Huyền thoại công nghệ, người đặt nền móng cho PC qua đời

(Dân trí) - Huyền thoại công nghệ Jack Tramiel, nhà sáng lập của hãng máy tính Commodore International, một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của máy tính cá nhân và máy chơi game, đã qua đời vào chủ nhật vừa qua ở tuổi 83.

Jack Tramiel là nhà sáng lập của hãng công nghệ Commodore International và là cựu CEO của hãng công nghệ Atari International.

Nổi tiếng với câu nói rằng “máy tính nên được xây dựng để dành cho quần chúng, chứ không phải dành cho các lớp học”, Tramiel đóng vai trò quan trọng là một trong những người tiên phong đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp máy tính cá nhân (PC) cũng như máy chơi game.

Từ tư duy kinh doanh này, công ty Commodore International do Tramiel sáng lập đã xây dựng các dòng máy tính cá nhân mạnh mẽ nhưng có giá cả phải chăng, nổi bật nhất trong đó là Commodore 64, chiếc máy tính cá nhân bán chạy nhất trong mọi thời đại, với ước tính từ 20 đến 30 triệu chiếc đã được tiêu thụ.

Huyền thoại công nghệ, người đặt nền móng cho PC qua đời
Jack Tramiel là một trong người đặt nền móng cho sự phổ biến của máy tính cá nhân

Sinh tại thành phố Lodz, Ba Lan vào 13/12/1928. Traimiel và gia đình đã từng sống tại trại tập trung Auschiwitz sau khi Đức Quốc Xã chiếm đóng nước này trong Chiến tranh thế giới thứ II. Sau đó, trong khi mẹ của ông vẫn bị giam tại Auschiwitz thì Tramiel và cha mình bị chuyển đến trại lao động Ahlem gần Hanover, nơi ông đã bị giam giữ cho đến khi được giải cứu bởi quân đội Mỹ vào tháng 4/1945.

Tramiel sau đó di cư sang Mỹ vào tháng 11/1947 và bắt đầu học để sửa chữa máy đánh chữ trong suốt thời gian làm việc trong quân đội. Sau khi giải ngũ, Tramiel đã mở một cửa hàng sửa chữa máy móc văn phòng ở Bronx vào năm 1953, với tên gọi “Máy đánh chữ Commodore”.

Sau đó không lâu, Tramiel đã gây dựng cửa hàng của mình trở thành một công ty chuyên sản xuất và phát triển máy tính đánh chữ, máy tính và cuối cùng trở thành công ty sản xuất máy vi tính, bắt đầu với bộ máy tính Commodore PET vào năm 1977 và sau đó đạt đỉnh cao với Commodore 64, ra mắt vào năm 1982.

2 năm sau đó, Tramiel đã từ chức khỏi Commodore, công ty do chính mình lập ra để dành thời gian nghỉ ngơi và tránh xa ngành công nghiệp máy tính.

Tuy nhiên, như một định mệnh, ông trở lại ngành công nghiệp này vào tháng 7/1984 sau khi mua lại bộ phận hàng tiêu dùng của hãng công nghệ Atari, vốn đã bị lâm vào khó khăn trên thị trường máy chơi điện tử từ năm 1983.

Trong thời gian làm việc tại Atari, Tramiel đã phát triển hãng này thành một trong những hãng sản xuất máy chơi điện tử lớn nhất thế giới, trước khi ông rút lui vào năm 1996.

Huyền thoại công nghệ, người đặt nền móng cho PC qua đời
Commodore 64, chiếc máy tính cá nhân có lượng tiêu thụ lớn nhất trong lịch sử

Không chỉ có tác động to lớn đến ngành công nghiệp máy tính cá nhân, Jack Tramiel còn có sự ảnh hưởng to lớn đến các nhân viên, những người đã từng làm việc với ông. Bil Herd, một người từng làm việc tại Commodore International từ năm 1983 đến 1986 cho biết ông di chuyển dọc chiều dài nước Mỹ chỉ để gặp lại vị lãnh đạo cũ của mình, trong lần kỷ niệm 25 năm ngày ra mắt Commodore 64.

“Bạn học được rằng không cần có lý do để thực hiện điều đó, bạn chỉ cần biết rằng nó phải được hoàn thành”, Bil Herd cho biết về tư duy lãnh đạo của Jack Tramiel.

Jack Tramiel nổi tiếng là người luôn đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu. Trong sự kiện kỷ niệm 25 năm ngày ra mắt Commodore 64 vào năm 2007, Jack Tramiel đã từng nói:

“Ngành công nghiệp máy tính ngày nay đã có sự khác biệt rất nhiều so với thời kỳ 1975. Trong một vài mặt, nó trở nên tốt hơn, nhưng trong nhiều mặt khác, nó trở nên xấu đi. Nhưng điều quan trọng  nhất là tất cả chúng ta đều làm việc một cách chăm chỉ để mang lại cho người dùng những điều tốt nhất. Và họ đã phải thốt lên ‘làm sao chúng ta có thể sống được mà không có máy tính?’. Thật là một điều tuyệt vời”.

Mặc dù được xem là một huyền thoại của công nghệ, tuy nhiên Jack Tramiel lại là một cái tên ít được biết đến.

Trong bài phỏng vấn với trang công nghệ Cnet vào năm 2007, Tramiel đã từng nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mọi người không biết đến tôi”.

Tuy nhiên, những đóng góp của Tramiel dành cho ngành công nghệ thế giới là không thể lãng quên.

Sau khi nghỉ hưu, ông đã sống với người vợ của mình, Helen và 3 người con trai cho đến cuối đời.

Phạm Thế Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm