Giữ nguyên số ĐTDĐ khi chuyển mạng: Bài toán khó!

Liệu “giấc mơ” chuyển mạng di động không cần đổi số thuê bao giữa 5 mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone và E-Mobile khi nào sẽ thành hiện thực? Ý kiến từ phía Bộ BCVT và các doanh nghiệp cung cấp mạng di động như thế nào về việc này?...

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông cho biết, Bộ BCVT đang xây dựng đề án cho phép khách hàng chuyển mạng di động không cần đổi số thuê bao. Mục đích của việc xây dựng đề án này nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông. Đồng thời, việc giữ nguyên số thuê bao cũ khi khách hàng chuyển sang mạng mới cũng áp dụng với cả mạng điện thoại cố định.

 

Tuy nhiên, để thực hiện việc giữ nguyên số thuê bao khách hàng cũng đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống kỹ thuật trung gian làm nhiệm vụ lưu trữ thông tin chuyển đổi của từng thuê bao, theo dõi history (lịch sử) của từng thuê bao.

 

Chẳng hạn khi A gọi cho B - trước đây là thuê bao mạng VinaPhone nhưng giờ lại chuyển sang mạng S-Fone, thì cách tính cước của A gọi cho B cũng khác so với trước.

 

Theo dự báo của Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá, dự kiến, đến hết năm 2010, Việt Nam sẽ có tới 52 triệu thuê bao điện thoại, trong đó, chiếm tới 70% là thuê bao di động (tức vào khoảng 36 triệu thuê bao), gấp 3 lần tổng số thuê bao di động hiện nay.

Theo ông Trần Mạnh Hùng - Uỷ viên Hội đồng quản trị Tập đoàn VNPT, Tập đoàn vẫn chưa sẵn sàng cho việc chuyển mạng giữ nguyên số. Cũng vì khó khăn lớn nhất là phải thiết lập lại hệ thống tính cước để xác định rõ điểm đến của người gọi. Tuỳ theo mạng di động, cách tính cước đắt rẻ được phân biệt, và khác nhau rõ rệt, nên khó có thể xác định người được gọi đang ở mạng nào.

 

Theo ông Hùng, quan điểm giữ nguyên số sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng, nhưng về phía doanh nghiệp, thì không muốn áp dụng chính sách này. Hơn nữa, việc chuyển mạng giữ nguyên số đối với các mạng cùng công nghệ GSM như VinaPhone, MobiFone và Viettel có thể làm được nhưng đối với các mạng khác công nghệ như GSM và CDMA (S-Fone, E-Mobile và sắp tới là HN Telecom) thì sẽ khó thực hiện được.

 

Việc thực hiện chuyển mạng di động nhưng giữ nguyên số khiến các mạng di động sẽ phải ngồi lại với nhau, và bắt tay vào đầu tư database - hệ thống cơ sở dữ liệu chung.

 

Về phía Viettel Mobile, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty này cũng đồng tình quan điểm cho rằng, thời điểm này chưa phù hợp để các mạng di động cho phép thuê bao chuyển mạng giữ nguyên số di động. Theo ông, Bộ BCVT nên áp dụng chính sách này khi mật độ điện thoại di động của các mạng phải chiếm tới trên 30% dân số toàn quốc.

 

Hiện nay, tính đến hết tháng 5/2006, toàn quốc đã có trên 11 triệu thuê bao di động. Dự kiến, tổng số thuê bao di động vào năm 2008 sẽ vượt qua con số 20 triệu thuê bao, đạt gần 30% tổng dân số. Khi đó, việc các mạng di động sẵn sàng vào cuộc cạnh tranh, bình đẳng để “'chạy đua”', thu hút khách hàng về phía mình sẽ thực sự hiệu quả và cùng vì mục tiêu là phục vụ người tiêu dùng. Một hiệu quả tích cực khác nữa là kho số thuê bao di động sẽ được tận dụng và sử dụng hiệu quả nhất.

 

Cùng ý kiến này, về phía Vụ Viễn thông - Bộ BCVT, theo kinh nghiệm xây dựng hạ tầng mạng viễn thông của các nước trong khu vực, sớm nhất, vài năm tới, Việt Nam mới có thể áp dụng triển khai đề án giữ nguyên số khi chuyển mạng vào thực tế.

 

Theo Hoàng Hùng

VietNamNet