“Huyền thoại bảo mật” tự tin có thể giải mã iPhone của kẻ khủng bố

(Dân trí) - Trong bối cảnh Apple đang phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích vì từ chối hỗ trợ mở khóa chiếc iPhone được mã hóa thu được từ một phần tử khủng bố, thêm nhiều ý kiến ủng hộ từ phía giới công nghệ, lần này là “huyền thoại bảo mật” John McAfee.

Ngày 2/12/2015, Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, cùng vợ mình, Tashfeen Malik, 29 tuổi, thực hiên một vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương. Cặp đôi này sau đó bị cảnh sát tiêu diệt trong một trận đấu súng trong khi trên đường chạy trốn.

Cảnh sát sau đó thu giữ được một chiếc iPhone 5C bị trong một bãi rác gần hiện trường. Đây là chiếc iPhone thuộc sở hữu của Farook, nhưng đã được mã hóa và cài chức năng tự động xóa dữ liệu sau một số lần nhập sai mật khẩu. FBI tin rằng việc giải mã chiếc iPhone 5C này có thể giúp có thêm những đầu mối đến những kẻ đồng phạm khác của tên khủng bố và những kế hoạch khủng bố khác.

John McAfee được xem là “huyền thoại bảo mật”, muốn chính phủ Mỹ để yên và không tiếp tục làm phiền Apple
John McAfee được xem là “huyền thoại bảo mật”, muốn chính phủ Mỹ để yên và không tiếp tục làm phiền Apple

Mới đây, một Thẩm phán Liên bang đã yêu cầu Apple phải hỗ trợ các nhà chức trách mở khóa chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố, tuy nhiên, Apple đã từ chối yêu cầu này với lý do nền tảng iOS không thể bị giải mã và chỉ có thể giải mã được khi cài đặt một cửa hậu lên nền tảng này, điều này đồng nghĩa với việc các thiết bị chạy iOS khác cũng sẽ ẩn chứa nguy cơ bị tấn công.

Bên cạnh đó, Apple lo ngại rằng một trường hợp cá biệt có thể dẫn đến một tiền lệ xấu và có thể bị chính quyền lợi dụng để khai thác các thông tin từ người dùng của mình trong tương lai.

Phản ứng của Apple đã gây nên những tranh luận trái chiều. Nhiều người, chủ yếu từ phía chính quyền Mỹ, đã chỉ trích Apple bao che cho khủng bố vì từ chối hỗ trợ quá trình điều tra, trong khi đó nhiều ý kiến, trong đó có không ít người trong giới công nghệ, đã lên tiếng bênh vực hành động của Apple.

Mới đây nhất, John McAfee, người được xem là “huyền thoại bảo mật”, cũng đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Apple và cho rằng “mở cửa hậu trên nền tảng iOS để chính phủ khai thác dữ liệu người dùng giống như giao vũ khí hạt nhân cho kẻ thù”.

Không dừng lại ở đó, John McAfee còn tự tin tuyên bố rằng mình có thể mở khóa chiếc iPhone 5C đang được mã hóa của kẻ khủng bố và thực hiện hoàn toàn miễn phí, miễn là chính phủ không tiếp tục làm phiền Apple.

“Đây là lời đề nghị của tôi dành cho FBI. Tôi sẽ giải mã thông tin trên chiếc điện thoại của vụ San Bernardino cùng với nhóm của tôi, hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi chủ yếu sử dụng các kỹ thuật xã hội và sẽ mất 3 tuần. Nếu bạn chấp nhận lời đề nghị của tôi, bạn sẽ không cần phải yêu cầu Apple đặt một cửa hậu trên sản phẩm của họ, đây được xem là sự bắt đầu cho kết thúc của nước Mỹ. Nếu bạn nghi ngờ về khả năng của tôi, hãy tìm kiếm Google từ khóa “Huyền thoại an ninh mạng” và sẽ thấy tên tôi xuất hiện trong mười kết quả đầu tiên của gần 1/4 triệu kết quả”, John McAfee cho biết trong một bức thư ngỏ gửi đến FBI.

Chưa rõ John McAfee sử dụng biện pháp nào để giải mã chiếc iPhone 5C bị mã hóa, hay đây chỉ là “chiêu trò” để chọc tức các nhà chức trách Mỹ, tuy nhiên với trình độ và danh tiếng của mình, nhiều khả năng McAfee có thể thực hiện được điều đã tuyên bố.

Hiện tại FBI và các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về đề nghị của John McAfee, trong khi đó các chính trị gia tại Mỹ vẫn tiếp tục “chĩa mũi dùi” về phía Apple vì đã không hỗ trợ các nhà hành pháp một cách tích cực.

John McAfee, sinh năm 1945, là chuyên gia bảo mật người Mỹ gốc Anh. Ông là nhà sáng lập của hãng bảo mật danh tiếng McAfee vào năm 1987 trước khi bán lại hãng bảo mật này cho Intel vào năm 2010 với giá 7,68 tỷ USD.

John McAfee được xem là một trong những “huyền thoại bảo mật” với những bình luận có sức ảnh hưởng lớn trên lĩnh vực an ninh mạng. McAfee thường đưa ra những nhận định sâu sắc về những vụ bê bối tấn công mạng trên toàn cầu và vấn đề giám sát trên Internet.

Sau khi rời bỏ hãng bảo mật do mình lập ra, McAfee thành lập công ty bảo mật mới có tên gọi Future Tense Central, tập trung vào các vấn đề bảo mật và sản phẩm bảo vệ riêng tư cá nhân.

Là một “huyền thoại bảo mật” và là một tên tuổi lớn trong giới công nghệ, tuy nhiên McAfee cũng nổi tiếng với lối sống trác táng và buông thả. Ông đã từng không ít lần gặp rắc rối với pháp luật. Mới đây, McAfee tuyên bố sẽ ra tranh cử vị trí Tổng thống Mỹ năm 2016 với vai trò ứng viên tự do.

T.Thủy