Facebook nhầm lẫn tượng đài phun nước ở Ý là ảnh khiêu dâm
(Dân trí) - Mạng xã hội lớn nhất thế giới vừa phải thừa nhận lỗi sau khi vô tình chặn những hình ảnh của bức tượng Neptune nổi tiếng, được chế tác từ thế kỷ 16 và là một biểu tượng của nước Ý vì cho rằng đó là hình ảnh khiêu dâm.
Mạng xã hội Facebook lại một lần nữa đối mặt với những lời chỉ trích sau khi nhiều người dùng phát hiện ra rằng các hình ảnh chụp bức tượng Neptune tại Đài phun nước Piazza del Nettuno nằm giữa thành phố Bologna bị chặn, và liệt vào nhóm ảnh "khiêu dâm".
Vụ việc bắt đầu từ khi Elisa Barbari, một nhà văn địa phương quyết định dùng hình ảnh tượng Neptune trần truồng, cầm cây đinh ba, để làm đại diện cho bài viết với tiêu đề "Những câu chuyện kỳ thú và góc nhìn tại Bologna". Tuy nhiên bức ảnh đã bị chặn do vi phạm quy định về nội dung nhạy cảm từ mạng xã hội Facebook, tờ Daily Telegraph cho biết.
Trong một tuyên bố mới đây, Facebook thừa nhận rằng đã có sự nhầm lẫn trong quá trình kiểm duyệt. "Nhóm của chúng tôi phải xử lý hàng triệu hình ảnh quảng cáo mỗi tuần và đã chặn được gần như tất cả các trường hợp vi phạm chính sách. Sau khi kiểm tra lại, hình ảnh này không vi phạm các chính sách của chúng tôi và các nhà quảng cáo có thể sử dụng nó. Chúng tôi xin lỗi vì sự cố này."
Bức tượng Neptune được thực hiện vào những năm 1560 bởi nhà điêu khắc đại tài Jean de Boulogne, hay còn biết đến dưới nghệ danh Giambologna. Bức tượng nhanh chóng trở thành một biểu tượng của thành phố và là một phần không thể thiếu của quảng trường trong suốt 500 năm qua.
Phần mềm kiểm duyệt quá chặt chẽ của Facebook từng khiến mạng xã hội này đối mặt với nhiều tranh cãi trong quá khứ, nhưng vẫn tiếp tục gia tăng với tần số ngày một nhiều. Ngoài ra, Facebook cũng đang phải đối mặt với các chỉ trích vì không kiểm duyệt được tin tức giả mạo, có tác động không nhỏ tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Năm ngoái, mạng xã hội khổng lồ của Mark Zuckerberg vướng vào một cuộc tranh luận nảy lửa khi đã chặn bức ảnh nổi tiếng "Em bé napalm" của nhiếp ảnh gia Nick Ut - từng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1973. Bức ảnh không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử, khiến cả thế giới rúng động khi được chứng kiến sự tàn bạo kinh hoàng của chiến tranh Việt Nam.
Trong cuộc tranh luận này, Facebook cũng tuyên bố bức ảnh đã các phá vỡ quy định về ảnh khoả thân. Tuy nhiên sau đó, họ đã thay đổi quyết định của mình và đưa ra một lời xin lỗi, nói rằng Facebook công nhận "tính chất lịch sử và tầm ảnh hưởng toàn cầu của bức ảnh này".
Tháng Giêng năm 2015, Facebook cũng từng gặp phải cáo buộc tương tự khi đã chặn hình ảnh của bức tượng Nàng tiên cá Copenhagen tại thủ đô của Đan Mạch.
Nguyễn Nguyễn
Theo The Guardian