảo sát sản phẩm Nhân tài Đất Việt 2014 khu vực TPHCM bắt đầu tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Đoàn giám khảo gồm ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, ông Hoàng Lê Minh - Viện trưởng viện CN Phần mềm và nội dung số Việt Nam và ông Lê Hoài Bắc- Phó Trưởng khoa Công nghệ Thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM).

Các sản phẩm được khảo sát trong ngày gồm: Hệ thống thu thập, lưu trữ, thông tin ảnh DICOM (hệ thốn PACS) và Hội chuẩn y tế trực tuyến y khoa, Hệ thống phát hiện thông tin bạo lực trong Video, Hệ thống cảnh báo nguy hiểm VEAS, Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh, Chip vi điều khiển 8 bit thương mại của Việt Nam SG8V1.

Khảo sát sản phẩm Nhân tài Đất Việt 2014 tại TPHCM
Anh Nguyễn Chí Ngọc, đại diện cho nhóm tác giả sản phẩm “Hệ thống thu thập, lưu trữ, thông tin ảnh DICOM (hệ thốn PACS) và Hội chuẩn y tế trực tuyến y khoa” báo cáo các thông tin về sản phẩm trước đoàn khảo sát.

Trong buổi sáng (13/11), các giảm khảo tập trung cao độ lắng nghe đại diện nhóm tác giả cung cấp các thông tin đến sản phẩm Hệ thống thu thập, lưu trữ, thông tin ảnh DICOM (hệ thốn PACS) và Hội chuẩn y tế trực tuyến y khoa của Trung tâm công nghệ iNext Technology, ĐH Bách khoa TPHCM.

Sản phẩm “Hệ thống thu thập, lưu trữ, thông tin ảnh DICOM (hệ thốn PACS) và Hội chuẩn y tế trực tuyến y khoa” đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế tại Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, Trung tâm chuẩn đoán Y khoa Medic (bệnh viện Hòa Hảo), cơ sở 2 Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM.

Khảo sát sản phẩm Nhân tài Đất Việt 2014 tại TPHCM

Đoàn khảo sát tập trung một cách cao độ khi thẩm định thông tin hồ sơ sản phẩm của các nhóm tác giả

Bên cạnh việc đánh giá, thẩm định các thông tin, làm rõ các vấn đề của sản phẩm dự thi, nhóm giám khảo cũng có những góp ý, đóng góp để nhóm tác giả thể hiện tốt hơn khi báo cáo sản phẩm trước hội đồng.

Về Hệ thống phát hiện thông tin bạo lực trong video, trưởng nhóm tác giả Lâm Quang Vũ cho biết hệ thống này  sẽ giúp cơ quan chức năng cũng như các bậc phụ huynh có thêm công cụ để quản lý và hạn chế việc phim ảnh bạo lực được chia sẻ và chiếu tràn lan trên Internet hiện nay.

Sản phẩm Hệ thống cảnh báo nguy hiểm VEAS của Phòng thí nghiệm AILab (Trường ĐH KHTN, ĐHQG TPHCM) nhằm giải quyết những bài toán về giao thông nói riêng và các vấn đề nguy hiểm khác như thiên tai, lũ lụt, sạt lở... nói chung. Với VEAS, người dùng có thể: Biết thông tin sự  kiện đang diễn  ra; Cung cấp thông tin về sự cố nguy hiểm tại bất kỳ đâu, bằng nhiều cách thức như Website, phần mềm trên Smart Phone, hay gọi điện đến tổng đài....

Sản phẩm Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh, trưởng nhóm tác giả Lê Yên Thanh, chia sẽ rằng hiện tại, hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam chỉ trưng bày các mẫu vật, mô hình, hình ảnh, video mà thiếu đi sự tương tác. Sẽ thú vị hơn nếu mang lại cho người xem những trải nghiệm mới, khả năng dễ dàng tiếp thu thông tin khi được trình diễn với nhiều hiệu ứng và đặc biệt là có khả năng tương tác với người xem. Hệ thống này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên khi cho phép người dùng có thể tương tác đa chạm trên 1 bề mặt hiển thị nội dung multimedia.

Tiếp đó vào buổi chiều (13/11), tại Nhà điều hành ĐHQG TPHCM (Thủ Đức) đại diện giám khảo đã đến khảo sát sản phẩm Chip vi điều khiển 8 bit thương mại của Việt Nam SG8V1 của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC). Ông Ngô Đức Hoàng- Giám đốc IDCREC, cũng là trưởng nhóm tác giả đã giới thiệu với đại diện giám khảo rằng Chip SG8V1 là chip vi điều khiển đa dụng, hỗ trợ bộ nhớ chương trình, bộ nhớ dữ liệu rất lớn, tập lệnh dễ sử dụng và các ngoại vi cần thiết đều được tích hợp sẵn trên chip nên khả năng ứng dụng của chip là rất lớn và không giới hạn ở ngành, lĩnh vực nào.

Ông Ngô Đức Hoàng – Giám đốc
IDCREC báo cáo về sản phẩm Chip thương mại SG8V1 với đoàn khảo sát.
Ông Ngô Đức Hoàng – Giám đốc IDCREC báo cáo về sản phẩm Chip thương mại SG8V1 với đoàn khảo sát.

Sản phẩm được ứng dụng cho các hộp đen xe hơi, xe gắn máy, trong các Bộ giải mã Set-top Box, Điện kế điện tử (ngoài tính năng đo đếm điện năng còn có thể truyền thông tin dữ liệu từ xa..), Khóa định vị contaner...và mới đây là ứng dụng vào thiết bị định vị giám sát nguồn phóng xạ. Đây là Vi điều khiển thương mại đầu tiên của Việt Nam được chính thức cung cấp trên thị trường với khả năng mỗi năm cung ứng được 1 triệu chip.

Sau khi nghe trình bày của tác giả, dù đánh giá những ưu điểm của sản phẩm nhưng đại diện các giám khảo đã khơi gợi thêm cho nhóm tác giả những điểm cần bổ sung và làm rõ. Giám khảo Hoàng Lê Minh cho rằng cần bổ sung thêm con chip này đã tạo được giá trị gia tăng như thế nào. Còn giám khảo Lê Hông Hà thì thắc mắc tại sao trên thế giới đã phát triển được chip 32 bit mà Việt Nam lại mới chỉ làm được chip 8 bit. Giám khảo cho rằng tác giả cần nhấn mạnh để hội đồng giám khảo hiểu phạm vi ứng dụng của sản phẩm chip 8 bit ở Việt Nam vẫn còn dồi dào.

Ông Ngô Đức Hoàng – Giám đốc
IDCREC báo cáo về sản phẩm Chip thương mại SG8V1 với đoàn khảo sát.
Các giám khảo chăm chú nghe phần trình bày của tác giả sản phẩm Chip vi điều khiển 8 bit thương mại của Việt Nam SG8V1 của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Thiết kế Vi mạch

Ông Ngô Đức Hoàng giải thích rằng hiện tại chip 8 bit vẫn chiếm tới 30% thị phần sản phẩm ứng dụng vi mạch. Ngoài ra, sự ra đời của chip SG8V1 góp phần cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được vi điều khiển, giúp giảm tỉ lệ nhập siêu bấy lâu nay và tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử. Sản phẩm này được lọt vào chung kết Nhân tài đất Việt năm nay hi vọng sẽ gây tiếng vang trong giới khoa học công nghệ tại Việt Nam và có sức lan tỏa trong cộng đồng vi mạch Việt.

Đoàn khảo sát
tìm hiểu sản phẩm được hoàn thành tại trung tâm IDCREC
Đoàn khảo sát tìm hiểu sản phẩm được hoàn thành tại trung tâm IDCREC

Là đại diện giám khảo cuộc thi đi khảo sát các sản phẩm tại TPHCM, Giám khảo Hoàng Lê Minh chia sẻ việc khảo sát nhằm thẩm định, xem xét các thông tin trong hồ sơ của các sản phẩm dự thi lọt vào chung kết cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm nay. Trên cơ sở đó để có ý kiến báo cáo với hội đồng cuộc thi.

Hôm nay (14/11), đoàn giám khảo sẽ khảo sát thêm các sản phẩm thuộc lĩnh vực ứng dụng thành công và sản phẩm tiềm năng tại TPHCM.

Đó là sản phẩm Giải pháp phần mềm quản trị nhân sự VNRESOURCE HRM PRO của công ty TNHH Tài nguyên Tri thức Việt năng. Đây là sản phẩm có khả năng đáp ứng toàn diện công tác quản lý nhân sự và đồng thời hỗ trợ các công cụ quản trị nguồn lực con người hiệu quả. Phần mềm được xây dựng gồm các phân hệ : Quản lý tuyển dụng, Quản lý hồ sơ, Chấm công, Phân hệ tính lương, Quản lý Đào tạo, Đánh giá Nhân viên. 

Sản phẩm Bộ các phần mềm quản lý doanh nghiệp của công ty FAST (công ty CP phầm mềm quản lý doanh nghiệp). Đây các phần mềm ứng dụng trong công tác kế toán, quản lý mua bán, hàng tồn kho, chấm công tính lương, quản lý nhân sự, giải pháp ERP. Các phần mềm được phát triển mới từ đầu, không dựa vào các sản phẩm nào khác có sẵn.

Sản phẩm Thiết bị quản lý tích hợp, dịch vụ và hạ tầng mạng chuyên nghiệp của Công ty CP công nghệ nguồn mở thế hệ mới. Sản phẩm được xây dựng theo hướng tích hợp toàn bộ tính năng, dịch vụ, thành phần của các thiết bị có trong hệ thống mạng nội bộ cũng như mạng Internet. Những tính năng chính của sản phẩm: Cân bằng tải đường truyền Internet, Tường lửa, Điều phối băng thông, Định tuyến và chuyển mạch, Bộ lọc, Tính cước dịch vụ và Điều khiển thiết bị tầng truy cập.

Hoài Nam – Lê Phương