Foxconn tham vọng sản xuất smartphone ngay trên đất Mỹ

(Dân trí) - Trong khi phần lớn các hãng công nghệ lớn đều đang đặt nhà máy sản xuất sản phẩm của mình tại Trung Quốc thì hãng công nghệ Trung Quốc Foxconn lại đang có tham vọng để có thể cho ra đời những chiếc smartphone và máy tính bảng của mình được sản xuất tại Mỹ.

Theo chia sẻ của Terry Gou, Chủ tịch của Tập đoàn Hon Hai (chủ sở hữu của Foxconn) với trang báo CNYes của Trung Quốc thì hiện Foxconn đang xem xét khả năng để có thể xây dựng các nhà máy sản xuất smartphone và máy tính bảng cao cấp của mình tại Mỹ, một trong những động thái trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Foxconn.

Theo đó, Foxconn hiện muốn mở 2 nhà máy khác nhau ở Mỹ, một ở bờ Tây và một ở bờ Đông và hiện Fonxconn đang đàm phán cũng như tìm kiếm vị trí thích hợp để xây dựng nhà máy của mình. Thống đốc bang Arizona đã có buổi gặp mặt với Terry Gou để thảo luận về việc xây dựng một nhà máy của Foxconn ở bang này.

Foxconn tham vọng sản xuất smartphone ngay trên đất Mỹ
Giá nhân công tại Trung Quốc ngày càng cao khiến các hãng công nghệ đang tìm cách rút nhà máy khỏi quốc gia này

Thoạt nghe, ý tưởng của Foxconn có vẻ như phi thực tế, bởi lẽ hiện tại Trung Quốc đang được xem là “công xưởng của thế giới” và các hãng công nghệ lớn đều đang đặt nhà máy sản xuất sản phẩm của mình tại Trung Quốc, trong khi đó Foxconn lại muốn thiết lập nhà máy ở nước ngoài, và thậm chí tại Mỹ, một thị trường vốn nổi tiếng về giá nhân công đắt đỏ.

Tuy nhiên, trên thực tế, Foxconn hoàn toàn có lý do hợp lý cho quyết định táo bạo của mình. Đầu tiên cần phải kể đến việc giá nhân công của Trung Quốc đang ngày càng tăng cao trong thời gian qua, trong khi đó lượng công nhân lành nghề đáp ứng được tay nghề tại Trung Quốc đang trở nên thiếu thốn so với nhu cầu thực tế.

Mặc dù giá nhân công tại Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với giá nhân công tại Trung Quốc, tuy nhiên với mức độ tự động hóa cao tại  các nhà máy ở Mỹ sẽ giúp giảm được số lượng công nhân làm việc trong nhà máy, do đó có thể đạt được số lượng sản xuất tương tự như ở Trung Quốc, nhưng thuê ít nhân công hơn và nhân công có tay nghề cao hơn.

Bên cạnh đó, Foxconn nhắm đến Mỹ vì chính sách “mang công việc sản xuất về cho nước Mỹ” mà chính quyền của tổng thống Obama đang áp dụng sẽ có nhiều ưu đãi cho các sản phẩm và nhà máy tại Mỹ. Quan trọng nhất, các sản phẩm được sản xuất và lắp ráp tại Mỹ khi bán ra tại thị trường nước này sẽ không chịu các mức chi phí liên quan đến hàng nhập khẩu như trước đây.

Do có chi phí nhân công cao và vốn đầu tư đắt đỏ hơn so với các nhà máy ở Trung Quốc do vậy Foxconn sẽ chỉ sản xuất những thiết bị cao cấp tại các nhà máy ở Mỹ, trong khi đó các sản phẩm thấp hơn vẫn tiếp tục được sản xuất tại nhà máy vốn có ở Trung Quốc.

Foxconn không phải là hãng sản xuất đầu tiên đang có xu thế di chuyển địa điểm sản xuất chính ra khỏi Trung Quốc, hiện có giá nhân công đang dần trở nên đắt đỏ hơn. Trước đó Samsung cũng đang dần chuyển các nhà máy sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, nơi có giá nhân công vẫn có phần thấp hơn so với tại Trung Quốc nhưng vẫn đáp ứng được tay nghề.

Hiện các thiết bị sản xuất tại Mỹ đang dần trở thành xu thế trên thị trường công nghệ. Apple, Google… đều đang có xu hướng phát triển và sản xuất các sản phẩm của mình ngay tại Mỹ. Chiếc Mac Pro thế hệ mới vừa được Apple trình làng hồi tháng 9 vừa qua cũng được phát triển và sản xuất ngay tại Mỹ. Thiết bị ChromeCast của Google cũng có nguồn gốc tương tự. Thậm chí chiếc smartphone Moto X của Motorola được xem là “niềm tự hào của người Mỹ” khi được phát triển và sản xuất hoàn toàn tại quốc gia này. 

T.Thủy