Hội tụ thiết bị điện tử và viễn thông

Gần 30 mẫu điện thoại mới được các "đại gia" giới thiệu tại triển lãm Communic Asia (Singapore) cho thấy, xu hướng hội tụ giữa thiết bị điện tử và viễn thông ngày càng rõ nét hơn.

Không hẹn mà gặp khi các hãng đều giới thiệu điện thoại tích hợp máy ảnh 2 "chấm". Trong khi Nokia đưa ra hai mẫu mới là Nokia 6270, 6265 (chạy trên nền CDMA), thì Samsung có SGH-D600, Motorola có V1150, LG có SB120, Panasonic SA7, MX7 đều được tích hợp máy ảnh 2 Megapixel. Các sản phẩm này đều có mặt từ tháng 7 năm nay. Cùng lúc đó, Sony Ericsson cũng giới thiệu K750i, điện thoại 2 Megapixel đầu tiên có trên thị trường Việt Nam.

 

Samsung SGH-D600, điện thoại có máy ảnh 2 'chấm'.

Samsung SGH-D600, điện thoại có máy ảnh 2 "chấm".

Ngoài các sản phẩm trên, còn có hai sản phẩm mang tính trình diễn là Samsung V770 có máy ảnh 7 Megapixel và LG LP-5500 camera 5 "chấm". Chưa kể đến khá nhiều điện thoại được tích hợp camera 1,3 Megapixel.

Sony Ericsson W800, điện thoại nghe nhạc.

Sony Ericsson W800, điện thoại nghe nhạc.

Tính năng nghe nhạc cũng được nhiều hãng cải tiến, phát triển. Không riêng gì Walkman W800 của Sony Ericsson có phím tắt điều khiển nhạc ở ngoài mà Samsung X810 cũng có phím tròn điều khiển, tương tự như phím jog của iPod. Xu thế giải trí số được nhiều hãng nhắc đến và thể hiện qua hợp tác giữa các hãng điện thoại với các công ty có thế mạnh về âm nhạc như Motorola với MTV, hoặc máy ảnh như Nokia với Carl Zeiss.

Bên cạnh nhạc số và ảnh số, các hãng bắt đầu chú trọng đến trò chơi di động. Theo ông Ngô Nguyên Kha, trưởng đại diện Văn phòng Sony Ericsson tại Việt Nam, bốn nội dung chính về game được Sony Ericsson nhắm tới là tương tác giữa người chơi và thiết bị, chất lượng hình ảnh, âm thanh, nội dung trò chơi phong phú và cuối cùng là dễ truy cập để tải về máy. Vì vậy, các máy có thể chơi theo kiểu tay cầm ngang như S600 của Sony Ericsson, với khả năng hỗ trợ cạc đồ họa 3D.

Motorola V115.

Motorola V115.

Nhận xét về sự hội tụ của công nghệ trong điện thoại, ông Christian Collins, phòng viễn thống của tập đoàn Samsung cho biết: " Đây là năm đầu tiên người dự hội chợ có thể thấy nhiều công nghệ được hội tụ trên điện thoại". Ông Collins đồng ý với ý kiến cho rằng điện thoại ngày càng có tính năng mạnh nhờ phát triển công nghệ 3G.

Một trong những tiềm năng lớn mà 3G mang lại là truyền dữ liệu tốc độ cao. Theo ông Carl-Henric Svanberg, giám đốc điều hành của Ericsson, di động băng rộng sẽ tạo ra các dịch vụ mới như tivi, âm nhạc, video.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khai thác, các dịch vụ 3G vẫn chỉ nhắm vào các phân khúc nhỏ. Việc duy trì song song hai mạng 3G và 2G trong giai đoạn trước mắt khiến cho lợi nhuận từ 3G không cao. Tuy nhiên, triển vọng của 3G ở châu Á khá sáng sủa khi nhiều người dùng sẵn sàng chi trả cho dịch vụ ngoài thoại. Số liệu điều tra của hãng nghiên cứu thị trường TNS cho thấy, hơn 50% số người được hỏi cho biết họ sẽ chi thêm 10% cho loại dịch vụ này.

Theo Sài Gòn Giải Phóng