1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Gỡ bỏ 142 game cờ bạc, bạo lực không phép tại Việt Nam

(Dân trí) - Thông tin trên được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) công bố trong buổi làm việc cùng 10 doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam.

Gỡ bỏ 142 game cờ bạc, bạo lực không phép tại Việt Nam - 1

Chiều ngày 16/7, Cục PTTT-TTĐT đã có buổi làm việc cùng các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Các doanh nghiệp này đã cung cấp cấp một số game tiếng Việt, thanh toán bằng tiền Việt qua App Store và Google Play Store.

Đại diện Cục cho biết, qua rà soát đã phát hiện một số trò chơi điện tử phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua App Store và Google Play Store có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, game có yếu tố cơ bạc, đổi thưởng, nội dung bạo lực, hình ảnh hở hang, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam và vi phạm lịch sử của Việt Nam...

Cục cũng thông tin, trong thời gian từ năm 2017, Bộ TT&TT đã thiết lập cơ chế phối hợp với Google, Apple và Facebook trong việc chặn, gỡ hoặc dùng quảng cáo các game không phép phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam. Khi xác định các game vi phạm, Bộ TT&TT sẽ thực hiện các biện pháp xóa, chặn ứng dụng game khỏi App Store, Google Play Store và đồng thời thực hiện các biện pháp chặn dòng tiền thanh toán cho game. Tính đến thời điểm này, trên hai nền tảng chợ ứng dụng đã gỡ bỏ tổng cộng 142 game vi phạm phát hành không phép vào thị trường Việt Nam, trong đó có 104 game cờ bạc đổi thưởng, 38 game có nội dung bạo lực.

Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ game không phép tại Việt Nam đang chiếm khoảng 30% toàn thị trường. Điều này gây ra thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và bên cạnh đó là những bất cập về quản lý nội dung, phù hợp vêf văn hóa cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dùng.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, Chính phủ Việt Nam kiên quyết không chấp nhận game phát hành xuyên biên giới, thu tiền tại Việt Nam mà không được cấp phép, "Game cung cấp vào thị trường Việt Nam là phải được cấp phép", ông nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cũng chỉ ra một vấn nạn hiện nay là các doanh nghiệp trong nước đứng tên xin cấp phép cung cấp dịch vụ game nhưng thực chất chỉ là đại lý, là "vỏ bọc" để phát hành game cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó thu tiền và chuyển ra nước ngoài. Do đó, Cục đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài nghiên cứu nghiên cứu lựa chọn hợp tác đúng luật với các doanh nghiệp trong nước, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện để cung cấp game xuyên biên giới vào Việt Nam.

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thông báo đầu mối của doanh nghiệp để liên lạc khi cần thiết, làm việc với Cục khi cần giải đáp các vấn đề về cung cấp game.

Thư Quỳnh