Hơn một tỷ người có nguy cơ tổn hại thính giác vì thích nghe nhạc lớn

(Dân trí) - Hơn một tỷ người trẻ tuổi đang có nguy cơ tổn hại thính giác vì thường xuyên nghe nhạc quá to, theo một báo cáo được công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo một báo cáo vừa được công bố, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng một nửa số người trong độ tuổi 12 đến 35 ở các nước thu nhập trung bình và cao đang có nguy cơ tổn hại thính giác do thường xuyên nghe nhạc với âm thanh lớn trên các thiết bị nghe nhạc cá nhân hay smartphone.

Bên cạnh đó, khoảng 40% người trong độ tuổi này cũng gặp phải nguy cơ tổn hại về thính giác do thường xuyên nghe nhạc lớn tại các buổi diễn ca nhạc hoặc tại các câu lạc bộ đêm.

“Ngày càng nhiều người trẻ đang tiếp xúc với mức độ âm thanh không an toàn. Các bạn trẻ nên biết rằng một khi thính giác bị mất đi, nó sẽ không thể hồi phục trở lại”, Shelley Chadha, chuyên gia về khiếm thính của WHO cho biết.

Thường xuyên nghe nhạc với âm lượng quá lớn có thể khiến tổn hại nghiêm trọng cho thính giác
Thường xuyên nghe nhạc với âm lượng quá lớn có thể khiến tổn hại nghiêm trọng cho thính giác

Tầm nghe của con người khoảng từ 0 đến 125 decibel. Dưới 40 decibel thì nghe rất khó còn trên 105 decibel thì tai sẽ bị đau đớn và trên 115 decibel trong khoảng thời gian dài thì sẽ bị điếc vĩnh viễn.

Cơ quan chuyên trách về y tế của Liên hợp quốc cho biết nghe âm thanh với âm lượng trên 85 decibel trong vòng 8 giờ hoặc âm lượng 100 decibel trong vòng 15 phút là không an toàn.

Âm thanh của các phương tiện giao thông trong giờ cao điểm có thể đạt khoảng 85 decibel. Kèn vuvuzela, loại kèn của Nam Phi nổi tiếng trong kỳ World Cup 2010 diễn ra tại quốc gia này, có thể tạo ra âm thanh với âm lượng tối đa lên đến 120 decibel và chỉ cần 9 giây tiếp xúc trực tiếp với âm lượng cao nhất của loại kèn này sẽ khiến thính giác bị tổn thương không thể phục hồi.

Để hạn chế nguy hiểm về thính giác, WHO khuyên mọi người không nên sử dụng thiết bị nghe nhạc cá nhân với tai nghe trong một giờ mỗi ngày và chỉ nghe với mức âm lượng vừa phải. WHO cũng khuyên người dùng sử dụng tai nghe trong điều kiện ồn ào và thường xuyên kiểm tra sức khỏe thính giác để đảm bảo tình trạng thính giác tốt nhất.

WHO cũng muốn chính phủ các quốc gia đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ thính giác của mọi người bằng cách áp đặt các quy định nghiêm ngặt về tiếng ồn tại nơi công cộng để giảm ô nhiễm tiếng ồn.

Cơ quan sức khỏe của Liên hợp quốc cũng ước tính hiện có khoảng 360 triệu người trên toàn cầu bị mất thính lực. Ngoài các nguyên nhân liên quan đến tiếng ồn và lão hóa, nhiều nguyên nhân khác cũng gây nên tình trạng này, bao gồm bệnh truyền nhiễm, yếu tố di truyền, biến chứng khi sinh và hậu quả của một số loại thuốc.

T.Thủy