Google phủ nhận thông tin rút khỏi Trung Quốc

(Dân trí) - Trái với những lời tuyên bố mang tính chất “dọa dẫm” mạnh miệng hồi tuần trước, Google vừa lên tiếng phủ nhận những thông tin mà giới truyền thông đã đưa về việc họ quyết định đóng cửa website Google.cn và văn phòng tại Trung Quốc.

Google phủ nhận thông tin rút khỏi Trung Quốc - 1


Tuần trước, hãng tìm kiếm phổ biến nhất thế giới Google tuyên bố hãng đang cân nhắc đến việc rời khỏi Trung Quốc sau khi trở thành nạn nhân của một vụ tấn công tin tặc tinh vi nhằm ăn cắp tài sản trí tuệ của hãng.

 

Google cho biết hãng đã không còn “hứng thú” với việc lọc nội dung trên trang web tìm kiếm Google.cn tiếng Trung và sẽ cố gắng thương lượng để cung cấp một công cụ tìm kiếm không có kiểm duyệt, nếu không hãng sẽ rút lui khỏi thị trường này.

 

Hầu hết các hoạt động kiểm duyệt kết quả tìm kiếm trên Google.cn vẫn diễn ra vào ngày 17/2, ba ngày sau khi Google đưa ra lời tuyên bố mang tính dọa dẫm trên mặc dù việc kiểm soát một số nội dung tìm kiếm có phần “nhạy cảm” đã có phần được nới lỏng.

 

Tuyên bố của Google ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc. Trung Quốc hiện là thị trường Internet lớn nhất thế giới về số người sử dụng và hiện đang có 384 triệu cư dân mạng. Các blog và phương tiện truyền thông nước này liên tục cho đăng tải những ý kiến về việc Google sắp đóng cửa văn phòng đại diện tại Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, chính Google mới đây lại phủ nhận những thông tin đó. Google cho biết hãng đang tiếp tục quá trình quét các mạng nội bộ của mình kể từ sau vụ tấn công tin tặc hồi giữa tháng 12. Google cũng khẳng định hãng sẽ tổ chức hội đàm với chính phủ Trung Quốc trong vài tuần tới.

 

Trung Quốc đã cố gắng “xoa dịu” ý định rời bỏ nước này của Google. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề này nhưng nhấn mạnh tất cả các công ty nước ngoài, kể cả Google đều phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc.

 

Phía Washington cũng đã gửi một thông điệp ngoại giao tới Bắc Kinh, chính thức yêu cầu nước này phải có một lời giải thích về các vụ tấn công trên.

 

Cuộc tranh chấp giữa Google, một công ty Mỹ và chính phủ Trung Quốc khiến cho mối quan hê Trung - Mỹ vốn đang căng thẳng càng thêm tăng “nhiệt”.

 

Chính quyền Mỹ từ lâu đã rất lo lắng về chương trình gián điệp mạng của Trung Quốc nhằm thâm nhập sâu hơn vào các máy tính Mỹ để thu thập các dữ liệu có ích trong lĩnh vực quân sự.

 

Khi Google ra mắt trang web tìm kiếm phiên bản tiếng Hoa với tên miền có đuôi .cn vào năm 2006, hãng này đã chấp nhận cho chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt một số kết quả dữ liệu tìm kiếm dưới hình thức “tự kiểm duyệt”. Google cho biết điều đó sẽ có lợi cho người Trung Quốc khi được mở rộng việc tiếp cận thông tin.

 

“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đưa ra một quyết định hợp lý, mặc dù chúng tôi không thể chắc chắn rốt cuộc nó sẽ được chứng minh là điều tốt nhất hay không”, một phát ngôn viên hàng đầu của Google nói với Ủy ban quan hệ quốc tế Hoa Kỳ hồi năm 2006.

 

Hành động công khai tố cáo chế độ kiểm duyệt và cáo buộc các tin tặc Trung Quốc tấn công nhằm ăn cắp tài sản trí tuệ của Google được coi là một bước đi táo bạo.

 

“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một công ty đối đầu với chính phủ Trung Quốc theo cách công khai như vậy”, James McGregor, luật sư của công ty Apco Worldwide đang hoạt động tại Trung Quốc nói.

 

Tuy nhiên, hành động của Google có thể mang đến kết quả ngược lại sự mong đợi. Nhiều dấu hiệu cho thấy Google đã gây tổn hại cho những triển vọng của chính mình ở Trung Quốc bất chấp việc hãng có làm đúng như tuyên bố rút khỏi quốc gia này hay không.

 

Chuyên gia Dick Wei tại JPMorgan nghĩ rằng mối quan hệ của Google với Trung Quốc đang rất căng thẳng và nếu Google quyết định ở lại, hãng này có thể phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn.

 

Chuyên gia Wang Jinjin tại UBS cũng khẳng định mối quan hệ của Google với các hãng quảng cáo đã trở nên xấu đi khi nhiều hãng cho biết họ sẽ quay sang chọn Baidu thay vì Google.

 

Bất chấp những tuyên bố mang tính đối đầu của Google, “người đồng hương” Mỹ Microsoft cho biết hãng không có kế hoạch rút lui khỏi Trung Quốc.

 

Hiện Microsoft đang đặt rất nhiều hy vọng vào công cụ tìm kiếm Internet Bing của mình tại Trung Quốc. Dù chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ tại thị trường tìm kiếm nước này nhưng nếu Google, “kẻ cản đường” thứ hai, đứng sau Baidu (công ty tìm kiếm Trung Quốc) rời đi, Microsoft có thể sẽ được lợi.

 

Võ Hiền

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm