Google và tham vọng mới “thống trị” cả thế giới

(Dân trí) - Gã khổng lồ tìm kiếm đã thể hiện một thông điệp rất rõ ràng gửi tới các nhà lập trình tại Hội nghị Google I/O năm nay rằng hệ điều hành Android sẽ “thống lĩnh” tất cả mọi lĩnh vực, từ smartphone, xe hơi, cho đến TV và còn hơn thế nữa.

Hệ điều hành Android là “ngôi sao” tại sự kiện thường niên dành cho các nhà phát triển Google I/O vừa diễn ra ngày hôm qua. Với màn trình diễn không thể nào ấn tượng hơn nữa, Google đã thể hiện tham vọng mới của mình với việc đưa nền tảng Android trở thành “trung tâm của vũ trụ” để kết nối với cả smartphone, TV, xe hơi, và những thiết bị đeo tay thời trang.

Sundar Pichai, phó chủ tịch cấp cao của Google chịu trách nhiệm quản lý ba mảng Android, Chrome và Google Apps, và là người chủ trì sự kiện Google I/O trước hơn 6.000 các nhà phát triển, cho biết: “Mục đích của chúng tôi là chạm tới mọi góc ngách của cuộc sống, và tiến tới 5 tỷ người dùng trên toàn thế giới”.

Với sự hợp tác và hỗ trợ hết mình từ các hãng di động, đặc biệt là Samsung, Android hiện tại là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới. Nền tảng của Google đang có hơn 1 tỷ người dùng, ông Pichai cho biết, và chạy trên 80% smartphone trên khắp thế giới. Trong khi đó, nền tảng iOS của Apple, vốn là phần mềm đóng và chỉ riêng các sản phẩm của “Quả táo” được phép sử dụng hệ điều hành này nên thị phần chỉ chiếm hơn 17%.

Có vẻ như thành tích trên vẫn chưa đủ với tham vọng của Google. Gã khổng lồ Mỹ đang nuôi kế hoạch thuyết phục thêm người dùng và các nhà phát triển rằng Android xứng đáng thâm nhập vào mọi ngõ ngách cảu cuộc sống hàng ngày. Bởi vì Android là nền tảng mã mở, nên các hãng di động, như Samsung, đã có thể điều chỉnh, cải tiến để phù hợp với nhu cầu của họ. Chính nhờ khả năng tùy biến cao, nên các hãng di động đã có những ý tưởng của riêng mình nhằm thu hút người dùng trước một rừng sản phẩm chạy trên hệ điều hành Android. Đây chính là điểm mà Apple đã từng đả kích đối thủ của mình, và cho rằng Android là hệ điều hành phân mảnh, không tập trung.
Google và tham vọng mới “thống trị” cả thế giới

Sundar Pichai, phó chủ tịch cấp cao của Google chịu trách nhiệm quản lý ba mảng Android, Chrome và Google Apps

“Google I/O như là một lần nữa khẳng định Google đang muốn Android kiểm soát toàn bộ thế giới”, Jan Dawson, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Jackdaw Research, nhận xét.

Google đã có màn trình diễn lớn nhât từ trước đến nay của hãng với hàng loạt sản phẩm phần mềm mới được ra mắt. Trong khi, trước đó, cũng trong tháng 6 này, Apple đã tổ chức một sự kiện tương nhưng lại không “ôm đồm” như Google. “Quả táo” chỉ cung cấp phần mềm của mình trong một phân khúc thị trường nhỏ, gồm có PC, điện thoại, và một số thiêt bị giải trí khác. Với Google, đích đến của hãng không chỉ dừng lại ở máy tính, smartpone hay máy tính bảng nữa mà cả những chiếc đồng hồ thông minh (smartwatch), TV, thậm chí cả xe hơi… Hơn bất kỳ lý do nào khác thì việc Google tiếp cận được nhiều khách hàng thì hãng càng được sở hữu một khối lượng lớn dữ liệu quý giá từ người dùng, và các nhà quảng cáo chính là khách hàng tiềm năng từ nguồn dữ liệu này.

Giới công nghệ đã nhận thấy một sự khác biệt giữa Google ngày hôm qua và những ngày trước đó. Hãng tìm kiếm Mỹ đã ra mắt một phiên bản mới của hệ điều hành Android với tên gọi lạ lẫm hơn, không còn là tên của những loại kẹo nổi tiếng, như Kit Kat, Jelly Bean, Ice Cream Sandwich … mà thay vào đó là tên gọi rất đơn giản - Android L. Google cũng thường ra bản nâng cấp vào dịp mùa thu, nhưng Google cho biết hãng đã thay đổi lịch trình này để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nhà sản xuất.

Để tạo sức ảnh hưởng cho hệ điều hành của mình, Google đã giới thiệu ngôn ngữ thiết kế Material Design với các biểu tượng đơn giản, tinh tế hơn, và đồng nhất trên tất cả các thiết bị chạy nền tảng Android.

Với tham vọng đưa Android thành nền tảng “thống lĩnh” thị trường công nghệ, Google đã dốc sức để cải tiến cho Android mới, với tốc độ xử lý nhanh hơn, cùng đồ họa tốt hơn và thời lượng pin dài hơn.

Hơn ai hết, Google cũng hiểu được tiềm năng từ thị trường thiết bị đeo tay thời trang, với điểm nhấn là ba gã khổng lồ Samsung, LG, Motorola đều đã trình diễn những smartwatch của riêng mình chạy trên nền tảng Android Wear ra mắt hồi tháng 3. Android Wear, hệ điều hành được thiết kế dành riêng cho các thiết bị đeo tay, cho phép người dùng đặt món ăn, chơi nhạc, ghi chép, hoặc hẹn giờ bằng công nghệ nhận diện giọng nói. Nền tảng này cũng đã được tương thích với các ứng dụng, như dịch vụ chia sẻ Lyft, hay mạng xã hội Pinterest.

Google cũng tạo một dấu mốc mới khi đưa hệ điều hành của mình đến với căn phòng khách của mỗi gia đình bằng hệ thống Android TV. Chiếc set-top box này cho phép người dùng tìm kiếm video bằng cách điều khiển giọng nói, và cho phép người dùng tìm kiếm thông tin của các diễn viên hay các bộ phim yêu thích.

Với việc xuất hiện ở mọi ngõ ngách cuộc sống, Google muốn tạo một giao diện quen thuộc với người dùng.”Đó không phải là một nền tảng mới”, Dave Burke, Giám đốc kỹ thuật của Android, cho biết. Hẳn Google vẫn chưa quên sự thất bại ê chề của mình trong lần thử nghiệm trước đây vào năm 2010 với Google TV. Thiết bị này được tích hợp với một gói phần mềm hoàn toàn khác biệt, và không có gì khó hiểu khi nó không thể nào thuyết phục được người dùng và sau đó đã nhanh chóng bị “khai tử”.

Thậm chí còn muốn “trói chân” người dùng khi đang đi trên đường, Google đã ra mắt nền tảng Android Auto, hệ thống dành cho xe hơi để truyền dữ liệu và nội dung từ điện thoại Android sang màn hình trên bảng điều khiển của xe. Sáng kiến này của Google tương tự như ý tưởng của Liên minh ôtô Mở (Open Automotive Alliance), một tổ chức với sự tham gia của các hãng sản xuất xe hơi, trong đó có General Motors, Honda, và hãng sản xuất chip Nvidia, nhằm đưa phần mềm Android lên trên hệ thống của xe hơi.
Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm