Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Môi trường học tập ảo đầy hứa hẹn

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Trong thời gian tới, Công ty DKS sẽ nghiên cứu và tích hợp các công nghệ AI vào sản phẩm "phần mềm số hóa và mô phỏng DKS-SINOVA" để cá nhân hóa trải nghiệm học tập.

Phần mềm giúp tạo ra người thợ có chất lượng cao

Tại lễ trao giải Nhân tài Đất Việt năm 2023 diễn ra tối 20/12, sản phẩm "Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS-SINOVA" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển công nghệ điện tử tự động hóa DKS đã giành giải Nhất ở lĩnh vực Công nghệ số.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí sau khi nhận giải, ông Phan Thành Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển công nghệ điện tử tự động hóa DKS, vui mừng gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức đã tổ chức một sân chơi ý nghĩa dành cho những người làm khoa học.

Ông Dũng đánh giá, giải thưởng Nhân tài Đất Việt nhằm tìm kiếm ra những sản phẩm khoa học, những người thợ có tay nghề, chất lượng cao để phục vụ đất nước Việt Nam, hùng cường và sản phẩm DKS-SINOVA sẽ khắc phục tất cả những tồn tại, vướng mắc trong quá trình đào tạo ra người thợ có chất lượng cao.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Môi trường học tập ảo đầy hứa hẹn - 1

Ông Phan Thành Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển công nghệ điện tử tự động hóa DKS (Ảnh: Thành Đông).

Giám đốc Công ty DKS bày tỏ, việc phát triển khoa học ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những người làm khoa học tư nhân, khi phải cân bằng giữa khoa học và kinh doanh để đảm bảo cuộc sống. 

Để có được sản phẩm "Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS-SINOVA", ông Dũng và các đồng nghiệp đã bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết, thời gian. 

Chia sẻ về việc ra đời sản phẩm "Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS-SINOVA", ông Dũng cho biết, từ những ngày đầu, DKS là một doanh nghiệp tập trung vào sản xuất mô hình đào tạo kỹ thuật cho các trường đại học và hệ thống giáo dục và giáo dục nghề nghiệp.

Mặc dù những sản phẩm này đã mang lại lợi ích giúp cho sinh viên nắm vững thực tế nghề nghiệp, nhưng cũng gặp phải những khó khăn như hỏng hóc thiết bị, chi phí đầu tư cao, thời gian thực hành hạn chế, không linh hoạt và không theo kịp sự thay đổi của xã hội.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Môi trường học tập ảo đầy hứa hẹn - 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn VNPT trao giải Nhất lĩnh vực Công nghệ số cho sản phẩm "Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS-SINOVA" (Ảnh: Thành Đông).

Nhìn nhận vấn đề này và tận dụng sự tiến bộ của công nghệ 4.0, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số với các công nghệ như AI, Bigdata, VR, AR… công ty DKS đã quyết định đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu để tạo ra môi trường mô phỏng, giả lập thiết bị trên máy tính.

Mục tiêu là mang lại cho sinh viên trải nghiệm thực hành giống như sử dụng thiết bị thật, nhưng an toàn hơn và có thể thực hiện nhiều lần và thực hành được nhiều kỹ năng không giới hạn như thiết bị vật lý.

Điều này giúp giảm vật tư tiêu hao, giảm chi phí đầu tư, và tạo ra không gian cho sinh viên sáng tạo và giải quyết các vấn đề thực tế.

Giải quyết bài toán đặt ra, công ty đã cho ra đời sản phẩm "phần mềm số hóa và mô phỏng DKS-SINOVA" nhằm mô phỏng hóa các lĩnh vực như điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, ô tô, cơ điện tử, phục vụ cho mục tiêu chính là đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Môi trường học tập ảo đầy hứa hẹn - 3

Ông Dũng và các thành viên trong công ty chụp ảnh lưu niệm sau khi nhận giải (Ảnh: Thành Đông).

Đưa phần mềm ra thế giới, từng bước toàn cầu hóa

Ông Dũng khẳng định, trong tương lai, DKS-SINOVA sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng hóa, tiên tiến hóa và cá nhân hóa. Cụ thể, phần mềm sẽ tập trung vào các mục tiêu như mở rộng đối tượng người sử dụng.

Ngoài ra, DKS-SINOVA sẽ phát triển phiên bản sản phẩm dành cho học sinh trung học và người lao động muốn tái đào tạo.

Đồng thời, phần mềm cũng sẽ nỗ lực gia nhập hiệp hội dạy nghề thế giới và giới thiệu đến các đối tác nước ngoài để từng bước toàn cầu hóa.

DKS-SINOVA sẽ nghiên cứu và tích hợp các công nghệ AI để tăng cường khả năng tương tác và cá nhân hóa trải nghiệm học tập.

Cụ thể, phần mềm sẽ phát triển mô hình đào tạo đa ngành, bao gồm nhiều ngành nghề từ kỹ thuật đến nghệ thuật và thiết kế.

Tăng cường giao diện người dùng và trải nghiệm học tập, giúp người sử dụng dễ dàng tương tác và tham gia vào quá trình học; phát triển một cộng đồng trực tuyến để người sử dụng có thể chia sẻ kinh nghiệm, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau.

Bên cạnh đó, DKS-SINOVA sẽ phát triển và nâng cấp tính năng VR và AR để tạo ra trải nghiệm thực tế hơn, giúp người sử dụng đắm chìm trong môi trường học tập ảo.

Với những định hướng phát triển này, DKS-SINOVA hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ giáo dục nghề nghiệp hiện đại và toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới.

"Ở những thời điểm đầu phát triển sản phẩm, nhiều lúc rơi vào bế tắc, tôi và đồng nghiệp nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng với sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi sau khoảng 7 năm mày mò nghiên cứu đã cho ra đời sản phẩm này", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, sản phẩm đang được sử dụng ở 60-70 trường dạy nghề, cao đẳng, đại học phục vụ cho việc dạy và học nhằm tạo ra những người thợ có tay nghề, chất lượng cao.