1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

KakaoTalk: Câu chuyện thành công đến từ người dùng

Trong sự kiện Open Web Asia 2012 do APEC tổ chức tại Trung Quốc, cái tên Kakao và sản phẩm KakaoTalk được giới truyền thông đại diện từ Hàn Quốc nhắc đến như một niềm tự hào về tinh thần khởi nghiệp trong ngành công nghệ của xứ sở này.

KakaoTalk được phát triển và ra mắt phiên bản đầu tiên vào tháng 03.2010, cho đến nay số lượng người dùng đã đạt gần 80 triệu người dùng. Tại thị trường Hàn Quốc, KakaoTalk hiện đang giữ vị trí số 1 với một con số đẹp như mơ: 50 triệu người dùng, chiếm 90% trên tổng số người sử dụng smartphone.

So với WeChat (Tencent) hay LINE (Naver), KakaoTalk (Kakao Corp.) như một chú lính chì nhỏ bé nhưng không ngừng nỗ lực phấn đấu hàng ngày. Không được bảo bọc trong tập đoàn công nghệ với số tiền đầu tư khủng hay sở hữu đội ngũ phát triển sản phẩm cực kỳ xuất sắc, nhưng công ty khởi nghiệp Kakao vẫn đạt được nhiều thành công đáng học hỏi.

Thất bại không có nghĩa là kết thúc

Trước khi có được những quả ngọt của ngày hôm nay, Brian Kim và đồng sự đã gặp không ít thất bại đắng cay trong thời gian đầu khởi nghiệp. Năm 2006 sau khi rời khỏi NHN với chức vụ CEO, Brian Kim đã sáng lập IWILab với nhiều hoài bão và hi vọng. Sản phẩm đầu tiên được ra mắt có tên gọi là Buru.com – một website dành cho việc chia sẻ nội dung được chọn lọc bởi người dùng. Mô hình hoạt động của Buru là sự kết hợp giữa FriendFeed (thông tin được chia sẻ bởi bạn bè của người dùng) và Delicious (website hoạt động mô hình bookmarking nổi tiếng).

Năm 2008, IWILab cho ra đời sản phẩm WISIA – website hỏi đáp thiên hướng gợi ý, giới thiệu và lấy ý kiến từ cộng đồng. WISIA hoạt động tương tự giống Yahoo!Hỏi đáp, thế nhưng có thêm hệ thống tích lũy điểm và bình chọn. Người dùng có thể dễ dàng đặt câu hỏi như “Nơi nào có nhiều cảnh quan đẹp nhất mà tôi có thể dẫn gia đình đến tham quan trong kỳ nghỉ này?”. Trong trường hợp câu hỏi đó đã có nhiều người trả lời và đủ dữ kiện để có thể lập thành danh sách bình chọn, những người dùng mới sẽ không mất thời gian để trả lời nữa mà có thể truy cập thẳng vào danh sách bình chọn để có câu trả lời của mình.

Những sản phẩm vừa được kể trên nghe có vẻ thú vị thế nhưng không ít lâu sau, Brian Kim và đồng sự đều ngậm ngùi đóng cửa những đứa con tinh thần của mình bởi vì có vấn đề trong việc vận hành và kinh doanh. Về sau, Brian Kim từng chia sẻ về sự thất bại của các sản phẩm lúc bấy giờ là vì không có điểm sáng thực sự nổi bật cũng như khó tìm ra được con đường tránh đối đầu trực tiếp với các công ty công nghệ lớn khác như Google hay Naver.

Thế nhưng, thất bại này liền kề thất bại kia không có nghĩa là kết thúc. Trong một cuộc họp toàn công ty vào đầu tháng 01 năm 2010, Brian Kim và JB Lee đã chia sẻ về một ý tưởng sản phẩm mới giải quyết nhu cầu thực tế cho người dùng. Một sản phẩm mà về sau này trở thành niềm tự hào của giới khởi nghiệp công nghệ tại Hàn Quốc: KakaoTalk.

Giã từ sự lãng mạn trong khởi nghiệp

Phải mất đến 4 năm để dẹp bỏ những mơ mộng lãng mạn về sản phẩm to tát, vĩ đại, Brian Kim và JB Lee quyết định lèo lái công ty mình trở về với thực tế và tập trung toàn lực giải quyết nhu cầu của người dùng. Nhận thấy nhu cầu nhắn tin là một nhu cầu không thể thiếu của người dùng điện thoại di động, trong khi tại Hàn Quốc, chi phí nhắn tin tương đối đắt đỏ, Brian Kim và JB Lee đã quyết định phát triển và đưa vào sử dụng ứng dụng điện thoại có tên KakaoTalk. Phiên bản đầu tiên của KakaoTalk, phiên bản dành cho hệ điều hành điện thoại iOS, được ra mắt vào tháng 03 năm 2010 với các chức năng đơn giản như nhắn tin, nhắn tin nhóm, gửi hình ảnh thông thường. Tất cả đều được sử dụng miễn phí, người dùng chỉ cần trả tiền cho các gói cước Mobile Internet như GPRS/EDGE hay 3G.

JB Lee (bên trái) và Brian Kim (Kim Beom-soo, bên phải).
JB Lee (bên trái) và Brian Kim (Kim Beom-soo, bên phải).

Tháng 09.2010, IWILab chính thức đổi tên công ty thành Kakao, mở đầu một huyền thoại mới trong lĩnh vực công nghệ phần mềm vốn non trẻ của xứ sở Kim Chi. Kể từ sau lần gọi vốn đầu tiên từ các nhà đầu tư cá nhân với tổng số tiền đầu tư ban đầu 5 triệu USD vào tháng 01.2011, KakaoTalk có những bước phát triển và số lượng người dùng tăng chóng mặt. Chỉ sau 1 năm, KakaoTalk có được 10 triệu người dùng và cho đến nay, đã có gần 80 triệu người dùng tại hơn 220 quốc gia trên toàn thế giới, sản phẩm hỗ trợ 13 ngôn ngữ khác nhau.

Bài học thành công: Tập trung vào người dùng

Điều gì đã khiến KakaoTalk nói riêng và các sản phẩm thuộc họ Kakao nói chung đã có sự tăng tốc và phát triển mạnh mẽ đến vậy? Bài học tuy cũ nhưng không hề cũ: Tập trung vào người dùng.

Khác với định hướng của một số công ty lớn, nơi mà những mà ông lớn chỉ muốn ôm trọn lợi nhuận và người dùng về mình, Kakao luôn khiêm nhường trở thành một nền tảng mở để tất cả mọi người có thể tương tác, giao tiếp, kinh doanh không giới hạn trên đó. Không những vậy, việc lắng nghe ý kiến từ cộng đồng người sử dụng, đưa ra nhiều cải tiến nhằm liên tục đáp ứng những nhu cầu ngày càng khắt khe của người dùng đã góp phần không nhỏ vào thành công ngày nay của Kakao.

Chiến lược tập trung vào người dùng còn thể hiện trong câu chuyện phát triển mở rộng ra thị trường nước ngoài. Thay vì áp dụng những kế hoạch mang tính tổng thể từ kinh doanh, marketing, nội dung từ công ty mẹ tại Hàn Quốc đến các nước lân cận, thì Kakao chọn cho mình con đường địa phương hóa tối đa để làm hài lòng người dùng tại nước đó. Ví dụ như tại Việt Nam, KakaoTalk cũng là sản phẩm đi đầu trong việc thực hiện những bộ sticker đậm chất Tết Việt. Sự tinh tế giản đơn nhưng khiến người dùng thích thú như thế này cũng chưa có thể tìm thấy ngay cả với sản phẩm tương tự trong nước.

Tập trung vào người dùng không phải là khẩu hiệu, mà còn là một quá trình lao động nghiêm túc và đầy sáng tạo của đội ngũ Kakao khắp mọi nơi trên thế giới. Chỉ có sự tập trung làm việc cao độ nhất mới có thể cho ra đời sản phẩm tốt nhất. Một minh chứng cho việc này đó chính là chức năng Plus Friend – một trong bốn hình thức kinh doanh mang đến nhiều lợi nhuận cho Kakao.

JB Lee (bên trái) và Brian Kim (Kim Beom-soo, bên phải).

Nếu thông thường người dùng hay thấy về những trang thông tin của các nhãn hàng mà họ yêu thích, và tất cả chỉ dừng lại ở đó, người dùng chắc chắn chẳng muốn thêm những nhãn hàng, những người nổi tiếng trên mạng vào danh bạ bạn bè của họ để họ ghé thăm thường xuyên. Plus Friend của Kakao cho phép người dùng tương tác sâu hơn với những nhãn hàng mình yêu thích có trên KakaoTalk. “KakaoTalk – More than just talk”, hơn cả lời nói, hơn cả giao tiếp là những giá trị thực tế mà người dùng có thể đón nhận từ những nhãn hàng có trong danh bạ của mình. Nhãn hàng có thể sử dụng Plus Friend như công cụ giao tiếp với khách hàng tiềm năng của mình một cách hiệu quả, gửi tặng họ coupon sử dụng dịch vụ miễn phí hay chỉ đơn giản là thông báo những đợt khuyến mãi lớn sắp đến.

Những người nổi tiếng sử dụng Plus Friend như một công cụ giao tiếp với fan hâm mộ. Họ có thể cập nhật hình ảnh, tin tức, lịch trình show diễn của mình để đảm bảo việc liên lạc và giao tiếp với fan không bị gián đoạn. Họ không muốn mình chỉ gửi vài thông điệp tự động cho fan rồi thôi, người nổi tiếng cũng có nhu cầu chia sẻ một phần thế giới riêng của mình với cộng đồng những người yêu thích họ.

Tất cả sự phức tạp đó bỗng chốc trở nên đơn giản hơn nhờ có chức năng Plus Friend – một kết quả viên mãn của chuỗi ngày nỗ lực mang đến giải pháp tốt nhất dành cho người dùng.

Kết

Nhiều người nhìn vào Kakao ngày nay với sự thành công và trái ngọt đang được gặt hái mỗi ngày. Thế nhưng không để nhiều kết quả khả quan làm phân tán sự tập trung và không cho phép bất cứ phút giây chủ quan nào trong quá trình phát triển, Kakao vẫn luôn kiên định và quyết liệt hơn trong công cuộc mở rộng toàn cầu. Kakao là một bài học lớn, một niềm tin lớn dành cho các công ty khởi nghiệp, đặc biệt đối với các nước châu Á - một sản phẩm với xuất phát điểm giản đơn từ địa phương có thể vươn ra thế giới và thành công đầy tự hào.