1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Giải Nhất CNTT NTĐV 2017: “Người dùng sản phẩm phản hồi rất tích cực”

(Dân trí) - Lê Văn Chung, đại diện của nhóm sản phẩm đoạt giả Nhất lĩnh vực CNTT của Nhân tài Đất Việt 2017 chia sẻ: “Sản phẩm đã được người dùng là sinh viên phản hồi rất tích cực”.

Tối 16/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt năm 2017. Giải Nhất về lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) đã được trao cho sản phẩm "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" thuộc hệ thống sản phẩm CNTT Tiềm năng của nhóm tác giả trường ĐH Duy Tân.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) trao giải Nhất lĩnh vực CNTT. Trong ảnh, Lê Văn Chung (thứ 2 từ trái qua) (Ảnh: Hữu Nghị).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) trao giải Nhất lĩnh vực CNTT. Trong ảnh, Lê Văn Chung (thứ 2 từ trái qua) (Ảnh: Hữu Nghị).

Ngay sau lễ trao giải, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với anh Lê Văn Chung – đại diện của nhóm tác giải đoạt giải Nhất nói trên.

Phóng viên: Trước hết xin chúc mừng nhóm anh đã đoạt giải Nhất về lĩnh vực CNTT của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, anh cho biết cảm xúc của anh lúc này như nào?

Lê Văn Chung​: Cảm xúc khá là bất ngờ, cảm xúc của tôi bây giờ rất khó tả. Có thể nói là đây là những cảm xúc khó quên nhất trong cuộc đời của chúng tôi.

Sản phẩm vừa đoạt giải Nhất của các anh được nghiên cứu trong thời gian bao lâu và với sự góp sức của bao nhiêu người?

Nhóm chúng tôi gồm có 7 người và đã nghiên cứu sản phẩm này trong vòng 5 năm mới thành công.

Anh cho biết mục đích chính của sản phẩm này là gì?

Hiện nay các trường đại học, cao đẳng về ngành y đang rất khó khăn về nguồn xác cho sinh viên thực tập. Ngoài các trường đại học lớn mới có xác nhưng cũng rất ít, sinh viên thực hành mổ đi mổ lại nên xác không còn tính nguyên vẹn nữa.

Những trường khác không có nguồn xác cho sinh viên học tập, thực hành nên đã cho các sinh viên học trên các tiêu bản và tranh rời, do đó đã không có điều kiện để quan sát. Môn giải phẫu là môn cực kỳ quan trọng và cơ bản. Chúng tôi giải quyết bài toán này bằng cách làm ra toàn bộ cơ thể người với những chi tiết đúng nhất, theo tỷ lệ mẫu chuẩn nhất của cơ thể người và mô phỏng những cái liên quan như cử động và một số bệnh liên quan đến cơ thể người để cho sinh viên thực hành quan sát.

Thí sinh giành giải nhất Nhân tài Đất Việt 2017 bất ngờ khi được giải

Sản phẩm này của các anh hiện nay đã được áp dụng vào thực tế chưa và có những phản hồi như thế nào từ người dùng?

Sản phẩm này đã ứng dụng được một năm tại trường ĐH Duy Tân và ở một phòng khám đa khoa ở Đà Nẵng. Sinh viên học qua sản phẩm này đã phản hồi rất tích cực, so với các phương pháp học truyền thống trước đây thì học qua sản phẩm của chúng tôi sinh viên cảm thấy rất thú vị, đó là kết quả rất tốt.

Đây là sản phẩm áp dụng cho công việc giảng dạy trong lĩnh vực sức khỏe con người, liên quan trực tiếp đến công tác khám và chữa bệnh cho con người sau này, điều này là vô cùng quan trọng, vậy sản phẩm của các anh ngoài sự thích thú của sinh viên khi trải nghiệm đã được chứng nhận về mặt khoa học chưa?

Sản phẩm này chúng tôi làm kết hợp với hội đồng giáo sư đầu ngành về giải phẫu trong lĩnh vực y dược ở Huế và Hà Nội. Chúng tôi là kỹ thuật nên không có kiến thức về y học nên buộc lòng phải có sự thẩm định và các thầy đã chấp nhận đứng tên trên sản phẩm này. Sản phẩm này của chúng tôi trước khi áp dụng vào thực tế đã được chứng nhận về mặt khoa học.

Ngoài ra, phần mềm chúng tôi đã được hỗ trợ tiếng Anh và tiếng Việt. Sinh viên năm đầu còn bỡ ngỡ với tiếng Anh, thì phần mềm đã có tiếng Việt hỗ trợ.

Sản phẩm của chúng tôi chạy trên nhiều hệ điều hành và đa nền tảng; sản phẩm có thể chạy trên máy tính, thiết bị thông minh, hiện nay lượt tải tăng lên theo từng ngày.

Nếu so sánh việc sinh viên thực hành trên sản phẩm của các anh và thực hành trên xác người thật thì kết quả học tập có khác nhau không?

Tôi cho rằng không khác nhau. Tuy nhiên, có một số hệ thần kinh buộc lòng phải học trực tiếp trên xác thì mới có kết quả tốt.

Thông qua giải thưởng uy tín của Nhân tài Đất Việt, anh có kỳ vọng gì cho sản phẩm này trong tương lai?

Khó khăn của chúng tôi hiện nay là vấn đề về triển khai, chúng tôi không có kinh phí, không có mối quan hệ với với các trường đại học để chúng tôi có thể đưa sản phẩm của chúng tôi vào. Thông qua giải thưởng uy tín này, chúng tôi mong muốn rằng, với sự quảng bá của chương trình thì tất cả các trường và bệnh viện biết tới sản phẩm của chúng tôi và đưa sản phẩm của chúng tôi vào ứng dụng.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm này, như mô phỏng thêm các bệnh thường gặp ở Việt Nam, đưa ra khuyến cáo với những bệnh này ở Việt Nam thì xử lý như nào. Đồng thời, chúng tôi mô phỏng những tình huống trong các ca mổ vì thường sinh viên học thực tế thì vào phòng thực hành mổ không quá 1-2 lần trong 1 năm học, thiếu điều kiện quan sát, do vậy chúng tôi phải mô phỏng việc đó để sinh viên có thêm nhiều kinh nghiệm.

Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Dương (thực hiện)