Financial Times - Tờ báo không muốn cho không người đọc

(Dân trí) - Cách đây vài năm, khi các ông chủ truyền thông tin chắc con đường thành công duy nhất cho web là cung cấp miễn phí nội dung, thời báo tài chính Financial Times đã đi theo một hướng khác.


Financial Times - Tờ báo không muốn cho không người đọc - 1

Financial Times – Tờ báo không muốn cho không người đọc.

“Chúng tôi thậm chí đã bị cho là quái gở”, John Ridding, giám đốc điều hành báo Financial Times nói.

Năm 2002, Financial Times bắt đầu thu phí người đọc khi truy cập vào trang phiên bản báo mạng FT.com.

Bây giờ, với một vài dấu hiệu cho thấy ngành quảng cáo bị ảnh hưởng bởi tình trạng khủng hoảng kinh tế sâu rộng, và một số tờ báo làm theo FT.com, dựng lên cái gọi là “những bức tường thu phí”, Ridding đã cảm thấy như được minh oan.

“Chúng tôi đã đơn độc trong một thời gian dài. Nhưng rồi, thực tế đã dần chứng minh duy nhất doanh thu quảng cáo không đủ duy trì hoạt động cho các mô hình kinh doanh trực tuyến”, ông nói. “Sản phẩm báo chí có chất lượng cần phải được trả tiền đọc”.

Hiện tại, ở Financial Times, người ta đang lên kế hoạch cho các nội dung có thu phí, ví dụ như sẽ thu một khoản phí nhỏ cho từng bài báo đơn lẻ - một giải pháp thay thế thu phí dọc báo dài hạn.

Từng tờ báo một đang bắt đầu nhận ra sự khôn ngoan trong cách làm của Financial Times.

Rupert Murdoch, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành News Corporation, ông trùm truyền thông, cho biết ông dự định trong tháng này sẽ tiến hành thu phí trên tất cả các trang báo mạng của hãng.

Hàng loạt các tờ báo lớn thuộc sở hữu của News Corporation ở Mỹ, Anh và Australia sẽ đi theo tờ báo “đầu đàn” Wall Street Journal. Nhật báo kinh tế nổi tiếng này đã thu phí đọc phiên bản báo mạng từ nhiều năm nay.

Tờ New York Times mới đây cũng cho biết đã tính đến phương án thu phí người đọc phiên bản điện tử, tuy nhiên, không tiết lộ sẽ thu phí theo hình thức nào.

Một thay đổi lớn xảy ra vào năm 2007. Trang báo mạng của The Times đã loại bỏ “những bức tường thu phí” ở một số nội dung, kết luận chúng đang làm hạn chế tiềm năng tạo doanh thu từ quảng cáo trực tuyến. Khi ấy, trang báo mạng của The Times đã thu hút tới 227 nghìn độc giả trả tiền đọc.

Tương tự, ông trùm truyền thông Murdoch cũng công khai sẽ loại bỏ những “bức tường thu phí” trên trang báo mạng Wall Street Journal, vốn đang mang về nguồn thu lớn cho News Corporation.

Hiện tại, với việc các hãng sản xuất hàng xa xỉ phẩm và các ngân hàng cắt giảm chi tiêu khi nền kinh tế lâm vào suy thoái, doanh thu quảng cáo đã giảm sâu tại Financial Times, cũng như nhiều tờ báo khác.

Mặc dù Pearson, tập đoàn sở hữu tờ báo, không đưa ra con số cụ thể, nhưng theo giới phân tích, doanh thu quảng cáo của Financial Times giảm ít nhất 20% so với năm 2008.

Tháng trước, Pearson cho biết doanh thu hoạt động tại FT Publishing, đơn vị xuất bản bao gồm cả Financial Times, đã giảm tới 40% trong nửa đầu năm nay, với doanh thu giảm 13%.

Tổng số báo in phát hành cũng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 412.000 bản.

Trang báo mạng FT.com đã không thu hút được số lượng thật lớn độc giả chấp nhận chi phí đọc. Chỉ 177 nghìn độc giả trên toàn thế giới trả tiền đọc báo, tăng từ 101 nghìn của năm 2007. Con số này là quá ít so với 1 triệu độc giả đóng phí cho trang web của The Journal.

Nhưng khoản phí đọc của FT.com cao hơn của The Journal. Ở Mỹ, độc giả sẽ phải trả 300 USD/năm để mua quyền truy cập nội dung không hạn chế. Nếu kèm theo bản in (bản báo mạng dành để in - PV), độc giả sẽ phải trả thêm 100 USD.

Giám đốc điều hành Ridding cho biết, nhờ lượng truy cập FT.com tăng nên doanh thu từ tính phí đọc đã tăng 30% trong một năm trở lại đây. Ông cũng quyết định cho nâng giá phiên bản in điện tử.

Năm ngoái, trong một nỗ lực khác nhằm tăng doanh thu, Financial Times đã không cho mọi người truy cập tự do nội dung trong các kho lưu trữ thông tin như Factiva và LexisNexis, mà yêu cầu trả tiền. Hơn 600 tổ chức khác nhau, với tổng số khoảng 50.000 độc giả đã chấp nhận yêu cầu của Financial Times.

“Giá mua quyền truy cập vào các kho thông tin lúc đó đã không phản ảnh đúng giá trị thực của những gì chúng tôi tạo ra”, Ridding nói. “Chúng tôi buộc phải điều chỉnh. Doanh thu sau đó đã tăng trưởng mạnh mẽ”.

Financial Times mới đây cũng bắt đầu cung cấp tin tức qua email cho một hãng đầu tư Trung Quốc có tên China Confidential, sau khi ký với hãng này một hợp đồng trị giá 4.139 USD/năm.

“Sự thành công của các dịch vụ thông tin có thu phí như ở Financial Times cho thấy báo chí cần duy trì “những bức tường thu phí”, nhất là trong thời điểm các loại hình truyền thông khác đang nhu nhược với khẩu hiệu của Thung lũng Silicon: Thông tin nên là miễn phí”, ông Tim Luckhurst, giáo sư báo chí thuộc Đại học Kent (Anh), cựu biên tập của tờ The Scotsman, nhận xét.

“Nó đã chứng minh, ít nhất ở một khía cạnh nào đấy, nỗ lực xuất bản báo chí ra số đông không tạo ra giá trị”, ông nói.

Đối với các tờ báo đang tìm cách thu phí đọc, câu hỏi lớn đặt ra là: liệu độc giả có sẵn sàng trả tiền cho tin tức hay chỉ riêng tin tức chuyên ngành tài chính mới như vậy?

Một số nhà phân tích đã tỏ ra nghi ngờ điều này. Nhưng giám đốc điều hành Ridding không nghĩ như vậy.

“Đôi khi tôi nghĩ có quá nhiều lý thuyết định mệnh xung quanh chuyện mọi người giơ tay lên và hô “các nhà xuất bản thu phí là chẳng hợp lý chút nào” ”, Ridding nói. “Các nhà xuất bản thu phí là cần thiết và hợp lý”.

Financial Times - Tờ báo không muốn cho không người đọc - 2

John Ridding, giám đốc điều hành báo Financial Times.

Trong nỗ lực tăng doanh thu từ người đọc không thường xuyên, Financial Times dự định sẽ tinh chỉnh trang báo điện tử, nơi hiện tại vẫn cho độc giả đọc miễn phí 10 bài báo trong một tháng trước khi yêu cầu trả tiền đọc.

Trong năm tới,  Financial Times sẽ đưa thêm một hình thức tính phí mới, theo đó độc giả có thể trả một khoản phí nhỏ để đọc những bài báo đơn lẻ. Wall Street Journal cũng sẽ làm tương tự. Bằng cách này, độc giả có thể trả tiền để đọc những bài báo mình muốn, thay vì phải đăng ký đọc báo dài hạn.

Nhưng, FT.com vẫn muốn giữ lại những độc giả truy cập từ các công cụ tìm kiếm, nhằm mục đích thu hút số lượng lớn độc giả để kinh doanh quảng cáo.

Bất chấp kinh tế suy thoái, quảng cáo vẫn là nguồn doanh thu quan trọng đối với các trang báo mạng.

Rob Noss, người điều hành mạng lưới toàn cầu chuyên về thương hiệu Mindshare, cho biết ông vẫn không chắc chắn độc giả sẽ phản ứng ra sao nếu họ bị yêu cầu trả phí để đọc nội dung trên web.

“Quan điểm của cá nhân tôi là nếu tôi phải trả tiền để đọc tin, tôi sẽ không muốn thấy quảng cáo”, ông nói.

Không phải mọi nội dung của Financial Times đều được đặt trong những “bức tường thu phí”.

Ngay trong Mùa thu này, báo sẽ giới thiệu một phiên bản điện tử độc lập của tuần san “How to Spend It” – nơi dành riêng cho các khách hàng quảng cáo lắm tiền. Ridding cho biết, tuần san sẽ miễn phí đọc ít nhất trong thời gian đầu.

The Financial Times có thể sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa mới từ The Journal, nếu Murdoch phát triển một mô hình đột phá để thu phí từ web. Để ví dụ, có thể The Journal sẽ gộp các gói phí đọc báo kèm theo các nội dung khác của News Corporation.

Nhưng The Financial Times sẽ không phải đối mặt với “cơn khủng hoảng hiện sinh” đang đe dọa nhiều tờ báo khác.

“Tất cả bắt nguồn từ niềm tin vào giá trị sản phẩm báo chí của chúng tôi”, giám đốc điều hành Ridding nói. “Chúng tôi đang thực sự hạnh phúc với những gì đã tạo dựng được ở đây”.

Quý Đoàn
Theo NY Times

Dòng sự kiện: Kinh doanh Internet