Facebook và “ván bài lật ngửa” Messenger

(Dân trí) - Facebook đã bắt đầu biến ứng dụng nhắn tin Messenger trở thành một nền tảng của thương mại điện tử, video và nhiều hơn thế nữa như để thay đổi kênh giao tiếp trên cộng đồng mạng.

Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg vừa giới thiệu nền tảng Messenger Platform, như là một cách thức để các nhà phát triển phần mềm đưa ứng dụng, dịch vụ của mình tới hơn 600 triệu người dùng dịch vụ nhắn tin của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

“Chúng tôi tin dịch vụ này sẽ có tiềm năng cho phép mọi người chia sẻ, thể hiện về mình bằng những phương thức rất mới… và đây sẽ là một công cụ giao tiếp rất quan trọng cho cả thế giới”, Zuckerberg tỏ ra tự tin trong sự kiện dành cho các nhà phát triển do Facebook tổ chức thường niên tại San Francisco.

Facebook giới thiệu hơn 25 sản phẩm và công cụ được “may đo” để giúp các nhà phát triển “xây dựng, phát triển và tìm kiếm doanh thu” từ các ứng dụng di động được thiết kế dành cho khoảng 1,39 tỷ người dùng Facebook.

Messenger đang được xem như là “lá bài” của Facebook và đó cũng chính là lý do khiến ông chủ tài năng trẻ tuổi Mark liên tiếp nâng cấp để cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh, audio clip, video, các hình ảnh động và cả những nội dung số. Đây được xem là đòn tấn công trực tiếp đối với ngôi vị thống lĩnh từ lâu nay của mạng chia sẻ video Youtube của Google.

CEO Mark Zuckerberg giới thiệu nền tảng Messenger Platform.
CEO Mark Zuckerberg giới thiệu nền tảng Messenger Platform.

Sự thay đổi này cũng thể hiện tầm nhìn của Facebook đối với Messenger, và xem công cụ giao tiếp vốn từng gây ra nhiều tranh cãi trở thành “đòn bẩy” của mạng xã hội Facebook, và giúp hãng này “tổng hợp sức mạnh” để cạnh tranh với các đối thủ, như Snapchat vốn đang huy động nhiều đối tác để đẩy mạnh ứng dụng nhắn tin.

Một trong những nâng cấp đối với Messenger là nhằm đưa Facebook tiến tới môi trường thương mại điện tử béo bở bằng cách biến những chủ điểm tán ngẫu trên Messenger thành các kế hoạch mua sắm, và đặc biệt là biến thói quen shopping cá nhân trước đây trở thành những câu chuyện được chia sẻ trong tin nhắn.

“Chúng tôi sẽ biến Messenger thành nơi để mọi người có thể dễ dàng giao tiếp với các doanh nghiệp mà bạn quan tâm, và cả những người mà bạn muốn gặp gỡ”, Zuckerberg nhấn mạnh.

“Ván bài” trong cuộc đua trên thị trường thương mại điện tử của Facebook bắt đầu từ kế hoạch cho phép người dùng thanh toán bằng thẻ tín dụng trên Messenger, và mạng xã hội này cũng thử nghiệm nút “Mua - Buy” để giúp người dùng có thể mua hàng trực tiếp trên các trang Facebook của các nhà bán lẻ.

Nhóm phát triển Messsenger cũng đang hợp tác với các đối tác, trong đó có ESPN và hãng sản xuất phim Bad Robot của Hollywood để ra mắt các ứng dụng có thể hoạt động trên nền tảng mới này.

Ngoài ra, Facebook cũng đưa ra một công cụ được thiết kế để dễ dàng đưa những đoạn video chia sẻ công khai trên mạng xã hội và nhúng vào các website khác.

Facebook cũng chia sẻ trước hơn 2.500 nhà phát triển tham dự sự kiện rằng hãng sẽ đẩy mạnh công nghệ để giúp tích hợp các ứng dụng điều khiển ngôi nhà thông minh, như cửa gara ô tô, khoá, đèn… , như là một cách để đồng hành với xu hướng “Internet của sự vật” đang bùng nổ hiện nay.

Còn nhớ cuối tháng 7/2014, Facebook đã thực hiện một quyết định gây tranh cãi khi ép gỡ bỏ chức năng chat trên ứng dụng Facebook mặc định trên Android và iOS, đồng thời ép buộc người dùng phải cài đặt thêm ứng dụng Messenger nếu muốn tiếp tục chat bằng Facebook trên smartphone.

Hành động này của Facebook khiến nhiều người dùng của mạng xã hội này phản đối gay gắt, nhất là với những người sử dụng smartphone có cấu hình yếu, việc cài đặt song song cả ứng dụng Facebook lẫn ứng dụng chat Messenger khiến họ gặp nhiều khó khăn và thiết bị hoạt động trở nên ì ạch hơn.

Tuy vậy, nhìn lại những gì đã qua, Facebook dường như đã xem Messenger như là một “ván bài” trong nỗ lực bành trướng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chưa thể khẳng định Messenger có thể trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho Facebook hay không bởi hiện tại còn quá sớm, và các đối thủ lớn, như Google, Amazon cũng không hề đứng yên trong các chiến lược kinh doanh của mình.

Khôi Linh