1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Internet đi quốc tế đứt liên tiếp, doanh nghiệp “kêu trời”

(Dân trí) - Trong 2 tháng qua, Internet Việt Nam kết nối quốc tế bị ảnh hưởng liên tiếp do sự cố đứt cáp quang biển AAG trên đoạn cáp S1I, cách trạm cập bờ Hong Kong 64 km. Sự cố không mong muốn này đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên Internet bị tác động nặng nề.<br><a href='http://dantri.com.vn/suc-manh-tri-thuc/ngay-410-tuyen-cap-quang-bien-aag-se-duoc-khoi-phuc-944632.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Ngày 4/10, tuyến cáp quang biển AAG sẽ được khôi phục</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/suc-manh-tri-thuc/tuyen-cap-quang-bien-quoc-te-aag-lai-dut-lan-thu-2-944014.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG lại đứt lần thứ 2</b></a>

Theo đó, vào 23 giờ 41 phút ngày 15/9/2014, trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way) từ Việt Nam, hướng chủ yếu đi Hồng Kông, Mỹ, đoạn S1I thuộc vùng biển gần Hồng Kông đã xảy ra sự cố đứt bất khả kháng. Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.

Trước đó, trong tháng 7 vừa qua cũng xảy ra sự cố tương tự tại địa phận Vũng Tàu. Cáp quang biển AAG bị đứt đã khiến việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Sự cố đứt cáp này gây sụt giảm khoảng 40% dung lượng băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ của tất cả các nhà mạng tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.

Internet đi quốc tế đứt liên tiếp, doanh nghiệp “kêu trời”

Việt Nam mới chỉ có 4 tuyến cáp quang biển nên việc đứt 1 tuyến quan trọng sẽ gây nên hiện tượng gián đoạn trong liên lạc Internet đi quốc tế.

Dạo quanh các địa điểm kinh doanh Internet trên địa bàn TPHCM, tất cả các chủ cửa hàng đều cho rằng, mạng Internet trong mấy hôm nay khá chậm, nhất là người dùng hay phản ánh khi chơi game khó khăn với các server nước ngoài.

Chủ tiệm kinh doanh Internet tại đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) cho biết: “Mấy hôm nay mạng chậm lắm, người chơi muốn kết nối đến các server khác ở nước ngoài đều khó khăn. Trong khi, các sever Việt Nam cũng ổn định nhưng vẫn có cảm giác khá chậm.”

Tại đường Lê Lợi (Quận Gò Vấp), anh Siêu - chủ của cửa hàng Internet 50 thì cho biết: “Tình hình mạng mấy hôm nay khá chậm, khách đến chơi, truy cập vào các mạng xã hội Facebook hay email đều khó khăn. Do đó, thời gian sử dụng máy của khách ít hơn so với thường ngày, ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng. Tuy chưa có thống kê thiệt hại trong những ngày qua nhưng qua lượng khách và thời gian chơi ngắn đủ có thể thấy rõ doanh thu bị sụt giảm.”

Chia sẻ thêm, anh Siêu ngao ngán cho biết: “Nếu không xem qua báo chí chắc tôi cũng chẳng biết nó đứt cái cáp quang biển. Chẳng có một thông báo từ đơn vị cung cấp nào đến với doanh nghiệp chúng tôi khi có sự cố và thời hạn xử lý sự cố này đến lúc nào. Doanh nghiệp chỉ biết mạng nó chậm và doanh thu tụt giảm thì doanh nghiệp tự chịu, tiền cước thì vẫn thu đều chứ không giảm.”

Đồng quan điểm trên, một đơn vị cung cấp Internet tại Phú Nhuận cũng cho Dân trí biết: “Mạng chậm chạp, khách hàng truy câp không được thì hết mất kiên nhẫn thì đi về, người kinh doanh bị mất khoảng tiền, tự chịu chứ có đơn vị cung cấp dịch vụ Internet hỗ trợ gì đâu. Chẳng có một thông báo chứ huống hồ chi là hỗ trợ, khắc phục hậu quả cho doanh nghiệp”

Trong khi đó, trao đổi PV Dân trí, những doanh nghiệp làm việc trên web, thường xuyên trao đổi với các đối tác nước ngoài đã gặp nhiều khó khăn trong mấy ngày qua.

Anh Nguyễn Quang Khánh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chuyên thiết kế web theo đặt hàng cho các doanh nghiệp từ Mỹ cho hay, anh thường xuyên sử dụng Internet để gọi điện, gửi e-mail và video call với khách hàng nhưng mấy ngày hôm nay việc liên lạc gặp khó khăn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những người thường xuyên truy cập các mạng xã hội, như Facebook và đọc tin tức từ nước ngoài.

Facebook Messenger luôn trong tình trạng không thể kết nối.

Facebook Messenger luôn trong tình trạng không thể kết nối.

Anh Hoàng Thanh (Thái Hà, Hà Nội) phàn nàn: “Mấy ngày hôm nay khi vào các trang web nước ngoài thường xảy ra tình trạng chậm, đơ và đôi khi không thể truy cập được. Trong khi đó, mạng xã hội Facebook từ máy tính liên tục bị ngắt kết nối, tôi không thể nào nhắn tin, liên lạc với bạn bè từ Facebook Messenger bằng mạng Internet, trong khi đó, vẫn sử dụng được trên mạng 3G từ điện thoại”.

Thông tin sự cố đứt cáp quang biển quốc tế AAG đứt lần thứ 2 trong 2 tháng qua đã khiến không ít người dùng bất bình. Nhiều độc giả đã gửi thư tới báo điện tử Dân trí và đặt dấu hỏi: “Tại sao chỉ trong 1 thời gian ngắn mạng Internet đi quốc tế của Việt Nam gặp sự cố liên tiếp. Các nhà mạng nên ưu tiên dành sự quan tâm tới việc nâng cấp chất lượng đường cáp để đảm bảo kết nối Internet được ổn định”.

Trao đổi với PV Dân trí về nguyên nhân của việc dứt cáp quang biển AAG, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc công ty FPT Telecom, giải thích việc đứt cáp quang biển là hiện tượng không mong muốn. Có nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng này, như là vì thời tiết, vì con người hay vì tàu thuyền di chuyển.

“Việc đứt cáp quang biển là điều hoàn toàn bình thường vì có thể có nhiều nguyên nhân. Đối với các nước trong khu vực như Singapore, họ có tới 20 tuyến cáp quang biển nên khi đứt cáp AAG thì kết nối Internet của họ không bị ảnh hưởng, trong khi đó Việt Nam mới chỉ có 4 tuyến, trong đó tuyến AAG vừa mới đưa vào khai thác với dung lượng lớn. Tất cả các nhà mạng FPT, VNPT, Viettel, VDC đều khai thác từ tuyến cáp quang này nên khi cáp quang này bị đứt thì tất cả kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị gián đoạn”, ông Khoa cho biết.

Đại diện FPT cho hay: “Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều tuyến cáp quang biển khác để giúp lưu lượng được san tải, tránh tình trạng một đường dây cáp quang biển bị đứt thì việc kết nối Internet trong nước ảnh hưởng”,

Hôm qua, thông tin chuyển đi từ FPT cho hay, 20 giờ ngày 29/9, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG sẽ di chuyển tàu đến vị trí cáp lỗi. Cáp sẽ bắt đầu được hàn vào 22 giờ ngày 1/10. 4 giờ sáng ngày 3/10, cáp sẽ được hàn nối xong. Dự kiến đến 7 giờ sáng ngày 4/10, đơn vị sẽ hoàn tất việc chôn cáp xuống đáy biển. Trao đổi với Dân trí, ông Khoa cho biết, sau ngày 4/10, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG cần thêm 2 ngày để hoàn tất quá trình đấu nối và hạ tuyến cáp xuống đáy biển. Lúc đó, 100% kênh truyền sẽ được khôi phục.

Như vậy, kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ gặp khó khăn trong 2 tuần tới trước khi việc sửa chữa tuyến cáp quang biển AAG hoàn tất.

Khôi Linh - Quốc Phan